Chuẩn bị tâm lý cho trẻ ngày đầu tiên đến trường

San San,
Chia sẻ

Nhìn đứa trẻ háo hức đến trường nhưng trong lòng người mẹ thì bộn bề những lo lắng. Và rồi nỗi lo này càng lớn hơn khi dường như chỉ sau vài ngày đi lớp trẻ đã có biểu hiện buồn hơn, ít líu lo, hay khóc, nằm một mình...

Chắc hẳn bà mẹ nào cũng có chung tâm lý lo lắng vào ngày đầu tiên đưa con đến trường. Liệu những biểu hiện như trên của bé có bình thường? Có gây ảnh hưởng đến tâm lý của bé sau này? Liệu có nên ngưng cho các bé đến lớp, đợi 1 thời gian nữa cho bé lớn hơn? Làm sao giúp trẻ chuẩn bị tốt tâm lý cho ngày tựu trường?

TẠI SAO TRẺ CÓ NHỮNG BIỂU HIỆN TÂM LÝ NHƯ VẬY?

Chia sẻ về vấn đề này, Chuyên gia - bác sĩ Anh Nguyễn, Ủy Viên Cấp Cao của Hiệp Hội Dinh Dưỡng và Y Học Lối Sống Vương Quốc Anh (BANT) cho rằng:

Trẻ con nghĩ nhiều hơn chúng ta nghĩ. Cứ ngỡ rằng trẻ còn nhỏ, biết gì đâu, nhưng thực ra điều trẻ quan tâm nhiều hơn những gì người lớn chúng ta tưởng. Trẻ quan tâm đến sự hiện diện của cha mẹ mỗi ngày. Đi học ban đầu thông qua lời nói của mọi người cho trẻ cảm giác tò mò và háo hức, nhưng trẻ cũng nhanh chóng nhận ra "ở đó không có sự hiện diện của cha mẹ". Khi đó, trẻ cảm thấy lo lắng và sợ hãi. Cứ nghĩ mỗi sáng cảm giác ấy lại quay lại, thì việc 1 đứa trẻ cảm thấy buồn chán và không muốn đến trường là điều dễ hiểu. Đó được gọi là nỗi lo chia cắt. Nó có thể xảy ra ở mọi độ tuổi và thậm chí ở các bé đã từng quen với việc đi học trước đó (Ví dụ, nhớ hay đòi học lớp cũ, hay cô giáo cũ).

Thực ra, nỗi lo chia cắt là một trang thái chuyển tiếp tâm lý bình thường và là một dạng áp lực tích cực. Nó tồn tại trong giai đoạn học hỏi để trẻ phát triển tối ưu về các kỹ năng của bản thân trong sự vắng mặt của cha mẹ (được gọi là vùng an toàn). Đó là 1 dạng trải nghiệm mà mọi đứa trẻ phải trải qua để hiểu ra bản thân. Vượt qua hoặc học hỏi điều này tốt có thể làm đứa trẻ thích nghi với những tình huống tâm lý phức tạp hơn khi trẻ lớn hơn.

Chuẩn bị tâm lý cho trẻ ngày đầu tiên đến trường - Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

LÀM SAO GIÚP TRẺ CHUẨN BỊ TỐT TÂM LÝ CHO NGÀY ĐẦU ĐẾN TRƯỜNG?

1. Nỗi lo chia cắt là 1 dạng chuyển biến tâm lý tích cực và mang lợi ích

Tuy nhiên, nỗi sợ chia cắt có thể ảnh hưởng đến sự phát triển tâm lý của trẻ nếu nó kéo dài. Do đó, đừng sử dụng các câu nói đùa như "tuần sau cu Bin phải đi bộ đội rồi!"... Thực ra, trẻ con không hẳn hiểu "đi bộ đội" là gì, nhưng những cách nói như vậy chỉ tạo thêm định nghĩa khó hiểu cho trẻ. Tưởng chừng chỉ là lời nói đùa cho vui của người lớn, nhưng điều này dễ làm trẻ cảm thấy sợ. Trẻ con dưới 6 tuổi ít chia sẻ nỗi sợ cho người lớn vì thực ra bản thân trẻ chưa hiểu và định nghĩa được nỗi sợ của bản thân. Việc níu giữ nỗi sợ lâu dài có thể làm trẻ trở thành sợ thật sự, khi đó trẻ khó thích nghi vào môi trường mới ở trường lớp và học hành vui chơi sẽ bị hạn chế.

2. Khi dẫn trẻ đến lớp, thủ tục quan trọng nhất là cho trẻ biết bạn yêu thương trẻ 

Điều này thể hiện bằng việc hứa sẽ đến đón trẻ đúng giờ và ôm hôn tạm biệt trẻ, sau đó rời đi thật nhanh, đừng quay lại nhìn, cũng đừng quay lại ôm hôn lần nữa. Tại sao nên có thủ tục này? Là cha mẹ chắc chắn không ai nỡ nhìn con khóc mà bước đi, nhưng thực sự chính sự chần chừ ở lại 1 chút là cách mà bạn làm trẻ "tìm cớ" để không phát triển kỹ năng của bản thân. Ngược lại, khi cái cớ đó không còn, thì đứa trẻ nhỏ bé đó đủ thông minh và biết suy nghĩ hơn bạn nghĩ. Trẻ sẽ biết cách nào để đọc suy nghĩ của người khác (Ví dụ, ở đây là cô giáo và các bạn khác) để hiểu và hòa mình vào.

Chuẩn bị tâm lý cho trẻ ngày đầu tiên đến trường - Ảnh 2.

Ảnh minh họa.

3. Đừng xoáy sâu vào nỗi lo lắng của bé

Ví dụ, khi bé đi học về, nếu bé buồn và ít nói, bạn có thể bắt chuyện với bé bằng cách hỏi thăm về món đồ chơi bé chơi lúc ở lớp, đừng hỏi về cô giáo hay bạn bè của bé vì giai đoạn đầu đi học nguồn lo lắng chính của bé là "chưa quen cô giáo hay bạn bè", mà bé chỉ quen được với đồ chơi thôi. Dĩ nhiên, bạn nên hỏi cô giáo của bé trước để biết bé thường chơi món đồ gì trên lớp.

Vậy, khi trẻ đã quen với cô giáo cũ, lớp cũ. Khi sang lớp mới, trẻ mong muốn khóc đòi học cô cũ. Lúc này, điều gì chúng ta nên đáp ứng với trẻ? Thực ra, đây cũng là 1 dạng nỗi lo chia cắt. Chỉ có điều là nó được mở rộng hơn. Đó cũng là điều tuyệt vời mà dạng áp lực tích cực này mang lại. Tưởng tượng như xây hàng rào, mỗi lớp gạch mới được xây lên thì hàng rào lại cao thêm vài phân. Và trẻ con cũng vậy, khi trải nghiệm ở 1 không gian và thời gian đủ lâu thì 1 lớp gạch được nâng lên, và trẻ sẽ bắt đầu nhận ra có sự hiện diện của "lớp gạch đó". Khi muốn phóng tầm mắt để nhìn ra thì lại thấy vướng vướng, thì lúc này trẻ cần được dạy để nhón lên để nhìn ra. Trong phát triển trẻ cũng vậy, lúc này cha mẹ nên giúp trẻ nhận ra áp lực mới để tầm nhìn cao hơn để nhìn rõ hơn.

Để làm vậy, khi trẻ nói hay than khóc với bạn là nhớ cô giáo cũ cha mẹ chỉ cần lắng nghe và cho trẻ hiểu rằng "mẹ hiểu con nhớ cô Trang, và các bạn nhiều" và lúc này cho trẻ cái ôm thật chặt "lại đây ôm mẹ nào Bin! Mẹ cũng nhớ cô Trang và bạn (chỉ nêu tên 1-2 bạn thân của bé không còn học chung nữa -nếu có), mẹ nghĩ bạn (nêu tên 1-2 bạn thân của bé mà còn học chung) cũng sẽ nhớ cô Trang như con". Trong lúc này, đừng kể về cô giáo mới hay về lớp mới, chỉ để trẻ hiểu bạn cũng hiểu cảm giác của trẻ là đủ. Để trẻ nhận ra sự hiện diện của cô giáo mới và bạn mới cần thời gian như xây lớp gạch mới vậy. Điều này có thể làm bằng cách chụp hình cả lớp mới đính vào góc học tập của con, khuyến khích con mang bánh lên lớp cùng ăn với các bạn, xây dựng album hình về lớp mới của trẻ và trò chuyện với trẻ về 1 số bạn khi trẻ vui đùa...

Chuẩn bị tâm lý cho trẻ ngày đầu tiên đến trường - Ảnh 3.

Ảnh minh họa.

4. Giúp trẻ sớm nhận ra "có sự hiện diện, thì ắt sẽ có sự biến mất"

Trong cuộc sống luôn tồn tại quy luật này. Nghe có vẻ trừu tượng, nhưng cách dạy thì khá cụ thể cho từng độ tuổi:

- Trẻ dưới 13 tháng tuổi: bạn có thể thường xuyên chơi trò "trốn tìm" với bé để bé quen sự vắng mặt và quay lại của bạn. Trò chơi đơn giản từ việc: dùng 1 tấm khăn bịt mắt, sau đó mở khăn không thấy bạn đâu. Bạn đếm đến 10 rồi xuất hiện trở lại. Bé tham gia trò này sẽ rất vui và dần quen việc vắng mặt và có quay lại của bạn. Cũng có thể dùng trò chơi bản màu di động: cho 2-3 màu vào 1 túi ni lông có khóa, khi trẻ chạm vào thì màu sẽ biến mất chỗ chạm vì đã khuếch tán sang chỗ khác.

- Trẻ từ 13 tháng tuổi – hết 5 tuổi: bạn vẫn có thể cho bé chơi trò này, nhưng bằng cách khác: Dẫn bé ra công viên, chơi trốn tìm đằng sau những vật dụng, để bé đi tìm. Nhớ là phải tạo điều kiện cho bé tìm thấy, không nên trốn mà bé khó tìm thấy thì sẽ không thành công.

- Trẻ từ 6 tuổi: trẻ có thể hiểu về sự biến mất ở các mức độ như biến mất tạm thời trong các trò chơi trốn tìm. Biến mất vĩnh viễn trong định nghĩa cái chết của 1 ai đó hay 1 con vật nuôi nào đó. Khi ấy, bạn nên nói cho trẻ hiểu một cách rõ ràng.

Chia sẻ