Con gái có hành động kì quặc lúc nửa đêm, thái độ dửng dưng của bố mẹ khiến nhiều người khó hiểu
Hành động kì quặc này khiến không ít cư dân mạng cảm thấy sợ vì thời điểm quay clip nhà em bé tắt điện, vì thế rõ ràng không phải cô bé đang đùa giỡn với bố mẹ.
Mới đây trên mạng xã hội lan truyền đoạn clip ghi lại cảnh tượng lúc nửa đêm tại một gia đình đang thu hút sự chú ý của nhiều người. Trong video do camera quay lại, cặp vợ chồng đang ngủ thì tỉnh giấc vì thấy con gái có biểu hiện kì lạ. Cô bé từ trên giường bò xuống dưới sàn trong tư thế đầu chúi xuống đất, sau đó bò một vòng quanh phòng rồi mới trở lại giường.
Hành động kì quặc này khiến không ít cư dân mạng cảm thấy sợ vì thời điểm quay clip nhà em bé tắt điện, vì thế rõ ràng không phải cô bé đang đùa giỡn với bố mẹ. Thế nhưng điều lạ nhất là bố mẹ của bé chứng kiến sự việc từ đầu đến cuối nhưng dửng dưng như không, thậm chí vô tư cười đùa và người bố còn sử dụng điện thoại.
Bé gái có hành động kì lạ lúc nửa đêm
Thế nhưng sau khi theo dõi kĩ thì nhiều người đã tinh ý nhận ra bé gái trong clip bị mộng du trong khi đang ngủ, vì thế mà cô bé thực hiện hành động trên trong trạng thái mơ màng, thậm chí còn không biết bản thân đang làm gì.
Còn bố mẹ em bé thì một số người dự đoán rằng do đã quen với việc con mình bị như vậy nên chỉ biết ngồi im chứ không ngăn cản hay chạy lại bế con. Bên cạnh đó, có người cũng nhận ra gia đình bé gái này không sử dụng giường cao, bởi vậy trong trường hợp con gái bị mộng du cũng sẽ không gặp nguy hiểm.
Tuy nhiên, bố mẹ bé vẫn phải hết sức cẩn thận vì trong nhà tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ làm ảnh hưởng đến sự an toàn của bé, nhất là với các bé bị mắc chứng mộng du.
Mộng du ở trẻ nhỏ
Mộng du rất phổ biến ở trẻ em. Mộng du là một tình trạng rối loạn, khiến trẻ đứng dậy và đi bộ khi đang ngủ. Khi này trẻ không nhận thức được hành động của mình.
Chứng mộng du thường xảy ra khi trẻ đang chuyển từ giai đoạn ngủ sâu sang giai đoạn nông hơn hoặc thức dậy. Trẻ không thể trả lời các câu hỏi của bạn khi đang trong trạng thái mộng du và thường không nhớ về tình trạng này khi tỉnh dậy.
Mộng du chủ yếu xảy ra ở trẻ em, và hay gặp nhất ở độ tuổi từ 4 - 8 tuổi. Hầu hết trẻ em bắt đầu mộng du vào khoảng thời gian từ 1 - 2 giờ sau khi ngủ. Các cơn mộng du thường kéo dài từ 5 - 15 phút. Rất khó để đánh thức trẻ khi đang bị mộng du. Nếu bị đánh thức trong lúc này, trẻ có thể cảm thấy chếnh choáng và mất phương hướng trong vài phút.
Hành vi này thường vô hại và hầu hết trẻ em lớn lên và mất đi tình trạng này. Tuy nhiên, nó có thể gây nguy hiểm nếu trẻ không được bảo vệ. Điều quan trọng đó là cha mẹ cần phải bảo vệ trẻ khỏi các tình huống có thể bị thương xảy ra khi trẻ mộng du.
Mộng du không chỉ đơn thuần là đi bộ, trẻ có thể có những hành vi khác như: Hành vi vô hại: như ngồi dậy. Hành vi tiềm ẩn nguy hiểm như: đi lang thang bên ngoài. Hành vi không thích hợp như: Mở cửa tủ quần áo và đi tiểu vào trong đó.
Có một số yếu tố có thể góp phần vào chứng mộng du ở trẻ em, bao gồm: Trẻ bị mệt mỏi hoặc thiếu ngủ, trẻ có thói quen ngủ không đều, trẻ bị căng thẳng hoặc lo lắng, trẻ phải ngủ ở một nơi xa lạ, trẻ bị ốm hoặc sốt, do tác dụng của một số loại thuốc, bao gồm thuốc an thần, chất kích thích và thuốc kháng histamin và trẻ sinh ra trong gia đình có tiền sử bị mộng du.
Mộng du có hại không?
Tình trạng mộng du không có hại. Nhưng mộng du có thể dẫn tới các tình huống nguy hiểm vì trẻ bị mộng du không tỉnh táo và có thể không biết mình đang làm gì. Một số tình huống nguy hiểm có thể xảy ra khi trẻ bị mộng du như là: Trẻ tự làm tổn thương bản thân, đặc biệt là khi trẻ đi bộ gần đồ vật trong nhà hoặc cầu thang, đi lang thang ngoài trời, ăn thứ gì đó không phù hợp khi mộng du.
Một số biện pháp khi trẻ bị mộng du
Cha mẹ có thể thực hiện các biện pháp an toàn xung quanh nhà để giúp giữ an toàn cho trẻ bị mộng du:
- Đóng và khóa tất cả các cửa ra vào và cửa sổ trong ngôi nhà vào ban đêm.
- Cài đặt báo động trên cửa ra vào và cửa sổ hoặc cài đặt khóa ngoài tầm với của con.
- Loại bỏ các vật dụng có thể là mối nguy hiểm khi vấp ngã và các vật sắc nhọn, dễ vỡ xung quanh giường của con.
- Không cho con ngủ trên giường tầng.
- Lắp đặt cửa an toàn trước cầu thang hoặc cửa ra vào.
- Giảm nhiệt độ bình nước nóng để tránh bị bỏng.
- Giữ chìa khóa ngoài tầm với của con.