Con cứ thấy bác sĩ là khóc ầm ĩ, phải làm sao?
Thời tiết nắng nóng nên Tép bị viêm phế quản cấp, thở khò khè và ho nhẹ nên được mẹ đưa đi khám bác sĩ, nhưng Tép khóc ầm ĩ từ lúc vào đến lúc ra khỏi phòng khám.
Đa số các trẻ nhỏ rất sợ đi đến bệnh viện và gặp bác sĩ, trẻ sẽ phản ứng bằng các khóc lóc, vùng vẫy và tỏ thái độ không hợp tác khi bác sĩ khám bệnh. Không chỉ có trẻ nhỏ, cả các bé lớn hơn vẫn mang tâm lý sợ sệt giống như khi còn nhỏ. Sử dụng phương pháp ép buộc không những không đem lại kết quả gì mà còn ảnh hưởng đến tâm lý trẻ nhỏ.
Muốn trị dứt điểm nỗi sợ này ở trẻ, các bậc phụ huynh cần phải tìm ra nguyên nhân chính xác khiến trẻ lo sợ.
Khi đi khám nên cho con mang theo một món đồ chơi yêu thích.
Nguyên nhân
- Sức khỏe yếu: Lúc bị bệnh, bé thường có cảm giác khó chịu trong người nên dễ cáu bẳn, khó chịu với những điều xảy ra không theo đúng ý mình.
- Sợ từ nhỏ: Ngay từ nhỏ, hầu như trẻ nào cũng phải đi khám bác sĩ, những mũi tiêm, xét nghiệm, uống thuốc đắng… là những ký ức ám ảnh mãi, khiến bé sợ đến lúc lớn.
- Tâm lý bị ảnh hưởng do những lời đe dọa của người lớn, qua những lời kể của người khác…
Trấn an tâm lý
- Chuẩn bị tinh thần: Hãy nói trước với con về mục đích đi gặp bác sĩ như: “Vì Bin bị đau họng, khó thở… nên mẹ dẫn Bin đi khám để bác sĩ chữa khỏi đau nhé!” Khi biết gặp bác sĩ để làm hết cơn khó chịu của mình, trẻ cũng sẽ yên tâm hơn.
- Nói thật với con: Nhiều cha mẹ vì lo lắng trẻ sẽ không chịu đi khám nên nói dối là dẫn con đi chơi, đi thăm họ hàng… rồi sau đó “dụ” con đến phòng khám. Cách này càng khiến trẻ phản ứng gay gắt hơn khi biết mình bị lừa, và lần sau sẽ tỏ ra thận trọng trước bố mẹ. Cách tốt nhất là nói trước với con về việc đi gặp bác sĩ để bé được chuẩn bị tinh thần.
- Mẹ kể con nghe: Tìm những câu chuyện nói về các con vật, bạn nhỏ… bị ốm và phải đi gặp bác sĩ khám bệnh, để con biết, sau khi khám xong người sẽ khỏe mạnh bình thường. Ví dụ như câu chuyện Emil được bố mẹ đưa đến khám bác sĩ chẳng hạn.
- Chơi trò bác sĩ: Cho con chơi trò bác sĩ khám bệnh với một chú gấu bông chẳng hạn, bé vào vai bác sĩ, khám bệnh cho chú gấu để bé thấy việc khám bệnh cũng thú vị và không hề đáng sợ.
Mình chơi trò khám bệnh nhé!
- Đi khám có thể sẽ bị đau, đừng nói với con rằng: “Không đau chút nào đâu!” bởi lần sau bé sẽ không tin bạn nữa. Hãy động viên con: “Chỉ đau như kiến cắn thôi, sẽ nhanh hết mà, con mẹ giỏi lắm.”
- Cách tốt nhất để con yên tâm hơn là bạn cho bé mang theo 1 món đồ chơi yêu thích, khi khám xong, hãy dành lời khen cho cả bé lẫn món đồ chơi bé mang theo: “Cả hai con đều rất dũng cảm.”
Nhiều khi tâm lý của trẻ bị ảnh hưởng bởi chính nỗi lo lắng của bố mẹ, chính vì vậy khi đưa con đi khám, bố mẹ cần bình tĩnh và động viên tinh thần con để những lần đi khám bác sĩ sau đó không còn là một nỗi ám ảnh với bé.
Tuấn Lan
(Tổng hợp)