Cho trẻ phát triển tự do: người lớn bất lực?
“Trẻ không bị đứa khác bắt nạt, ít tái phạm, phát triển trước tuổi thì hãy để cho trẻ phát triển tự do” – đó là quan niệm giáo dục con của một số phụ huynh hiện nay.
Cu Tí (ba tuổi) cạnh nhà tôi cũng được cha mẹ dạy theo kiểu đó. Theo mẹ của cu Tí, nếu có sổ mũi, nhức đầu, cảm cúm thì dần dần sẽ tự khỏi, không nên dùng thuốc tây, thuốc nam gì cả, đó là cách tập đề kháng tốt nhất đối với trẻ con. Chị thường lấy ví dụ là những đứa trẻ nông thôn ít bệnh vặt hơn trẻ thành thị. Hôm nọ, chị cho cu Tí tắm mưa sau khi đi học về. Tối đó Tí bị sốt nhưng chị vẫn để cháu ở nhà, vì tin bệnh của cháu tự khỏi. Nào ngờ hai ngày sau bệnh nặng thêm, đến khi cu Tí sốt cao và co giật thì chị mới chịu chuyển cháu lên bệnh viện, may mà vẫn còn kịp.
“Theo tự nhiên mà không tự do, tuỳ tiện” – đó là ý kiến của nhiều nhà nghiên cứu về tâm lý, giáo dục hiện nay. “Tự nhiên” có nghĩa là người lớn nên bám sát vào sự phát triển của lứa tuổi, tâm sinh lý mà đưa ra các biện pháp giáo dục phù hợp, tất nhiên không phải đứa trẻ nào cũng giống nhau, mà tuỳ từng trường hợp để tác động sao cho hiệu quả. Còn kiểu giáo dục “tự do” không thể mang lại điều tốt đẹp cho trẻ, thường chỉ là biện hộ cho sự bất lực của người lớn. Một đứa trẻ lớn lên mà thiếu cảm xúc, lì lợm, bất chấp tất cả thì kẻ đó nhất định sẽ bị xã hội đào thải.
DẠY CON PHẢI KẾT HỢP NHIỀU CHIỀU
Diễn viên Trương Ngọc Ánh Tôi không tán thành việc bỏ con vào môi trường tự do, để con phát triển sao cũng được, hay như trời mưa gió, bụi bặm lại để trẻ tha hồ tắm mưa, hưởng bụi gọi là tạo sức đề kháng. Đứa trẻ khi còn dăm, ba tuổi thì không thể nào nhận biết phải, trái. Cha mẹ chính là người uốn nắn, hướng cho con đi đúng đường. Tôi dạy con mình phát triển theo kiểu kết hợp những gì tốt nhất cho con. Con gái tôi được gửi học ở một trường mầm non quốc tế, được học song ngữ, nhưng về đến nhà, tôi dạy con mình theo nề nếp của một gia đình phương Đông. Ở trường, con có thể nói tiếng Anh với các bạn, nhưng về nhà, con phải gọi bố, mẹ, ông, bà, chứ không phải những từ you, me. Con gái tôi còn quá nhỏ, chưa nói được điều gì về sau. Nhưng dù thế nào, tôi cũng hướng con đi theo một nề nếp phương Đông thuần khiết, dựa trên những sáng tạo, suy nghĩ tự do của con khi con trưởng thành. DẠY CON NÊN VỪA RẮN, VỪA MỀM
Đậu Thị Kim Thoa, chuyên viên truyền thông, 28 tuổi, TP.HCM Chưa lập gia đình, nhưng nếu sau này có con, tôi cũng sẽ dạy con theo cách giáo dục của ba mẹ mình, có nghĩa vừa rắn, vừa mềm. Tôi nhớ lúc mình năm, sáu tuổi, trước sân nhà có một đống cát. Trẻ con hàng xóm sang nghịch, ngay lập tức bị ba mẹ chúng sang bắt về, vì sợ con bị bẩn, sợ cát bay vào mắt, mũi gây bệnh tật. Mẹ tôi thì khác, bà khuyến khích chị em tôi ra chơi cát. Rất nhiều thứ chúng tôi đã sáng tạo trên đống cát nhỏ bé kia, cho dù sau đó mặt mũi, quần áo đứa nào cũng ướt nhẹp nước, cát. Nhưng cơ bản, chúng tôi đã có một ngày vui tuyệt vời. Tôi nghĩ rằng, dạy con cũng là một nghệ thuật. Và nghệ thuật đó dựa trên tình yêu thương, sự quan tâm, từ đó hướng cho trẻ những hành động đúng, sai, chỉ bảo cho con cách hoà nhập cuộc sống, chứ không phải để mặc trẻ muốn làm gì thì làm. Nhất là trong bối cảnh hiện tại, cái xấu rất dễ dàng tìm đến, người lớn lại càng nên gần gũi con cái hơn. TỰ DO KHÔNG CÓ NGHĨA THẢ TRẺ RA ĐỜI
Hoàng Minh Việt, 50 tuổi, TP.HCM Cho trẻ phát triển tự do không có nghĩa là thả đứa trẻ ra đời sống sao thì sống. Cần nhớ rằng, đầu óc của đứa trẻ nguyên sơ như một tờ giấy trắng tinh, nếu bố mẹ không kịp thời vẽ lên đó những nền tảng đạo đức, nhân cách, thái độ đúng đắn, tình yêu thương, cứ để trẻ phất phơ ngoài gió, thế nào thói xấu cũng nhanh chóng tiêm nhiễm trẻ. Mà thông thường, cái gì xấu lại thường dễ quyến rũ con người ta đi theo. Chúng ta còn chưa kể đến những đứa trẻ được cho phát triển tự do nhưng lại rơi vào trong cô đơn, lạc lõng, và luôn nghĩ bố mẹ bỏ rơi mình. Theo tôi, con cái được tự do ở chỗ: được hoà nhập, khám phá thiên nhiên, xã hội xung quanh, được học những gì chúng thích, được theo đuổi những sở thích, đam mê riêng, và được quyền lên tiếng trong ngôi nhà của mình. |