Clip: Chuyên gia kỹ thuật chỉ cách báo động và thoát khỏi ô tô trong vài giây để cứu tính mạng con
Việc chỉ dạy cho con cách nhận biết còi báo, lẫy mở khoá cửa từ bên trong và đèn cảnh báo nguy hiểm trên ô tô không bao giờ là thừa cho dù con có thường xuyên đi ô tô hay không.
Vụ tai nạn thương tâm về bé trai lớp 1 trường Quốc tế Gateway (Cầu Giấy, Hà Nội) tử vong vì nghi bị bỏ quên trên xe đưa đón của trường ngày 6/8 khiến ai cũng bàng hoàng, xót xa. Không chỉ có sự cố giáo viên quên học sinh trên xe đưa đón, thực tế ở Việt Nam và rất nhiều nước trên thế giới, không ít cha mẹ đã đãng trí bỏ quên con trên xe. Vì vậy việc chỉ dạy cho con cách nhận biết còi báo, lẫy mở khoá cửa từ bên trong và đèn cảnh báo nguy hiểm trên ô tô là điều rất quan trọng.
Anh Lê Anh Tuấn - chuyên gia kỹ thuật của Honda hướng dẫn cho con báo động hoặc thoát hiểm khi bị nhốt trong xe ô tô.
Theo thống kê, trung bình mỗi năm có 37 trẻ em tử vong do sốc nhiệt trên ô tô, hơn 53% trường hợp do cha mẹ bỏ quên. Sốc nhiệt trong ô tô chỉ trong thời gian 10 phút đã đủ mất mạng. Vì vậy, cần trang bị cho con những kỹ năng thoát hiểm để nếu không may trẻ bị bỏ quên trên ô tô riêng hay trên xe buýt sẽ tự biết cách phát ra báo động hoặc tự mình thoát ra.
Tùy vào loại xe từ 4 - 45 chỗ và các hãng khác nhau sẽ được các thiết kế kiểu dáng, vị trí khác nhau nhưng vẫn giữ nguyên cấu tạo cơ bản.
Theo anh Lê Anh Tuấn, chuyên gia kỹ thuật của Honda, tùy vào loại xe từ 4 - 45 chỗ và các hãng khác nhau sẽ được thiết kế kiểu dáng, vị trí khác nhau nhưng vẫn giữ nguyên cấu tạo cơ bản. Cha mẹ hướng dẫn cho con cách báo động hoặc thoát khỏi xe như sau:
1. Bấm còi xe: Bố mẹ hãy hướng dẫn con bấm còi xe để thu hút sự chú ý từ người xung quanh.
Xe tắt máy nhưng vẫn bấm được còi. Đây là cách để thu hút người xung quanh.
Với còi xe, dù xe đã tắt máy và không có chìa khóa, còi xe vẫn hoạt động được nhờ nguồn điện trực tiếp từ Accu. Nếu con bị kẹt trong xe, hãy lên vô lăng, ấn tay vào vùng chính giữa vô lăng để còi phát ra tiếng kêu thu hút sự chú ý của người bên ngoài.
Vùng chính giữa vô lăng là vị trí còi xe con cần bấm để báo hiệu cho mọi người đến cứu.
2. Bấm đèn Hazard (đèn cảnh báo nguy hiểm): Tương tự còi xe, đèn luôn sẵn sàng hoạt động cả ngày nhờ nguồn điện Accu. Biểu tượng hình tam giác trên tablo buồng lái chính là chỗ con phải bấm vào để mở tín hiệu đèn khẩn cấp. Mở đèn kết hợp với bấm còi để người bên ngoài biết con đang bị kẹt trong xe để ứng cứu kịp thời.
Biểu tượng hình tam giác trên tablo buồng lái chính là chỗ con phải bấm vào để mở tín hiệu đèn khẩn cấp.
3. Tự mở cửa xe từ bên trong: Các xe ô tô đều thiết kế luôn có lẫy mở khoá cửa từ bên trong tại mỗi cửa lên xuống. Nếu cửa ở hàng ghế sau không mở được thì hướng dẫn cho con mở ở chỗ ghế lái.
Ngoài ra, một số xe có chức năng khóa trẻ em ở những cánh cửa hàng ghế sau. Hãy chỉ cho con cách mở lẫy khóa. Trong trường hợp không mở được thì con cần di chuyển nhanh lên phía ghế ngồi lái để mở.
Đây là vị trí nút khóa đóng/ mở cửa ngay cạnh chỗ ngồi của tài xế.
Nhìn bảng điều khiển trên cánh cửa ngay cạnh chỗ ngồi của tài xế, con sẽ thấy có 2 nút bấm hình ổ khóa:
- 1 nút ổ khóa đang mở biểu thị cho việc chốt an toàn đã mở, lúc này tất cả các cửa trên xe ô tô đều có thể mở bằng cách kéo tay cầm và đẩy cửa xe ra hướng ngoài.
- 1 ổ khóa biểu thị cho việc khi xe đã bị khóa, nếu muốn mở cửa xe thì phải ấn nút có hình ổ khóa đang mở thì mới có thể mở cửa xe được.
4. Búa: Nên trang bị trong xe chiếc búa để đề phòng trường hợp khẩn cấp cần sử dụng. Bố mẹ đừng lo con sức yếu không thể đập vỡ kính vì búa thoát hiểm thiết kế để có đầu nhọn tập trung gia lực, do đó với một lực nhỏ của con cũng có thể đập vỡ kính, không cần quá nhiều sức.
Phá cửa kính xe ôt ô bằng dụng cụ búa phá kính.
Trong trường hợp không có búa phá kính trên xe, hãy dạy con có thể tìm những vật dụng khác, ví dụ như giày cao gót để phá kính bằng cách đập gót giày vào trung tâm mặt kính.
Một lưu ý tối quan trọng nữa đó là hướng dẫn con phá cửa kính 2 bên thân xe chứ không nên tìm cách phá kính chắn gió trước vì loại kính này khó phá hơn kính thân xe.