Con bị hen suyễn lại tưởng nhầm cảm lạnh
Khi thời tiết đầu đông nóng lạnh thất thường trẻ rất dễ mắc hen suyễn. Tuy nhiên, việc phát hiện hen suyễn ở trẻ lại cực kỳ khó khăn vì đa số các bà mẹ thường nhầm con bị cảm lạnh thông thường
Phát hiện hen suyễn ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dưới 7 tuổi là cực kì khó khăn, đặc biệt nếu trẻ sống trong môi trường có nhiều trẻ khác hay mắc cảm lạnh và ho (như ở trường, lớp mẫu giáo..) thì càng khó để nhận biết được liệu bé mắc hen suyễn hay chỉ là cảm lạnh thông thường.
Thở “khò khè” và thường xuyên mắc cảm lạnh là triệu chứng thường gặp nhất của bệnh hen. Tuy nhiên “khò khè” cũng có thể là triệu chứng của một số bệnh khác như: viêm phế quản, chứng xơ hóa nang, tim bẩm sinh, viêm phổi bẩm sinh... Ngoài ra có nhiều bé khi sinh ra đã có đường khí quản nhỏ hơn bình thường, cũng gây khó thở, thở khò khè. Có thể là do di truyền, do người mẹ hút thuốc hay mắc các bệnh do virus gây ra khi mang thai, hay do bé bị sinh non… Không phải tất cả các trường hợp thở khò khè, khó thở đều mắc hen suyễn nhưng nếu bé mắc viêm phế quản hoặc ho tái phát nhiều lần, đặc biệt ho dữ dội vào ban đêm hoặc sáng sớm, thì khả năng rất lớn là bé đã mắc hen.
Nếu thấy một trong những triệu chứng sau, nên đưa bé đến bác sỹ để được khám và tư vấn về hen suyễn:
- Ho hoặc khó thở sau khi hoạt động thể chất, đặc biệt là chạy nhảy.
- Dị ứng với thuốc hoặc thức ăn.
- Ho, khó thở xảy ra liên tục hàng năm vào cùng một khoảng thời gian.
- Ho khan dữ dội bắt đầu từ sáng sớm (khoảng 2h sáng).
Ở những trẻ lớn hơn, từ 5-6 tuổi trở lên, khi có các triệu chứng của bệnh, cha mẹ nên đưa bé đi kiểm tra phổi càng sớm càng tốt. Với những trẻ ít tuổi hơn, cha mẹ có thể thử cho bé uống một vài loại thuốc trị hen, nếu thấy bé có phản ứng tốt với thuốc, các triệu chứng giảm thì có thể kết luận rằng bé đã mắc hen.
Điều trị:
Liều lượng và loại thuốc chữa hen dựa vào mức độ nặng nhẹ của bệnh. Tuy nhiên việc phát hiện và điều trị sớm là yếu tố quan trọng nhất.
Thuốc được dùng cho bệnh suyễn có thể chia làm 2 loại: thuốc dùng đường toàn thân (uống, chích thịt, chích gân) và đưa trực tiếp vào phổi.
Trong trường hợp bị nhẹ (lên cơn hen ít hơn 2 tuần/lần) có
thể cho bé uống thuốc dãn phế quản (giúp mở rộng đường khí quản, cắt cơn hen
nhanh chóng). Nếu bệnh nặng hơn (lên cơn hen nhiều hơn 2 lần/tuần) cho bé dùng
các loại thuốc đưa trực tiếp vào phổi như ống hít, van hít (có chứa hormone do
vỏ thượng thận tổng hợp), giúp ngăn chặn cơn hen bằng các giảm các phản ứng
ngược do viêm khí quản.
Đối với trẻ dưới 4 tuổi: do đường khí quản rất nhỏ, rất dễ bị sưng tấy hoặc co thắt nếu bị viêm, kết quả là phản ứng rất kém với thuốc dãn phế quản, cần được bác sĩ theo dõi kĩ.
Khi trẻ dùng ống hít hoặc van hít, cần phải dạy bé cách sử dụng ống hít: thả lỏng người, hít hơi dài và chậm, giữ ống hít trong miệng và thở ra thật chậm bằng mũi, sau đó lại hít vào.
Mạnh Tú