Con học ở Tây: ít tốn kém, đủ yên tâm

,
Chia sẻ

Riêng về học phí, bố mẹ đóng tiền cho con tùy theo mức thu nhập. Thu nhập ít thì đóng ít, thu nhập cao thì đóng nhiều. Tuy nhiên, các con vẫn được “đối xử” và học tập như nhau.

Tôi là một ông bố, có hai con được sinh ra và nuôi dưỡng ở Pháp. Hai cháu đều đang đi ở Paris. Về Việt Nam ăn tết, nói chuyện với mọi người trong gia đình, tôi thấy có những sự khác biệt trong cách giáo dục.

Chỉ nêu lên một suy nghĩ để các bạn tham khảo.

1. Về tới Hà Nội, cũng là lúc các cháu tôi kết thúc học kỳ 1. Nghe chị gái kể: “Cháu cậu học lớp 1, chị phải dậy sớm để đi xếp chỗ ấy vào trường điểm gần nhà. Đấy là mình đúng tuyến, có đủ hộ khẩu, mà vất vả lắm mới vào được. Trường lại còn có yêu cầu, hộ khẩu của cháu, của bố, của mẹ đều phải ở phường này mới vào được trường đó hoặc bé phải có hộ khẩu ở đây ít nhất là 4 năm. May mà anh rể cậu cũng nhập khẩu về nhà mình từ sau khi cưới”.

Trong khi đó, giáo dục tiểu học ở Pháp “bắt buộc” phải được phổ cập. Bố mẹ không cho con đi học có khi còn bị phạt. Nhớ lần thằng lớn nhà tôi chuẩn bị đi học, hai tuần trước ngày khai giảng tự dưng có lá thư của quận thông báo con tôi được xếp học trường A, mời phụ huynh đến gặp giáo viên vào ngày…, tháng...

Tôi ngạc nhiên hỏi hàng xóm:

-  Sao họ biết mình có con nhỉ?

- Vì căn cứ vào số gia đình.

-  Sao họ biết bé đến tuổi mẫu giáo?

-  Căn cứ vào giấy khai sinh.

-  Sao họ lại xếp cho bé học trường A gần nhà chứ không phải là trường khác?

-  Vì trường đó là gần nhất. Khi xây thành phố, người ta đã tính trước trong vòng bán kính bao nhiêu, phải có chừng nào trường học.

Ngay cả cách trẻ con ngồi học trong lớp, bên Tây cũng khác ta

2. Kết thúc năm học, trước khi nghỉ học, cô giáo thường đưa cho bố mẹ một gói to tất cả các sản phẩm bé đã làm được trong cả năm học.

Các sản phẩm bé nhà tôi nhiều nhất là tranh vẽ. Vẽ bằng bút chì, bút lông, màu nước, đồ đóng dấu hình đủ loại, dán các loại hình tạo thành bức tranh. Cũng là những cách trang trí như vậy, các cô còn sáng tạo ra nhiều kiểu để bé có được nhiều tác phẩm thú vị lắm.

Dịp lễ Phục sinh, cô cắt hình con gà cho bé sơn màu vàng lên; hình con thỏ để dán các sợi giấy màu lên làm lông.

Dịp lễ Carnaval, các bé thi dán màu lên mặt nạ.

Dịp Ngày lễ của mẹ, các cô nặn bột thành đủ hình, rồi cho các bé sơn màu lên, các cô xỏ tất cả vào 1 sợi dây thành dây chuyền cho bé tặng mẹ.

Dịp Ngày lễ của cha, các bé cùng làm bánh hình trái tim để tặng cha. Ngay ở nhà trẻ, bé được các cô dạng cho làm bánh, tiếp xúc với nhiều vật liệu như bột, trứng, đường.

Cách các cô lưu lại những sản phẩm đó sẽ lưu giữ cho bé rất nhiều kỷ niệm, nhắc bé nhớ về những kinh nghiệm trong quá trình làm ra sản phẩm. Ví dụ như bé vẽ tranh không đơn giản chỉ là vẽ, tô màu, mà còn thể hiện tình cảm thông qua bức tranh như thế nào

 Bố mẹ tha hồ được ngắm nhìn và “thưởng thức” sản phẩm của con. Quan trọng hơn, hoàn toàn yên tâm với những gì con được học ở trường.

3. Ở trường học, các cô giáo luôn có ý thức dạy bé đề cao “cái tôi”, ngay từ khi còn nhỏ. Có những tên bài tập mà nghe qua chắc chưa hề xuất hiện ở Việt Nam, như: “Bạn hãy quảng cáo về bản thân”. Lúc đó, các bé hiểu rằng chỉ được nói những điều tốt đẹp về bản thân mà thôi.

Mỗi bé sẽ tự trình bày bài tập trước cả lớp, trong một khoảng thời gian quy định. Bé có quyền viết, vẽ, hát… làm sao để nổi bật bản thân mình mà thôi. Điều này tập cho bé thói quen mạnh dạn nói trước đám đông, rèn tính tự tin và khả năng diễn đạt. Khi bé nói xong, các bạn khác sẽ góp ý kiến. Có thể là chỉ ra nhược điểm hoặc liệt kê giúp bé những ưu điểm con thiếu. Cô giáo chỉ đóng vai trò là MC mà thôi.

Còn rất nhiều câu chuyện, những ví dụ khác về cách giáo dục trẻ con ở bên Pháp. Riêng về học phí, bố mẹ đóng tiền cho con tùy theo mức thu nhập. Thu nhập ít thì đóng ít, thu nhập cao thì đóng nhiều. Tuy nhiên, các con vẫn được “đối xử” và học tập như nhau.

Nếu có thể kể hết, có lẽ cũng tới vài trang giấy. Tôi chỉ nhận thấy rằng các con mình đi học ở trời Tây sao nhẹ nhàng mà ít tốn kém, bố mẹ thì quá yên tâm rồi!

Viên Bùi

Chia sẻ