Con được gọi là "chủ tịch": Tôi thấy cũng chẳng sao!

Tường Vy,
Chia sẻ

Đó là ý kiến của một người mẹ về dự thảo điều lệ trường tiểu học mới. Tuy nhiên bên cạnh đó cũng có khá nhiều ý kiến trái chiều về vấn đề này.

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố dự thảo điều lệ trường tiểu học quy định mỗi lớp không quá 35 học sinh, có thể lập Hội đồng tự quản với các chức danh chủ tịch, phó chủ tịch do học sinh bầu hoặc giáo viên chủ nhiệm chỉ định luân phiên. Các chức danh này sẽ thay cho vị trí lớp trưởng, lớp phó hiện đang được dùng trong mỗi lớp học. 

Mỗi lớp chia thành các tổ hoặc ban hoặc nhóm, có tổ trưởng, tổ phó hoặc trưởng ban, phó ban, nhóm trưởng, thư ký do học sinh bầu hoặc giáo viên chủ nhiệm chỉ định luân phiên. Những lớp cùng trình độ lập thành khối lớp để phối hợp các hoạt động chung.

Dự thảo về mô hình mới này thu hút sự quan tâm khá nhiều của các bà mẹ trẻ, đặc biệt là những người có con đang và sắp bước vào độ tuổi tiểu học. 

Chị Nông Thị Thu Trang - bà mẹ trẻ 34 tuổi (Hà Nội) cũng có hai con nhỏ lại tỏ ra khá lo lắng: “Để là lớp trưởng như cũ hơn. Tôi không thích chính sách thay đổi này. Nếu con tôi đến độ tuổi đi học tôi cũng chỉ thích con tôi được gọi là lớp trưởng thôi. Không thích gọi là chủ tịch. Các cháu còn nhỏ sẽ không hiểu chức vụ chủ tịch là gì? Các cháu đã quen với chức danh lớp trưởng rồi. Mà cả ngay bản thân phụ huynh nghe từ lớp trưởng cũng đơn giản hơn chứ nghe từ chủ tịch nó nặng nề quá sợ con không kham nổi. Có lẽ chức danh sẽ chỉ đưa ra thế thôi chứ trong môi trường giáo dục của mình các con vẫn chưa có quyền tự quyết vẫn phải phụ thuộc nhiều vào cô, các cô vẫn phải can thiệp nhiều vì độ tuổi tiểu học các con còn khá nhỏ".

Con làm

Chị cũng cho biết thêm: "Việc thay đổi chỉ làm phức tạp thêm và quá quan trọng hóa vấn đề. Mô hình này sẽ thích hợp hơn với lứa tuổi các cháu lớn hơn một chút. Còn nếu thay đổi để khuyến khích các con thì cũng không cần thiết. Vẫn gọi các cháu là lớp trưởng và trao quyền tự lập hơn cũng được, không nhất thiết là phải đổi thì mới trao quyền được. Làm như nào là do cách mình giáo dục thôi. Hãy để tên cũ và thay đổ  suy nghĩ mới, cách làm mới thì ổn hơn".

Chị Hằng Ngân 27 tuổi (Hà Nội) là mẹ của bé Đặng Phúc Hiển Long - 28 tháng tuổi lại có quan điểm hoàn toàn trái ngược. Chị cho rằng:

“Dự thảo này là chia lớp học thành các nhóm, để học sinh có điều kiện tự do thảo luận, chủ tịch hội đồng tự quản sẽ do học sinh bầu hoặc cô giáo chỉ định. Chức vụ này cũng được luân phiên chứ không phải một năm học một em duy nhất. Như vậy, cách thức này sẽ thúc đẩy khả năng làm việc nhóm, khả năng lãnh đạo của trẻ - đặc điểm này người Việt Nam mình khá yếu. Cho các em luân phiên các em sẽ được trải nghiệm cảm giác quản lý, điều hành, phân công, đốc thúc, tính chủ động, sáng tạo, năng động, tự tin, hợp tác... Điều này hoàn toàn có lợi cho các em. Chỉ cần làm thật tốt tránh kiểu "bình mới rượu cũ" là được thôi".

Con làm

Chị Hồ Thị Quỳnh Trang (Đà Lạt) có con sắp bước vào tiểu học chia sẻ: 

"Tôi nghĩ nếu trong lớp con tôi được gọi là chủ tịch thì cũng chẳng sao cả. Bản thân chúng sẽ xem đó là một thử thách, một sự khích lệ mà nhà trường đặt ra để phấn đấu. Tôi không phản đối chủ trương này. Thật ra cũng chỉ là một cách gọi khác thay cho cách gọi cũ. Cách gọi mới này nhằm nhấn mạnh cho vai trò, chức năng của "người đương nhiệm". Người nhận lãnh vai trò là người xuất sắc nhất, được sự tín nhiệm của các bạn nhất.  Vậy đó là một ưu điểm để các bé có vạch xuất phát như nhau, cùng phấn đấu, cùng đoàn kết để tham gia học tập và quản lý lớp học. Điều này cũng rèn luyện cho các bé tính tự lập, tự phát huy khả năng; tính tự chủ trong học tập và các hoạt động khác; tính tự quản trong việc tham gia tổ chức, quản lý các mặt trong một lớp học. 

Con làm

"Theo tôi, quan trọng không phải ở một cách gọi mới, mà quan trọng là sự kéo theo một sự thay đổi mới trong nền giáo dục, một diện mạo mới, một bước tiến mới cho tương lai con em chúng ta, xoá bỏ đi những tiêu cực, những yếu kém trong nền giáo dục mới là điều đáng quan tâm. Vấn đề không nằm ở tên gọi. Từ một tên gọi, từ một mô hình học tập mới mà có giá trị thay đổi nhiều đến thế thì theo tôi cũng là một điều đáng làm, đáng thử...".

Ngoài ra còn rất nhiều các bà mẹ trẻ cho rằng trẻ còn nhỏ mà được gắn "chức danh" và quyền lực cho các em quá sớm khi chính các em chưa ý thức được đầy đủ sẽ sinh kiêu ngạo, ảo tưởng. Các cháu có thể bị nhiễm tư tưởng tự mãn, tự cao tự đại vì những chức danh cứng cỏi vô hồn ấy.

Bạn có ý kiến gì về dự thảo mô hình trường học mới tại Việt Nam và bạn có lo lắng gì khi có con sắp bước vào tiểu học khi chính sách này áp dụng không? Hãy cùng Mẹ & bé thảo luận bằng cách gửi email về địa chỉ của chuyên mục mevabe@afamily.vn.
 

Xây dựng kiểu nhà trường tiên tiến, hiện đại

Mô hình trường học mới tại Việt Nam (Dự án GPE-VNEN, Global Partnership for Education – Viet Nam Escuela Nueva) là dự án về sư phạm nhằm xây dựng và nhân rộng một kiểu mô hình nhà trường tiên tiến, hiện đại, phù hợp với mục tiêu phát triển và đặc điểm của giáo dục Việt Nam.

Đây là dự án cải cách giáo dục lớn, được Quỹ hỗ trợ toàn cầu về giáo dục của Liên Hiệp Quốc tài trợ không hoàn lại 84,6 triệu USD giai đoạn 2011-2015, được Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai trên cả nước với sự trợ giúp của Ngân hàng Thế giới.

Mục đích của dự án là nâng cao năng lực giảng dạy và học tập tại các trường tiểu học. Dự án tập trung vào học sinh và hướng đến việc kích thích tính độc lập và sáng tạo của trẻ em.

Năm học 2011-2012, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã triển khai thí điểm Mô hình trường học mới tại 24 trường tiểu học.

Năm học 2012-2013, mô hình trường học mới đã được thực hiện ở gần 1.500 trường tiểu học trên 63 tỉnh, thành của cả nước.

Năm học 2013-2014 số trường tham gia mô hình VNEN là hơn 1.700 trường và năm học 2014-2015, cả nước có 1.039 trường tự nguyện áp dụng mô hình VNEN, nâng tổng số trường tham gia mô hình VNEN là hơn 2.500
Chia sẻ