Con hỏi “tại sao phải học”, cha mẹ trả lời như thế nào mới là thông thái?

PHAN HẰNG,
Chia sẻ

Thỉnh thoảng trẻ sẽ hỏi cha mẹ tại sao phải học, đây là lúc cha mẹ cần định hình đúng đắn cho con biết về tầm quan trọng của việc học.

Sự tương tác giữa cha mẹ và con cái giống như một trò chơi trí tuệ, nơi trẻ em có thể đưa ra những câu hỏi "trên trời dưới đất", khiến cha mẹ không biết phải trả lời sao cho đúng. Khi còn nhỏ, trẻ thường ngây thơ, tò mò về mọi thứ, thường đặt ra các câu hỏi như "tại sao bầu trời cao", "tại sao đường lại ngọt". 

Đến khi trẻ lớn hơn, đến tuổi đi học, câu hỏi mà trẻ thường đặt ra là "tại sao phải học". Trẻ cảm thấy nghi ngờ về lý do học tập, chỉ thích chơi nhiều hơn, lúc này việc học khiến trẻ bị gò bó, không thoải mái. Vào thời điểm này, câu trả lời của cha mẹ là một phần quan trọng và quyết định trong giáo dục cuộc đời của trẻ.

Cha mẹ cần hiểu lý do trẻ đặt câu hỏi để có cách đối đáp phù hợp

- Bản tính tự nhiên của trẻ

Bản tính tự nhiên của trẻ là thích chơi đùa thoải mái, nhưng khi bắt đầu học tập, sự ràng buộc trong việc học mâu thuẫn với tính cách này. Hơn nữa, trẻ em ngày nay bắt đầu học tập từ rất sớm, do đó, tính ham chơi khiến trẻ không hiểu vì sao phải học.

Con hỏi “tại sao phải học ạ”, cha mẹ trả lời như thế nào mới là khôn ngoan? - Ảnh 1.

Cha mẹ cần hiểu lý do trẻ đặt câu hỏi để có cách đối đáp phù hợp.

- Biểu hiện của sự tin tưởng

Khi trẻ muốn giao tiếp với cha mẹ và chia sẻ những suy nghĩ trong lòng, điều đó thể hiện sự tin tưởng của trẻ với cha mẹ, đồng thời phản ánh mối quan hệ tốt giữa cha mẹ và con cái. Trẻ muốn hỏi cha mẹ để tìm kiếm câu trả lời, điều đó cũng xuất phát từ sự tin tưởng vô điều kiện vào cha mẹ.

- Áp lực học tập lớn

Áp lực học tập của trẻ không thua gì áp lực công việc của người lớn. Khi trẻ đối mặt với nhiều môn học nhưng lại không được như kỳ vọng, trẻ sẽ cảm thấy áp lực tâm lý lớn, cùng với mục đích học tập không rõ ràng dẫn tới trẻ hoang mang và bối rối về việc học.

Cha mẹ nên trả lời như thế nào để hun đúc ở trẻ tình yêu học hành?

Khi trẻ thắc mắc vì sao mình phải học, đó cũng là lúc chúng cần tới sự trợ giúp của cha mẹ trong việc định hình lại quan điểm về sự học, cha mẹ cần khéo léo giải thích cho trẻ hiểu.

- Dạy dỗ từ từ, khéo léo

Cha mẹ cần phải khéo léo và từ từ dẫn dắt trẻ. Khi trẻ hỏi tại sao phải học, cha mẹ có thể khuyến khích trẻ tự suy nghĩ, kết hợp với các ví dụ trong cuộc sống, giúp trẻ hình thành hiểu biết riêng. 

Ví dụ: Một người tốt nghiệp đại học sẽ có nhiều cơ hội việc làm hơn so với người không có bằng cấp. Chẳng hạn, trong các lĩnh vực như y tế, kỹ thuật, và công nghệ thông tin, nhiều vị trí yêu cầu trình độ học vấn cao. Việc học không chỉ mở ra cánh cửa cho những nghề nghiệp với thu nhập cao mà còn giúp phát triển kỹ năng chuyên môn cần thiết.

Nếu trẻ hiểu sai hoặc có cái nhìn hạn chế, cha mẹ có thể sửa chữa và hướng dẫn đúng cách. Khi trẻ bắt đầu suy nghĩ về lý do học tập, trẻ sẽ phát triển động lực từ bên trong.

Con hỏi “tại sao phải học ạ”, cha mẹ trả lời như thế nào mới là khôn ngoan? - Ảnh 2.

- Không thực dụng và không vội vàng

Kiên nhẫn là điều quan trọng trong giáo dục trẻ. Nhiều phụ huynh có thể cảm thấy những câu hỏi tò mò của trẻ là ngớ ngẩn nên thường trả lời một cách qua loa hoặc thể hiện sự thiếu kiên nhẫn. 

Một số phụ huynh, ngay cả khi trả lời, cũng mang tính thực dụng, chẳng hạn như nói "để sau này trở thành người giàu có" hay "để hơn người khác". Những câu trả lời như vậy có thể khiến trẻ có cái nhìn sai lệch.

Cha mẹ khi đối mặt với câu hỏi của trẻ nên kiên nhẫn lắng nghe những suy nghĩ của trẻ, đồng thời tận dụng cơ hội này để gần gũi hơn với trẻ, hiểu quan điểm của trẻ và nhẹ nhàng giải thích. Không nên để những yếu tố thực dụng làm sai lệch quan điểm của trẻ, mà nên giúp trẻ giảm bớt áp lực tâm lý và lo âu.

Tóm lại, câu hỏi "tại sao phải học" của trẻ ngoài việc cha mẹ giúp con mình gỡ rối những mơ hồ về việc học, nó còn giúp người lớn nhìn nhận sâu hơn về tầm quan trọng của việc học đối với một người.

Chia sẻ