Con cũng thở dài ''ba mẹ nhà người ta'' lương trăm triệu, bằng tuổi ba thì người ta đã là tổng thống
Nếu con bạn đạt điểm tốt, có giải thưởng này kia... mà cứ để con la lớn quá, đắc ý quá cũng không nên. Đó là lòng trắc ẩn, là một phần của EQ. Cần dạy con biết cư xử tinh tế và văn minh.
Những ngày cuối năm học, nhiều phụ huynh bắt đầu chia sẻ bảng điểm của con mình lên mạng xã hội. Mục đích là để anh chị em bạn bè biết tới kết quả học tập của con mình. Phần lớn những bảng điểm được "khoe" ra đó là những thành tích xuất sắc khiến mọi người phải trầm trồ thán phục. Những lời khen tặng khiến các bậc phụ huynh mở mày mở mặt nhờ con.
Đương nhiên, con mình học tốt phải khoe chứ, việc đó không có gì là xấu cả. Các bậc làm cha làm mẹ ai cũng có quyền tự hào về thành tích của các con mình.
Tuy nhiên, có không ít phụ huynh khi nhìn thấy con mình không được bằng "con nhà người ta" đã có những cách cư xử không đúng mực, lại ngậm ngùi trút mọi bực dọc lên đầu con trẻ.
Mới đây, trên trang facebook cá nhân của mình, nhà báo Trần Thu Hà đã có một bài viết chia sẻ quan điểm của chị về việc nên dừng lại việc "khoe giấy khen" trên mạng xã hội. Infonet xin trích dẫn nguyên văn:
"Thử hỏi nè, ba mẹ nghĩ sao nếu con cũng nói “ba mẹ nhà người ta”:
“Ủa sao lương ba mẹ thấp quá vậy? Sao có 20 triệu thôi hả? Ba thằng Hưng lương cả trăm triệu kìa...”
Ba mẹ nghĩ sao nếu con cũng thở dài: “Bằng tuổi ba thì ba nhà người ta đã làm tổng thống Mỹ rồi!”.
Tuần này lại vào mùa điểm số, mùa khoe giấy khen, mùa “con nhà người ta”. Ba mẹ và người lớn có thấy thoải mái khi bảng lương của mình được đăng công khai không, sao lại công khai điểm của con, của học trò?
Mình nghĩ, công khai bảng điểm cũng là bạo lực học đường, 1 trò làm nhục tập thể, tổn thương cho tất cả. Với những bé không may điểm thấp thì rõ rồi nha. Nhưng nếu con bạn đạt điểm tốt, có giải thưởng này kia... mà cứ để con la lớn quá, đắc ý quá, trong khi xung quanh các bạn đang buồn, thì cũng không nên ạ.
Đó là lòng trắc ẩn đó, là một phần của EQ đó. Cần dạy con biết thương người khác, biết cư xử tinh tế và văn minh, đừng làm bạn bè bẽ mặt hay bị đánh vì mình.
EQ cao giúp con thành công, hạnh phúc, còn hơn cả điểm số đó ạ. Mình thấy Mỹ, Châu Âu, Nhật, Úc, Canada, Israel... đều bắt buộc phải bảo vệ thông tin cá nhân của học sinh, sự riêng tư điểm số rất nghiêm ngặt.
Còn ở mình, mọi thứ cứ công khai hết. Bố mẹ chưa đóng học phí, chưa có đủ sách, hay chưa tiêm vaccine là giáo viên bắt học sinh đứng lên trình bày công khai lí do. Khổ, chỉ biết là bố mẹ em chưa có tiền, còn làm sao bố mẹ chưa có tiền thì trẻ con sao biết? Mà có biết đi nữa, thì nói ra trước lớp cũng đâu có vui.
Bạn mình ở Nhật kể, thậm chí cũng không bao giờ có đề bài tập làm văn động chạm đến cá nhân như tả nghề nghiệp bố mẹ..., vì rất có thể có những học sinh bố mẹ không nghề nghiệp, có thể có những em vì một lý do nào đặc biệt nào đó không yêu được bố/mẹ mình. Ở mình bài văn tả nhà cửa, tả nghề nghiệp của bố mẹ là đại trà ha!
Mẹ Hà thấy rằng, về cơ sở vật chất thì cũng khó học theo các nước giàu được liền, vì cần kinh phí lớn, như mở đường, mở trường, xây thêm phòng học...Nhưng có những thay đổi có thể làm được ngay hôm nay. Ví dụ như tôn trọng quyền riêng tư về điểm số và kết quả học tập.
Chỉ cần dừng lại một cú click chuột! Bạn không tốn đồng tiền nào, nhưng sẽ giảm tổn thương con mình và con nhà khác được rất nhiều đấy ạ!".
Bài đăng nhanh chóng thu hút hàng nghìn lượt bày tỏ cảm xúc, bình luận và chia sẻ của cộng đồng mạng. Phần lớn các bậc phụ huynh đều nhất trí với quan điểm này của chị Thu Hà.
"Em thấy có ba mẹ vừa đưa thành tích của con mình khoe, còn vừa đá xéo nhà người khác nữa chứ, nhìn thôi đã ngao ngán.
Cảm ơn chị đã thức tỉnh: "cha mẹ nhà người ta kia kìa", em rất thích câu này";
"Khi nào người lớn bỏ được căn bệnh thành tích quái ác này thì khi đó mới có được những tài năng đúng nghĩa. Con em đỡ áp lực, xã hội mới lành mạnh hơn. Không còn những ông tiến sĩ giấy";
"Em nghe 1 bạn nói với mẹ: sao bố cũng là công chức mà không mua được ô tô - con thấy nhục cho bố";
"Đi họp phụ huynh cô giáo tiếng Đức của hai con bảo mình, con gái bà điểm tốt nó không tốt mãi bà đừng vui qúa. Con trai bà điểm xấu nó không xấu mãi bà đừng buồn qúa. Trẻ con mà nó sẽ thay đổi";
"Rất đồng quan điểm với chị!!! Hồi đó đề văn cứ bắt kể về nghề nghiệp của ba mẹ mà thực tình mình cũng không rõ ba mẹ làm gì. Hỏi thì cứ bảo con ghi kinh doanh đi trong khi bạn bè ai cũng tả bố mẹ làm ông này bà nọ. Mình ghét những đề như vậy vì mình chả có gì để viết cả nhưng chỉ tiêu bài văn phải ít nhất 1 tờ giấy đôi. Sau này lớn tí mới biết đâu phải công việc nào cũng gọi được tên và ba mẹ mình đâu chỉ làm một công việc để nuôi mình";
"Chính xác đó em, người lớn vô tình làm áp lực lên con. Hãy để con hồn nhiên đúng tuổi thơ của chúng, vì tuổi học trò là tuổi đẹp nhất, vô lo, vô nghĩ. Cùng lắm là đến năm con vào đại học thì có 1 bài chúc mừng con, vậy thôi";
"EQ ai cao thì sẽ không đi hỏi mấy cái này đâu? Mấy ba mấy mẹ cũng đâu thích ai hỏi "ủa lương tháng này nhiêu? Ủa thấp dạ? Có xx triệu thôi hả?" đâu? Thế thì bớt tọc mạch đời tư người khác lại đi ạ".
Trần Thu Hà (mẹ Xu Sim) là nhà báo nổi tiếng với 20 năm kinh nghiệm, có rất nhiều bài viết trên trang facebook cá nhân về đề tài giáo dục và nuôi dạy con rất hay thu hút đông đảo cư dân mạng.
Chị có 2 cô con gái Xu Sim thông minh, cá tính, trong quá trình nuôi dạy con chị Thu Hà tự đúc rút ra những bài học để trở thành người bạn đồng hành cùng con khôn lớn. Những bài viết đầy tính nhân văn của chị với ngôn từ nhẹ nhàng nhưng sâu sắc, những lời khuyên bổ ích dành cho các bậc cha mẹ trong quá trình làm bạn cùng con…Chị Thu Hà còn là tác giả của 3 cuốn sách Best seller: Con nghĩ đi, mẹ không biết; Buông tay để con bay và Ai cũng xứng đáng được hạnh phúc.
Hiện tại trang facebook cá nhân của chị có gần 260.000 lượt người theo dõi, những bài viết đều nhận về những phản hồi tích cực từ cư dân mạng.