Chớ "chểnh mảng" việc tiêm phòng cho con khỏe mạnh
Thấy cháu sốt, quấy khóc suốt đêm sau khi tiêm chủng, lại lười ăn, bà Hoa mắng hai vợ chồng con trai: “Tao đã bảo không cần phải đi tiêm gì cả”.
Lại thêm thông tin có em bé qua đời do bị sốc phản vệ khi tiêm chủng, bà Hoa càng khăng khăng một mực nhất định không cho cục cưng của mình đi tiêm.
Giống bà Hoa, rất nhiều các cha mẹ, ông bà thường lờ lớ lơ việc tiêm chủng cho con. Tiêm chủng không hề làm con lười ăn, chậm lớn, sốt cao... như người lớn vẫn nghĩ. Trong khi đó, nếu bé không được tiêm chủng, bé sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao và hậu quả thì... không dám nói tới.
Phòng bệnh hẳn hơn chữa bệnh
Tiêm chủng bắt buộc (miễn phí) bao gồm: bạch hầu, uốn ván, ho ga, sởi, bại liệt, lao. Hiện tại, một số bệnh khác như viêm gan B, viêm màng não cũng coi như tiêm chủng bắt buộc. Tiêm chủng được hiểu nôm na là phòng bệnh cho con. Mà phòng bệnh thì hiển nhiên là hơn chữa bệnh rồi.
Lịch tiêm chủng thường được đưa ra trong khoảng thời gian một tháng. Mẹ có thể cho con đi tiêm bất kỳ lúc nào trong khoảng thời gian đó. Tuy nhiên, nên cho con đi tiêm chủng càng sớm càng tốt theo đúng lịch, nhất là với vắc-xin cần tiêm ngay khi bé chào đời.
Tiêm chủng thường miễn phí nhưng lại có những mũi tiêm lên tới vài trăm nghìn?
Đó là thắc mắc của rất nhiều mẹ sau khi đưa con đi tiêm. Chị Hà (Đội Cấn-Hà Nội) cho biết: “Tôi đưa con đi tiêm phòng theo lịch ở Trung tâm Y tế dự phòng, mỗi lần tiêm không dưới 100.000. Có những lần cho cháu tiêm mũi kết hợp và uống virus phòng tiêu chảy, chi phí hết gần 1,5 triệu.”
Hiện có một số vắc-xin kết hợp (một mũi tiêm có thể phòng được nhiều bệnh cùng lúc). Tác dụng của vắc-xin kết hợp và vắc-xin riêng biệt tương đương nhau. Vắc-xin kết hợp đương nhiên là tiện dụng hơn vì bé chỉ cần tiêm một lần, đau một phần. Vắc-xin này lại được nhập khẩu nên có vẻ “bảo đảm” hơn, chiếm được lòng tin của đa số các bố mẹ. Chỉ ngặt một nỗi là giá thành cao so với đại đa số người dùng.
Trường hợp nào không tiêm chủng cho bé?
Trước một tuần chuẩn bị cho con đi tiêm chủng, mẹ nên theo dõi sức khỏe của con. Những trường hợp bé bị ho, sốt nhẹ, có thể nhờ bác sỹ khám và quyết định xem có nên tiêm cho bé hay không. Thông thường với những trường hợp này, bé vẫn có thể tiêm chủng theo đúng thời gian. Với những bé bị sốt cao, tiêu chảy, có bệnh đặc biệt, bác sỹ sẽ tạm hoãn việc tiêm chủng để điều trị bệnh lý cho bé.
Nếu bé có dị ứng với bất cứ thứ gì, mẹ nên nói với bác sỹ trước khi cân nhắc và quyết định xem có nên tiêm cho bé hay không, nhất là trong trường hợp tiêm chủng mở rộng.
Tiêm chủng lao: Không tiêm cho trẻ đang bị viêm da có mủ, bị tiêu chảy, sốt trên 37,50 C, suy dinh dưỡng, bị bệnh tai mũi họng, bệnh vàng da.
Tiêm chủng bạch hầu – ho gà – uốn ván: không tiêm cho trẻ đang mắc bệnh nhiễm khuẩn, sốt cao, rối loạn thần kinh.
Tiêm chủng bại liệt: không cho trẻ uống hoặc tiêm tring trường trẻ đang bị sốt, nôn, tiêu chảy, có u.
Tiêm chủng sởi: không tiêm khi trẻ bị sốt cao.
Tiêm chủng viêm gan B: không tiêm cho trẻ sinh ra nặng dưới 1,5kg. Phải chờ cho bé được trên 2 tháng hoặc từ 2kg trở lên mới tiêm phòng.
Tiêm chủng viêm não Nhật Bản: không tiêm cho trẻ đang sốt cao, mắc các bệnh về tim, thận, gan, tiểu đường, suy dinh dưỡng.
Khi cho con đi tiêm, mẹ nên chọn các cơ sở y tế uy tín. Ở những nơi uy tín, rủi ro nhân viên y tế tiêm không đúng quy trình kỹ thuật hoặc thuốc bảo quản kém giảm đi rất nhiều. Luôn tuân thủ phác đồ tiêm chủng được các tổ chức y tế khuyến cáo. Không nên tự ý đưa con đi mỗi khi thấy có dịch bệnh mà nên tiêm phòng theo lịch trình khoa học. Sau khi tiêm chủng trong vòng 1 giờ không nên cho trẻ ăn hoặc uống gì cả, và trong ngày tiêm chủng thì không nên tắm cho bé. Chỉ nên vệ sinh nhẹ nhàng.
Dinh dưỡng và tiêm chủng là 2 yếu tố quan trọng cho sức khỏe của trẻ em.
Mỗi trẻ có thể tiêm chủng 20 mũi trong đời, việc tiêm chủng sẽ giúp phòng ngừa được các căn bệnh truyền nhiễm.
Vì thế các bậc cha mẹ nên đưa trẻ tiêm chủng đúng kỳ hạn và đầy đủ. |
Chăm sóc con sau khi đi tiêm
Thông thường, sau khi đi tiêm về, bé có thể sốt nhẹ, lười ăn, ngủ li bì. Mẹ cần cho con bú nhiều hơn và dỗ dành trẻ nghỉ ngơi. Lúc này, cơ thể bé đang rất mệt mỏi. Nếu bé sốt, chỉ nên dùng khăn bông giặt nước nóng, lau khô nước và trườm/lau cho con. Sau 1 – 2 ngày, triệu chứng này sẽ hết.
Vết tiêm có thể bị sưng và tấy đỏ. Tuyệt đối không nên bôi bất cứ thứ gì vào chỗ tiêm của bé trước khi có ý kiến của bác sỹ. Điều này sẽ dễ gây nhiễm trùng và nguy hiểm cho trẻ.
Trong trường hợp đặc biệt, bé có thể sốt cao, co giật, có dấu hiệu bất thường, mẹ cần đưa con đi khám ngay.
Bố mẹ không nên chủ quan rằng con đã tiêm chủng rồi và không thể mắc bệnh nữa. Mặc dù bé đã được tiêm phòng, nhưng bé vẫn có thể bị mắc bệnh. Không có vắc-xin nào đảm bảo tuyệt đối cho cơ thể. Vì thế, khi trẻ có dấu hiệu về các bệnh lý đã tiêm phòng, nên cho trẻ đi khám và điều trị.