Chớ nên coi thường khi trẻ quá hiếu động
Hội chứng tăng động giảm chú ý ở trẻ dường như là căn bệnh ít người biết đến hoặc không để ý vì đa số phụ huynh thường cho rằng con mình chỉ hiếu động.
Tuy nhiên, theo thống kê thì cứ 100 trẻ thì có khoảng 3-5 trẻ bị chứng bệnh này và đa số là trẻ dưới 7 tuổi. Căn bệnh này nếu không được phát hiện và chữa trị kịp thời trẻ có thể bị những rối loạn hành vi, tình cảm và nhân cách sau này.
Hối chứng tăng động giảm chú ý ở trẻ cũng dễ nhận thấy, nhưng nếu không để ý kỹ thì có rất nhiều người thường ỷ y cho rằng đây chỉ là sự tinh nghịch bản năng của trẻ nên khi bệnh nặng mới đi khám. Cũng có người lại nhầm lẫn rằng con mình bị rối loạn tăng động mà không biết con mình hiếu động hoặc chỉ đang ở trong giai đoạn khủng hoảng tâm lý của trẻ lên 3.
Bác sĩ Thái Thị Thanh Thủy - Bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết: Rối loạn tăng động giảm chú ý còn gọi là hội chứng tăng động. Là một tình trạng bệnh lý thần kinh biểu hiện ở trẻ có mức độ chú ý và hoạt động, xung động không phù hợp với lứa tuổi cũng như mức độ phát triển của trẻ. Trẻ có biểu hiện vận động tăng bất thường đi kèm với phản ứng hung hăng và khả năng chú ý giảm gây trở ngại cho việc học tập. Trẻ không có khả năng tự chủ do đó không thể tự lập kế hoạch, tổ chức cũng như hoàn thành những hoạt động phức tạp.
Trẻ có biểu hiện vận động tăng bất thường
Nhiều phụ huynh khi thấy con mình có những dấu hiệu như ngỗ nghịch, hiếu động quá mức cũng cảm thấy lo lắng nhưng lại không chắc chắn có phải là bệnh. Đôi khi tự đọc tài liệu để tự chẩn đoán bệnh con mình. Tuy nhiên, bác sĩ Thủy khuyến cáo rằng: "Muốn chẩn đoán xác định bệnh, cần phải đưa bé đi khám bệnh, qua thăm khám, các bác sĩ dựa vào tiêu chuẩn chẩn đoán quốc tế và thông qua một số các xét nghiệm, trắc nghiệm cũng như khám chuyên khoa mới cho kết quả chính xác".
- Thuốc: nhằm điều chỉnh hành vi, cải thiện một phần khả năng chú ý tập trung.
- Phục hồi hành vi tâm thần vận động.
- Thay đổi môi trường (tác động xã hội qua lại, giấc ngủ, kiểm soát stress, chế độ ăn uống...).
- Điều trị bổ trợ nếu có biến chứng, bệnh đi kèm.
Tuy nhiên, việc chăm sóc trẻ ở gia đình là một yếu tố quan trọng giúp ích rất lớn trong việc chữa trị.
Những việc mà các phụ huynh cần chú ý khi chăm sóc trẻ bị Hội chứng tăng động giảm chú ý đó là:
- Hạn chế hành vi phá hoại của trẻ đến mức có thể, giúp trẻ hiểu được giá trị của bản thân để chúng có thể vượt qua những điều tiêu cực trong cuộc sống.
- Để giúp trẻ đạt được sự kỷ luật tự giác, những người chăm sóc trẻ đòi hỏi phải thấu cảm, kiên nhẫn, yêu thương, nghị lực và dẻo dai. Trước hết phải hiểu rằng để thay đổi những hành vi mạnh mẽ, ngoan cố, bướng bĩnh ở trẻ bị chứng bệnh này là rất khó khăn, bởi vì ta không thể thuyết phục trẻ tự thay đổi hành vi của chúng. Do đó, một số phụ huynh có thể vượt qua, trong khi một số khác thì không.
- Phụ huynh nên lập ra một danh sách những hành vi ưu tiên mà trẻ cần nên tránh không làm, như: đánh nhau với những đứa trẻ khác hay không chịu thức dậy vào buổi sáng. Một vài hành vi nếu không cảm thấy gây tổn thương phiền hà cho người khác, hoặc thấy nếu chấp nhận được, thì hãy cứ để cho trẻ thực hiện, chẳng hạn như trẻ không chịu mặc gì ngoài áo sơ mi đỏ thì cứ để chúng được toại nguyện.
- Bố mẹ nên khen thưởng con khi chúng có những hành vi tốt, và thường xuyên can ngăn những hành vi không đúng. Những lời khen có một tác động rất tích cực đối với trẻ, góp phần tạo hiệu quả cho quá trình điều trị.
Từ đó người ta đã nêu ra một số biện pháp giúp cho trẻ bị chứng tăng động có thể hoàn thành tốt công việc:
- Chia nhỏ công việc thành những việc đơn giản hơn. Đặt ra thời gian giới hạn và phần thưởng khi hoàn tất mỗi công việc.
- Mỗi ngày ghi ra những công việc cần phải làm và kế hoạch thực hiện để hoàn tất chúng.
- Làm việc ở những nơi yên tĩnh, tránh xa các nguồn kích thích (Vd: âm thanh, tiếng ồn, xe cộ hay người qua lại...). Trong một thời điểm chỉ làm một công việc mà thôi, giữa các công việc nên có những khoảng nghỉ ngắn.
- Viết lại những điều cần nhớ trong quyển sổ tay, viết thông tin khác nhau ở những phần khác nhau như: công việc, cuộc hẹn, số điện thoại. Nên giữ quyển sổ tay này bên mình tất cả mọi lúc.
- Dán những mẫu giấy nhỏ ghi công việc phải làm ở bất cứ chỗ nào trẻ có thể nhìn thấy được, chúng sẽ nhắc nhở trẻ.
- Cất giữ những thứ giống nhau cùng một nơi.
- Tạo ra thói quen trong công việc hằng ngày như: lúc nào thì chuẩn bị đi học hoặc làm việc.
- Tập thể dục, ăn uống điều độ theo chế độ và ngủ đủ giấc.