Con có 6 biểu hiện này mà không bồi dưỡng thì sẽ phí hoài vì đó là đứa trẻ thông minh vô cùng
Trong quá trình lớn lên, có những biểu hiện cho thấy đứa trẻ thông minh vô cùng nhưng chưa chắc bố mẹ đã nhận ra hoặc thậm chí còn nghĩ rằng trẻ phiền phức, không ngoan.
Trí tuệ của trẻ sẽ quyết định năng lực học hành. Trẻ thông minh hay không chính là mối quan tâm hàng đầu của nhiều bậc cha mẹ ngày nay. Nếu trẻ có 6 biểu hiện sau đây, chứng tỏ trẻ rất thông minh, bố mẹ không nên lơ là mà cần bồi dưỡng giúp trẻ phát huy tài năng sau này.
1. Thích cười
Người ta thường bảo: "Những đứa trẻ hay cười thường có số mệnh rất tốt", bởi tiếng cười chính là ngôn ngữ đẹp nhất trên thế giới.
Có chuyên gia nhận định, khi con người vui vẻ là lúc trí tuệ phát huy tối đa, tiếng cười giúp ích cho sự phát triển của não bộ, khi trẻ ở trạng thái vui vẻ nghĩa là trẻ có thể tiếp thu và xử lý thông tin rất nhanh.
Một chuyên gia y tế Mỹ thông qua một nghiên cứu nhằm tìm ra mối liên hệ giữa tuổi tác và trí tuệ đã rút ra kết luận: Những đứa trẻ hay cười có trí tuệ phát triển vượt trội và sớm hơn hẳn so với những đứa trẻ ít cười ở cùng độ tuổi.
Những đứa trẻ tầm 2 – 3 tháng tuổi nếu có biểu hiện cười nắc nẻ khi được bố mẹ chọc ghẹo được gọi là phản ứng vui vẻ. Đây là bước đi đầu tiên khi trẻ tiếp xúc với thế giới bên ngoài, cũng là bước nhảy vọt về phát triển tâm sinh lý, là kích thích có lợi cho sự phát triển của não bộ. Điều bố mẹ cần làm là đảm bảo trẻ phát triển và trưởng thành trong một môi trường tràn ngập tiếng cười và nhiều niềm vui, đây cũng là phương pháp tốt nhất giúp kích thích trí tuệ của trẻ.
2. Thích đặt câu hỏi
"Mẹ ơi, con từ đâu đến?"; "Tại sao bầu trời đổ cơn mưa?"; "Tại sao có sấm sét?"; "Tại sao con chim biết bay?"... Khi con trẻ đặt những câu đại loại như vậy, một phần là bố mẹ thiếu kiên nhẫn, phần nhiều bố mẹ không biết câu trả lời chính xác, thế là bố mẹ gắt gỏng: "Tại sao con hỏi lắm thế?".
Thật ra, trẻ thích đặt câu hỏi là điều tốt. Những đứa trẻ thích đặt câu hỏi thường rất tò mò, trẻ sẽ tìm hiểu ngọn nguồn về những vấn đề còn chưa hiểu. Có lẽ, nhiều người sẽ cho rằng những đứa trẻ này thật lắm chuyện. Nhưng nếu chúng ta đổi góc nhìn, chúng ta sẽ nhận thấy những đứa trẻ này có tư duy rất nhạy bén, có khả năng quan sát mọi sự vật hiện tượng xung quanh. Thông qua cách đặt câu hỏi, trẻ sẽ suy nghĩ và tìm ra lời giải đáp. Bố mẹ không nên cảm thấy phiền phức khi trẻ luôn đặt câu hỏi, bởi đây là dấu hiệu chứng tỏ trẻ rất thông minh.
3. Thích bắt chước
Ngay từ khi chào đời, trẻ sơ sinh đã có những hành vi bắt chước đơn giản đối với những người xung quanh, chẳng hạn như nét mặt, giọng điệu ngôn ngữ, thói quen sống của bố mẹ đều ảnh hưởng trực tiếp đến trẻ.
Thông qua hành vi bắt chước, trẻ sẽ học hỏi và nhận biết về thế giới bên ngoài. Các chuyên gia tâm lý học cho biết, những trẻ có hành vi bắt chước càng khéo thì chứng tỏ bộ não càng phát triển. Trong đời sống hằng ngày, đối tượng trẻ bắt chước nhiều nhất chính là bố mẹ, bởi vậy hình tượng của bố mẹ đối với trẻ có vai trò vô cùng quan trọng.
4. Trí tưởng tượng phong phú
Trí tưởng tượng phong phú chính là năng lực tư duy không thể thiếu đối với một đứa trẻ, trí tưởng tượng càng phong phú thì chứng tỏ bộ não càng nhạy bén.
Những đứa trẻ có trí tưởng tượng phong phú sẽ kể những câu chuyện lôi cuốn, hấp dẫn. Nếu trước mặt trẻ là những món đồ chơi, con thú ngộ nghĩnh và trẻ có thể tưởng tượng ra một câu chuyện sinh động, hấp dẫn thì chứng tỏ trí tuệ của trẻ phát triển vượt trội.
Thực tế chứng minh, những đứa trẻ có trí tưởng tượng phong phú thì khả năng sáng tạo cũng song hành, những công việc liên quan đến sáng tác, hội họa, phát minh là môi trường giúp trẻ phát huy tài năng tốt nhất.
Trong quá trình dạy dỗ trẻ, bố mẹ nên cho trẻ tiếp xúc với thiên nhiên, có thể thông qua kể chuyện hoặc hội họa để bồi dưỡng trí tưởng tượng của trẻ. Bố mẹ nên hạn chế cho trẻ tiếp xúc với thiết bị điện tử, chẳng hạn như tivi, điện thoại, bởi chúng ảnh hưởng đến bộ não của trẻ, kìm hãm trí tưởng tượng bay bổng của trẻ.
5. Thích chỉ huy
Ngay từ nhỏ, có nhiều trẻ thích tỏ vẻ bề trên luôn chỉ huy các bạn, những đứa trẻ này thường được các bạn dựa dẫm, thích chơi cùng.
Nhiều bậc cha mẹ đều tỏ ra lo ngại, rằng bản tính thích chỉ huy của trẻ sẽ khiến trẻ trở nên xấc xược, khó dạy bảo, tuy nhiên nếu chúng ta đổi góc nhìn, chúng ta sẽ thấy những đứa trẻ này có năng lực tư duy và khả năng quản lý rất tốt, đó là tư chất cần có của một nhà lãnh đạo tài ba.
Những đứa trẻ thích chỉ huy cần được bố mẹ hướng dẫn những việc nên và không nên làm, giúp trẻ phân biệt rạch ròi giữa việc đúng và sai.
6. Tự giải quyết vấn đề
Trong đời sống hằng ngày, chúng ta đã quá quen với hình ảnh các bậc cha mẹ luôn dõi theo con, săn sóc cho con quá mức như xúc cơm bón từng muỗng, điều này tạo ra hệ lụy rất xấu cho tương lai của trẻ, bởi khiến trẻ ỷ lại bố mẹ, trẻ trở nên lười biếng, không thể tự lập.
Nếu trẻ có thể tự làm những việc đơn giản như xúc cơm ăn, mặc áo quần, đánh răng, rửa mặt... thì tốt nhất bố mẹ nên để trẻ tự làm.
Tự giải quyết vấn đề là bước đầu tiên cần có ở những đứa trẻ tự lập, cũng là lúc trẻ nhận thức về bản thân, nếu trẻ tự lập càng sớm càng có lợi cho tương lai sau này.
Ngoài yếu tố di truyền, trí tuệ của trẻ phụ thuộc phần nhiều vào môi trường sống và cách dạy dỗ của cha mẹ, chúng ta không thể thay đổi quy luật tự nhiên, nhưng chúng ta có thể cải tiến cách giáo dục giúp trẻ nhận được những điều tốt nhất.
Nguồn: Sohu