Có nên treo cuống rốn của bé trước đèn?
Nhiều bà mẹ có những quan niệm rất lạ như lấy cuống rốn treo gần đèn để sau này bé học giỏi, sáng dạ;hay tắm nước dừa cho con trắng, quấn tã chặt để trẻ đỡ giật mình…
Đến thăm một cô bạn vừa sinh em bé, tôi ngạc nhiên khi thấy bóng đèn có treo một sợi chỉ cùng với chiếc cuống rốn bé. Giải thích cho hiện tượng này, mẹ cháu, chị Nguyễn Thị Mơ chia sẻ: "Bà nội cháu cứ "bắt" phải treo cuống rốn cạnh đèn để sau này cháu thông minh, học giỏi. Mình không tin điều đó, nhưng thấy bà nói như vậy, sợ phật lòng bà".
Mơ còn nói thêm, bà nội cháu còn quấn tã khá chặt, để hai tay bé vào trong tã, khiến bé không thể cử động hay rút ra được, nhìn con mà thương. Không những vậy, muốn cho cháu gái có làn da trắng hồng, bà thường nhờ người trong quê gửi quả dừa non để lấy nước tắm cho cháu...
Đem câu chuyện này kể với những bà mẹ,
mới thấy đấy không phải là chuyện hiếm gặp. Đó là quan niệm của nhiều
người, thậm chí cả những nguời phụ nữ trí thức sống ở các thành phố lớn.
Treo cuống rốn dễ khiến vi khuẩn xâm nhập phòng bé
Theo GS.VS Đái Duy Ban, nguyên Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Hoá sinh ứng dụng, Viện Khoa học & Công nghệ Việt Nam, không có một cơ sở nào nói rằng treo cuống rốn của trẻ cạnh đèn hay gương là trẻ thông minh, sáng dạ.
Trẻ cần được vùng vẫy tay chân thoải mái để vận động. |
Đó chỉ là cách "mê tín" của một số người. Sự thông minh của trẻ phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: gen di truyền, giáo dục, môi trường sống, chất dinh dưỡng...
Việc treo cuống rốn như vậy, không
những không có tác dụng gì, mà còn ảnh hưởng tới sự trong lành tại
phòng bé. Cuống rốn để lâu sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập, thậm
chí có mùi và ruồi muỗi. Tốt nhất nếu muốn giữ cuống rốn làm "kỷ niệm"
bạn nên chôn trong vườn hoặc chậu cây cảnh, bồn hoa...
Tắm bằng nước dừa, dễ viêm da trẻ
TS Phạm Thị Xuân Tú, khoa Sơ sinh, Bệnh viện Nhi TƯ cho biết, trong dừa có một lượng đường, chính vì vậy khi dùng trên da dễ bị vi khuẩn tấn công. Đặc biệt trẻ nhỏ có làn da mỏng và non nớt nên dễ bị viêm da. Việc trắng hay đen đã do sắc tố melanin quyết định. Vì vậy, tốt nhất ta chỉ nên tắm cho trẻ bằng nước sạch, ấm và bằng xà phòng dùng cho trẻ, không có nhiều chất xút.
Cũng theo TS Tú, việc quấn chặt tã lót cho trẻ (cho cả tay vào trong tã) là không nên. Trẻ cần được vùng vẫy tay chân thoải mái để trẻ vận động một cách linh hoạt từ nhỏ. Chỉ nên dùng bao tay để trẻ không cào lên mặt.
Đặc biệt, trẻ nhỏ thở nhiều bằng bụng, nếu quấn tã chặt sẽ ảnh hưởng tới khả năng thở của bé. Hơn nữa, các bà mẹ thường cho trẻ mặc ấm hơn người lớn, nên nếu quấn tã chặt, lại bó chân tay, sẽ khiến mồ hôi ra nhiều, ẩm các vùng như nách, lưng, ngực... sẽ dẫn đến ho, viêm phổi.
Còn nếu bé giật mình thì thường do ra
mồ hôi trộm nhiều hoặc bị chứng còi xương từ nhỏ, chứ không phải do
quấn tã chặt hay không. Khi bé khoảng 3 tháng tuổi, để tránh hiện tượng
bé lật người thì ta nên để chăn gần với bé, chứ không nên đè lên bụng,
làm bé khó chịu, tức bụng...
Theo Bee
Các chuyên gia khuyến cáo, trẻ nhỏ cần được phát triển một cách tự nhiên, luôn giữ cho trẻ được thoải mái và tạo những thói quen tốt như nghe nhạc, xem tranh… chứ không nên ép trẻ theo một quan điểm mà chưa có một khoa học nào minh chứng. |