Có nên “bịa” mãi về ông già Noel?

Theo Giadinhnet,
Chia sẻ

Sắp đến ngày Noel, nhiều bậc cha mẹ băn khoăn không biết nên cho trẻ tin có ông già Noel thật hay không.

Việc tin có ông già Noel sẽ giúp trẻ biết ước mơ và nuôi dưỡngcảm xúc.Theo các chuyên gia tâm lý, việc cha mẹ để trẻ tin có ông già Noel rất tốt. Niềm tin đó ở trẻ không chỉ giúp nuôi dưỡng ước mơ mà còn nuôi cảm xúc, lòng nhân ái, đời sống tình cảm sau này.

Không tin là một “thiệt thòi”

Theo TS tâm lý Nguyễn Kim Quý, cố vấn Đường dây tư vấn, hỗ trợ trẻ em 18001567 (Bộ LĐ,TB&XH), ngày Noel xuất phát từ phương Tây, chủ yếu là của những người theo Thiên chúa giáo. Nhưng thời gian gần đây, ngày lễ này đã được xã hội hóa, phổ biến.

Biểu tượng ông già Noel rất đẹp, rất cần cho thế giới tuổi thơ nhưng đa số người dân chưa hiểu hết ý nghĩa đó. Chính vì vậy mới có hiện tượng, đến ngày Noel là trẻ lại “đòi quà”. Nhiều trẻ ở tuổi mẫu giáo, tiểu học không tin có ông già Noel bởi bố mẹ đã để cho trẻ biết chính họ là người tặng quà chứ không phải là ông già Noel nào. Việc trẻ không tin có ông già Noel là một điều vô cùng đáng tiếc và là thiệt thòi của trẻ. Vì sao vậy?

Theo TS Quý, ông già Noel là một huyền thoại. Tuổi mẫu giáo là lứa tuổi mà sự huyễn tưởng phát triển lớn nhất. Ở lứa tuổi đó trẻ thích đọc truyện về con vật, con vật nói chuyện như con người và trẻ rất hào hứng sống trong thế giới đó. Sở dĩ như vậy là bởi trẻ chưa phân biệt được thực hư, chưa phân biệt được giữa hiện tại và mơ ước.

Việc để trẻ tin có ông già Noel sẽ làm cho trí tưởng tượng của trẻ bay bổng. Trí tưởng tượng ở trẻ phong phú sẽ có lợi cho việc cảm thụ văn học, nuôi cảm xúc tốt, là thành tố tạo nên lòng nhân ái, tình cảm của con người. Đó chính là nền tảng hết sức quan trọng trong quá trình hình thành nhân cách của trẻ - thứ mà xã hội ta đang rất cần hiện nay.

Có nên “bịa” mãi về ông già Noel? 1
Việc tin có ông già Noel sẽ giúp trẻ biết ước mơ và nuôi dưỡngcảm xúc.

Nuôi dưỡng ước mơ

Chuyên gia Đào Thị Huệ, Trung tâm tư vấn Thanh Tâm cho rằng, hình ảnh ông già Noel tóc bạc phơ, hiền từ đức độ, yêu thương trẻ con, không quản đường sá xa xôi cưỡi tuần lộc đi khắp thế giới để tặng quà cho mọi người, không phân biệt giàu nghèo là biểu trưng của lòng nhân ái, là một nhân vật huyền thoại như ông Tiên, ông Bụt trong thế giới cổ tích. Ông già Noel giúp trẻ biến ước mơ thành hiện thực. Do vậy việc tin ông già Noel là có thật có tác dụng nuôi ước mơ ở trẻ.

Bởi vậy, tạo nên niềm tin có ông già Noel ở trẻ không phải là nói dối mà là tạo nên một thế giới cổ tích nơi tâm hồn trẻ. Ở thế giới cổ tích đó, các em nhỏ tin rằng ai ngoan ngoãn thì sẽ được ông già Noel tặng quà. Dựa vào thế giới huyền thoại ông già Noel, các bậc cha mẹ có thể thông qua đó để giáo dục con, khuyến khích con làm việc tốt. Không những vậy, khi trẻ viết thư cho ông già Noel, nếu có niềm tin, trẻ sẽ “nói thật” ước mơ, mong muốn của mình. Qua đó cũng là một cách để giúp trẻ học văn tốt hơn.

Tuy nhiên, thế giới cổ tích chỉ sống với trẻ ở một lứa tuổi nhất định. Đến tuổi dậy thì, ngay kể cả khi phụ huynh không lý giải thì trẻ cũng tự khắc biết ông già Noel chỉ là một huyền thoại.

Chỉ giải thích khi trẻ nghi ngờ

Vậy nên giải thích cho trẻ biết “sự thật” về ông già Noel vào lứa tuổi nào?

Theo TS Quý, thường khi bước vào tuổi tiểu học, một số trẻ bắt đầu nghi ngờ về ông già Noel. Tuy nhiên ở lứa tuổi này, trẻ vẫn thích có ông già Noel và vẫn ước mơ được ông già Noel tặng quà. Chỉ khi bước vào tuổi trung học cơ sở, khi đó trẻ đã có nhiều kinh nghiệm và có nhiều trải nghiệm thì trẻ sẽ tự khắc “nhận diện” đâu là ước mơ, đâu là thực tế.“Lúc trẻ băn khoăn và hỏi bạn rằng “liệu có ông già Noel thật hay không” thì đó mới là lúc bạn nên giải thích cho con hiểu, ông già Noel là biểu trưng cho lòng tốt của con người. Hãy giải thích cho con hiểu đó như huyền thoại. Việc giải thích đó vừa để cho trẻ hiểu rõ hơn về ông già Noel, vừa tạo cơ hội cho trẻ được tiếp tục ước mơ bay bổng nhẹ nhàng cho đến khi trẻ không còn tin nữa”, TS Quý nói.


Chia sẻ