Con "chậm lớn" vì bố mẹ

Vnexpress,
Chia sẻ

Mới học lớp một, là con gái nhưng bé Nhung tỏ ra rất hiếu chiến, hay đánh bạn trong lớp và chửi bậy "Mẹ con này", "Tao đánh chết mày"... - những câu người cha hay dùng để chửi vợ.

Chị Vân, mẹ bé Nhung cho biết, học gần hết lớp 1 nhưng bé vẫn chưa biết đọc, học lực trung bình, nhận thức chậm lại hay nói chuyện riêng trong lớp. Không những thế bé còn tỏ ra ngang bướng, khó bảo, lỳ lợm, hay đánh bạn, chửi tục, không vừa ý cái gì là ném đồ đạc.

Thấy thế, chị đưa con đến viện khám thì các bác sĩ cho biết bé bị tăng động giảm chú ý. Không yên tâm, chị lại đưa con đi khám một nơi khác.

Tại phòng khám Tuna (phố Vọng, Hà Nội), Tiến sĩ - bác sĩ Lã Thị Bưởi cho biết bé Nhung chỉ bị rối loạn cảm xúc, hành vi, chứ chưa đến mức tăng động giảm chú ý. Bà cho biết Nhung chưa có các kỹ năng tự phục vụ bản thân, ngay cả việc mặc quần áo cũng do mẹ mặc cho, làm việc gì cũng chậm. Về mặt cảm xúc, bé dễ cáu, nói bậy, nhắc lại những câu người lớn chửi với bạn bè.
 

Theo bà, có hai nguyên nhân trực tiếp dẫn đến những rối loạn hành vi, căng thẳng ở bé. Trước hết là do bé thường xuyên phải chứng kiến cảnh bố đánh, chửi mẹ, những lúc đó đôi khi bé nói "Con chỉ muốn chết".

Ngoài ra cũng do bất đồng trong cách dạy con của cha mẹ. Người cha thì quan niệm có tiền là có tất cả nên chiều con, thích gì là mua cho. Trong khi mẹ lại dạy trẻ một cách khoa học, chỉ thưởng khi nào con ngoan nhưng rất hạn chế vì bé không được ngoan, hay nói trống không, rất lỳ. Vì thế, dù bố hay uống rượu, mắng trẻ nhưng bé vẫn yêu bố, không yêu mẹ, nghĩ mẹ không yêu mình mà chỉ yêu em, dẫn đến việc bé hay đánh em.

Cũng theo tiến sĩ Bưởi, những trường hợp trẻ chứng kiến cảnh bạo lực trong gia đình bị những rối loạn về hành vi, cảm xúc như trên không phải là hiếm gặp.

Mới 4 tuổi nhưng cu Bin ở Giáp Bát, Hà Nội đã bị rối loạn hoảng sợ nặng. Bé hay khóc, suốt ngày bám mẹ, không chịu rời nửa bước vì sợ mẹ bị đánh.

Chị Hà, mẹ Bin kể lại, mấy tháng trước, chị bị cả mẹ chồng, anh em nhà chồng xúm lại túm tóc, đánh ngay trước mặt con. Sau sự việc đó, chị thấy bé bắt đầu trở nên bướng bỉnh, thường phải nịnh, lại hay hoảng sợ. Cứ nhìn thấy những người từng đánh mẹ là bé lại luôn miệng nói "Tao giết chúng mày". Trong khi, trước đó bé rất ngoan, nghe lời mẹ.

Tiến sĩ Bưởi cho biết, bạo lực gia đình không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe, tinh thần của người phụ nữ mà còn ảnh hưởng đến thế hệ tương lai, để lại sự ám ảnh trong tiềm thức của trẻ. Bản thân việc sống trong gia đình không hòa thuận đã không thuận lợi cho sự phát triển của bé, việc trực tiếp chứng kiến cảnh bạo lực lại càng có ảnh hưởng nghiêm trọng hơn đến trẻ.

Một nghiên cứu quốc gia đầu tiên về bạo lực gia đình tại Việt Nam mới được công bố gần đây cũng cho thấy thực trạng này. Có đến hơn 50% phụ nữ bị bạo hành thể xác do chồng gây ra thừa nhận con cái họ từng chứng kiến ít nhất một lần. Họ cũng nhận thấy con có những vấn đề về hành vi và gặp khó khăn trong việc học tập ở trường, hay buồn bã, thiếu động cơ học tập, tách mình ra khỏi những bạn khác...

"Cũng cần nhận thấy rằng những trẻ chứng kiến bạo lực có thể sao chép những hành vi của bố mẹ. Bởi chúng có thể hiểu rằng những gì đang diễn ra là cách người lớn đối xử với nhau", tiến sĩ Bưởi nói.

Vì thế theo bà, chị em không nên cam chịu khi bị chồng bạo hành, mà dũng cảm đứng lên, điều này không chỉ để bảo vệ mình mà còn bảo vệ con. Điều trẻ cần nhất cho sự phát triển chính là tình yêu của cha mẹ, ông bà, những người gần gũi nhất nhưng tình yêu đó phải đúng mực.

Chia sẻ