Con bị bệnh lõm ngực, mẹ tưởng suy dinh dưỡng

,
Chia sẻ

Từ lúc sinh, thấy con gày gò, ngực hõm sâu, chị Hiền cứ nghĩ con bị còi xương. Đưa con đi khám vì 8 tuổi mà còn nói ngọng, chị mới biết cháu bị lõm ngực và phải phẫu thuật.

Tại khoa Ngoại của Bệnh viện Nhi trung ương, chị Hiền cho biết, con trai chị - cháu Nguyễn Văn Đông - vừa được mổ thứ 4 tuần trước. Dù đã 8 tuổi nhưng Đông chỉ nặng 11,5 kg. Khi mới sinh cháu nặng 2 kg rồi sau đó dù vẫn ăn uống bình thường nhưng rất chậm lên cân. Vì thế, khi thấy con còm nhom, ngực lõm sâu, cả nhà Đông cứ nghĩ cháu bị suy dinh dưỡng nên chỉ cố gắng tẩm bổ chứ không đưa đi khám.

Lần này, đưa con ra viện Nhi, chị Hiền cũng chỉ định chữa bệnh chẻ đôi lưỡi gà để cháu khỏi nói ngọng vì muốn cho con đi học. "Khi bác sĩ bảo cháu bị lõm ngực và phải chữa trước rồi mới điều trị đến tật lưỡi gà, tôi mới giật mình", chị Hiền cho biết.

Cháu Nguyễn Việt Dũng (12 tuổi) ở Hồng Bàng, Hải Phòng cũng được phát hiện bệnh lõm ngực trong một dịp tình cờ.

Khi Dũng 9 tuổi, tự dưng em bị mọc 2 hạch to hai bên cổ, người lên cơn sốt cao. Bố mẹ đưa Dũng đi khám thì bác sĩ nói không sao và cho thuốc về uống. Thế nhưng, uống thuốc vài hôm không đỡ, em được đưa đến Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng để khám tim phổi và bác sĩ phát hiện Dũng bị bệnh lõm ngực.

Sau một tuần mổ đặt dụng cụ nâng ngực, cháu Dũng đã hồi phục sức khỏe. Ảnh: MT.

"Trước đó, cả nhà vẫn bảo nhau chắc cu cậu này suy dinh dưỡng nên mới thế chứ ai nghĩ đó là bệnh", chị Phương, mẹ em Dũng chia sẻ.

Chị cho biết, hồi đó, Dũng đã được phẫu thuật mổ phanh cắt 2 bên sụn ngực ở Hải Phòng, nhưng sau đó, ngực cháu vẫn lép kẹp, càng ngày lại càng lõm sâu vào trong. Anh chị đã được giới thiệu đưa con lên viện Nhi khám và các bác sĩ đã tiến hành phẫu thuật lại cho Dũng bằng phương pháp mổ nội soi đặt dụng cụ nâng ngực. Hiện sức khỏe Dũng khá tốt và em đã được ra viện chiều qua.

Bác sĩ Tô Mạnh Tuân, khoa Ngoại, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, lõm ngực là một dị tật bẩm sinh gây biến dạng lồng ngực, xương ức không còn ở vị trí bình thường mà một phần (thường là phía dưới mũi ức) bị lõm vào trong. Cách phát hiện bệnh rất đơn giản, chỉ cần nhìn vào là thấy ngay. Tuy nhiên, đa số các bậc phụ huynh thường không biết con bị bệnh mà chỉ nghĩ trẻ gày gò, suy dinh dưỡng.

Theo bác sĩ Tuân, bệnh này thường gây hẹp khoang lồng ngực, giảm dung tích sống, chèn ép tim, phổi, có thể đẩy lệch tim. Tuy nhiên, ở giai đoạn đầu, thường trẻ không có biểu hiện gì, không đau, chỉ hay mệt mỏi nếu hoạt động mạnh.

Trước đây, để chữa bệnh, một số bệnh viện áp dụng cách mổ một đường ngang ngực, cắt bỏ hẳn phần xương bị dị dạng để đưa về tư thế bình thường. Tuy nhiên do không có dụng cụ để thay thế nên không có gì để bảo vệ phần ngực bên trong nên sau đó lồng ngực của bệnh nhân bị teo dần, đồng thời thường để lại sẹo lồi gây mất thẩm mỹ.

Hiện nay, phương pháp phẫu thuật nội soi đặt dụng cụ nâng xương ức, chữa lõm lồng ngực được áp dụng đã khắc phục được các nhược điểm trên. Vì không cắt bỏ xương, không cắt ngang xương ức nên ít gây mất máu và thời gian phục hồi sớm, không để lại sẹo xấu. Trẻ từ 3 tuổi trở lên có thể phẫu thuật. Sau khi mổ một tháng, bệnh nhân sẽ hoạt động bình thường và sau khoảng hai năm, khi lồng ngực ổn định, khung kim loại sẽ được lấy ra.

Đến nay Bệnh viện Nhi trung ương đã áp dụng phương pháp mới này để phẫu thuật cho 7 bệnh nhân và kết quả rất khả quan. Trước đó, ở TP HCM, Bệnh viện Chợ Rẫy và Bệnh viện Đại học Y Dược cũng đã ứng dụng thành công phương pháp này.
 
Theo Vnexpress
Chia sẻ