Cho đôi mắt trẻ thêm đẹp và sáng

ThS.Đỗ Quang Ngọc,
Chia sẻ

Việc đeo kính có thể đóng vai trò bảo đảm sự phát triển bình thường của cơ quan thị giác của trẻ. Cặp kính phù hợp giúp thị lực trẻ tốt hơn tạo tự tin khi trẻ phải mang

Các loại tật khúc xạ ảnh hưởng đến thị lực của trẻ

 Cận thị:Mắt cận thị có trục nhãn cầu dài hơn bình thường hoặc công suất khúc xạ quá lớn, khi đó hình ảnh của vật rơi vào phía trước của võng mạc. Trẻ bị cận thị nhìn xa mờ nhưng nhìn gần vẫn rõ nhờ vào chức năng điều tiết của mắt trừ trường hợp cận thị nặng. Điều chỉnh tật cận thị bằng kính phân kỳ thường được kí hiệu là dấu trừ ở trước số kính đeo.

 Viễn thị: Mắt viễn có trục nhãn cầu ngắn hơn bình thường, hình ảnh của vật rơi vào phía sau của võng mạc. Phần lớn mắt trẻ nhỏ trong những năm đầu là viễn thị và không cần đeo kính do khả năng điều tiết của mắt... Điều chỉnh viễn thị bằng đeo kính hội tụ (thường được kí hiệu bằng dấu cộng ở trước số kính đeo).

 Loạn thị: Mắt loạn thị có các kinh tuyến khúc xạ không đều nhau. Vật nhìn không in hình rõ nét trên võng mạc và nhìn mờ cả xa và gần. Điều chỉnh loạn thị bằng cách đeo kính trụ.

 Lệch khúc xạ: Là hiện tượng có sự khác nhau về khúc xạ giữa hai mắt. Đôi khi là một mắt chính thị còn mắt kia là cận thị đơn thuần, viễn thị đơn thuần hay cận loạn hoặc là viễn loạn. Điều đó có thể gây ra nhược thị do thị lực ở mắt có tật khúc xạ lớn hơn phát triển không bình thường. Trong điều trị, ngoài việc đeo kính thì đôi khi bịt mắt là cần thiết để bảo đảm cho cả hai mắt cùng nhìn rõ.

 Đeo kính để giúp thị lực của trẻ tốt hơn và mang lại cho trẻ sự tự tin

Đeo kính không làm mắt trẻ kém hơn hoặc phụ thuộc vào kính. Trẻ có chỉ định phải đeo kính mà không đeo thì cơ quan thị giác không có sự phát triển bình thường.

Nhiều trẻ bị các tật khúc xạ nhưng không được phát hiện sớm đã làm cho các em khó khăn trong cuộc sống và học tập. Do vậy đeo kính ở trẻ mang lại những mục đích sau:

 - Mang lại thị lực tốt hơn cho trẻ từ đó giúp cho trẻ có cuộc sống và sinh hoạt tốt hơn với môi trường xung quanh.

 - Giúp cho mắt thẳng trục nhãn cầu trong trường hợp bị lác mắt.

 -Tăng cường thị lực của mắt kém. Đó là khi có sự khác biệt về khúc xạ giữa hai mắt: một mắt bình thường và mắt kia bị viễn thị, cận thị hoặc loạn thị và cần thiết phải đeo kính.

 - Đeo kính để bảo vệ mắt còn lại trong trường hợp mắt kia đã bị kém, không còn khả năng điều trị.

 Làm thế nào để thử kính ở trẻ đặc biệt là với trẻ nhỏ?

 Khi trẻ có dấu hiệu của các tật khúc xạ cần đưa trẻ đi khám tại các chuyên khoa mắt. Sau khi đã tra giãn đồng tử bằng thuốc liệt điều tiết, việc đo khúc xạ bằng soi bóng đồng tử (skiascopy) bác sĩ sẽ xác định chính xác tình trạng khúc xạ của mắt và đưa ra lời khuyên cần đeo kính hay không và số kính cần thiết phải đeo.

 Khi nào thì trẻ bắt đầu phải đeo kính và đeo như thế nào?

 Với trẻ có tật khúc xạ, đeo kính sẽ giúp trẻ nhìn rõ hơn. Một kính lắp đúng với gọng vừa vặn và đẹp về thẩm mỹ thoải mái và bảo đảm đúng tâm kính với tâm đồng tử  là rất quan trọng. Mắt kính làm bằng chất liệu polycarbonat sẽ bảo vệ mắt trẻ được tốt hơn nhất là với trường hợp chỉ còn một mắt.

Trẻ sử dụng kính hai tròng trong trường hợp nào?

 Hiếm khi trẻ em cần phải đeo kính hai tròng. Đôi khi trẻ bị lác trong cũng cần phải đeo kính hai tròng để giúp cho cải thiện độ lác khi nhìn gần. Ngoài ra trẻ đã mổ thể thủy tinh cũng cần kính hai tròng để nhìn gần và đọc sách.

 Để giảm các tật khúc xạ, trẻ cần được quan tâm toàn diện từ thời gian học tập, ánh sáng khi học bài, các thức ăn giàu vitamin A bổ dưỡng mắt... Khi có các biểu hiện giảm thị lực phải đưa trẻ đi khám và có biện pháp khắc phục phù hợp, trong đó đeo kính là vấn đề quan trọng.

Theo ThS.Đỗ Quang Ngọc (Bệnh viện Mắt Trung ương)

Chia sẻ