Con bị khớp cắn ngược nhưng nhiều bố mẹ không hề biết, hãy để ý vì mốc thời gian này chính là giai đoạn vàng để chữa cho bé

San San,
Chia sẻ

Triệu chứng này ở bé không dễ phát hiện, bố mẹ cần thường xuyên để ý để chữa trị sớm cho con mình.

Trên thực tế, có khá nhiều bé mắc phải triệu chứng bị khớp cắn ngược. Theo chia sẻ của một người mẹ trong đoạn clip dưới đây, em bé bị khớp cắn ngược bẩm sinh, điều này đã lấy đi nụ cười tự nhiên của con, làm giảm sự tự tin và còn nhiều ảnh hưởng khác nữa. Ngay khi phát hiện, chị đã đưa con đi khám và đồng hành cùng bé trong việc chữa trị, tuy có không ít khó khăn nhưng hiện tại con đã chữa khỏi và xinh xắn, tự tin trở lại.

"Khớp cắn ngược là triệu chứng hàm trên ở bên trong hàm dưới. Do sự ngược đời này mà hàm dưới không được giữ bởi hàm trên dẫn đến phát triển tự do, dễ xảy ra hiện tượng như mặt bị móm hoặc các hiện tượng khác.

Khi con gần 2 tuổi mình phát hiện bé bị khớp cắn ngược. Vì trong nhà có vài người bị nên chỉ cần nhìn là phát hiện ra ngay. Khi đi khám, bác sĩ thông báo bé bị nặng, gần như cả hàm trên vào trong hàm dưới. Khi gãy 2 răng cửa trên cũng là thời điểm vàng để con bắt đầu chữa trị", bà mẹ trẻ tâm sự. 

Răng bé bị khớp cắn ngược và cách chữa trị. Nguồn: Tiktok.

Giai đoạn 1: Đeo dụng cụ trong khoảng 12-18 tháng tùy độ tiến triển của hàm trên.

Giai đoạn 2: Niềng răng để hàm dưới được ổn định, làm đều răng hơn trong khoảng 12-18 tháng. 

Giai đoạn 3: Đeo hàm tháo lắp khi đi ngủ đến năm 18 tuổi. 

Răng thế nào bị coi là khớp cắn ngược?

Khớp cắn ngược hay còn gọi là móm là tình trạng xương hàm dưới phát triển quá dài, đưa ra trước quá mức, xương hàm trên lại quá ngắn cụp vào trong. Khớp cắn ngược khiến khuôn mặt mất cân đối và tác động xấu tới cử động của hàm. 

Nếu tình trạng khớp cắn ngược gặp ở trẻ nhỏ vẫn còn răng sữa và cơ hàm không bị đưa ra quá nhiều thì bố mẹ nên theo dõi sự phát triển của răng trẻ thường xuyên. Vì trong giai đoạn này, răng trẻ vẫn chưa phát triển ổn định. Bên cạnh đó, bố mẹ cần hướng dẫn cho trẻ từ bỏ thói quen xấu như chống tay lên cằm, cắn răng... Khi hết giai đoạn thay răng sữa mà trẻ vẫn còn tình trạng sai lệch khớp cắn, bố mẹ nên đưa trẻ đến các trung tâm nha khoa uy tín để thăm khám.

Nếu lúc này xác định trẻ bị ngược khớp cắn do răng, bố mẹ nên chỉnh nha bằng phương pháp niềng răng cho trẻ. Độ tuổi vàng để niềng răng là từ 13-18 tuổi do lúc này các cấu trúc răng chưa ổn định. Niềng răng sớm sẽ giúp tiết kiệm được thời gian và tiền bạc.

Con bị khớp cắn ngược nhưng nhiều bố mẹ không hề biết, hãy để ý vì mốc thời gian này chính là giai đoạn vàng để chữa cho bé - Ảnh 2.

Hàm răng bị khớp cắn ngược. Ảnh: Vinmec.

Một số tác hại của khớp cắn ngược

- Gây mất cân đối cho khuôn mặt, mất thẩm mỹ: Khớp cắn ngược gây ra tình trạng mặt gãy do phần cằm nhô chìa phía trước, rất dễ nhận thấy, khuôn mặt có xu hướng dài bất thường. Khớp cắn ngược làm cho khuôn mặt thiếu cân đối, già hơn so với tuổi. 

- Khớp cắn ngược khiến bệnh nhân có thể gặp phải một số vấn đề tâm lý như lo lắng, tự ti, hạn chế trong giao tiếp. 

- Ảnh hưởng đến chức năng ăn nhai: Do tương quan giữa hai hàm răng bị sai lệch nên việc cắn xé thức ăn rất kém. Điều này còn có thể làm phát sinh một số vấn đề về đường tiêu hóa. 

- Ảnh hưởng đến việc phát âm: Cấu trúc hàm bị sai lệch nên một số người phát âm không được chuẩn từ ngữ, hay bị ngọng hoặc nói nuốt âm.  

Chia sẻ