Chỉ khi đọc nhật ký, mẹ mới nhận ra mình đã ép bé học thêm hè nhiều đến “kiệt sức" như thế nào
Nhiều mẹ cứ thế “vô tư" ép con đi học thêm hè mà không biết rằng chính sự nhồi nhét quá mức đó đã khiến hình dung của bé về chuyện học chẳng khác nào cực hình.
Mẹ đi làm căng thẳng, vất vả bao nhiêu cũng chẳng khác gì cảnh con đi học phải chịu nhiều áp lực, mệt mỏi đến nhường nào. Vậy cớ sao mẹ được tận hưởng các kỳ nghỉ nhưng lại cố ép con hi sinh nguyên cả mùa hè cho chuyện học? Phải đọc những chia sẻ rất thật trong cuốn nhật ký của một bé gái chuẩn bị lên lớp 4, mẹ mới “bàng hoàng" nhận ra bấy lâu này mình đã vô tình “cướp" mất tuổi thơ con như thế nào.
Nhật ký yêu dấu! Ngày...tháng...năm
Chiều nay, mẹ lại dúi vào tay mình nào sữa, nào bánh để ăn chống đói trong buổi học thêm. Mà mình thì chán ngán chẳng nuốt nổi nữa rồi. Mình thèm ở nhà, đọc truyện, xem hoạt hình hay ít ra là sang nhà Na chơi búp bê cơ.
Lúc sắp hết năm học, mẹ có hứa với mình kết quả thi cao sẽ cho đi tắm biển vào hè này. Mình tin lời, tối nào cũng chong đèn đến khuya ôn bài, rồi kết quả thi tuy không được cao nhất lớp nhưng điểm số cũng được nằm ở top đầu. Vậy mà mẹ chẳng giữ lời hứa gì, tắm biển chẳng thấy đâu, chỉ thầy tự dưng đưa cho mình mớ lịch học thêm hè dày đặc, cả tối lẫn ngày. Vậy còn gì là mùa hè nữa?
Mẹ lúc nào cũng ca thán chuyện đi làm căng thẳng, bận bịu đến mức chỉ mong cuối tuần được ở nhà thư giãn. Vậy mà mẹ chẳng chịu cảm thông cho mình gì cả. Mình đi học cũng đầy áp lực chẳng kém. Nào là cô mắng, bạn nói xấu, lại còn thêm chuyện học rõ nhức đầu nữa.
Sao mà mình thấy cái sự học nó rối rắm thế không biết. Có đến hơn 10 môn lận thì làm sao mình “nuốt trôi” được liên tục cơ chứ. Mẹ cần quãng thời gian xả hơi thì mình cũng cần chí ít là một hai ngày để lấy lại năng lượng chứ, đâu thế cứ bắt mình học như cái máy không biết mệt như vậy?
Vèo cái sắp hết mùa hè, lại sắp tựu trường rồi mà mình thấy mùa hè với trong năm học chẳng khác nhau là mấy. Mình vẫn phải “gù lưng" đeo cặp rồi ngồi viết bài nhiều đến mức muốn “gãy cả tay". Từ bao giờ việc học lại trở thành một cực hình đối với mình như vậy?
Mình vẫn nhớ những ngày đầu tiên vào lớp một, mình đã háo hức biết bao mỗi sáng được cắp sách đến trường. Bởi khi ấy ở nhà rất chán, chẳng ai chơi với mình, còn đi học thì có biết bao nhiêu là bạn để cùng nhau chơi đủ các trò từ nhảy dây, chơi chuyền, thậm chí còn mang cả bộ búp bê đến lớp giả làm gia đình nữa. Việc học mới mình khi ấy cũng cực kỳ thú vị. Dù chẳng có ai ép nhưng mình vẫn chủ động như thường. Về đến nhà là lôi vở ra tập tô chữ và làm phép tính. Có lẽ bởi khi ấy, học hành nó thực sự là một thú vui, một đam mê được khởi phát từ chính bên trong chứ không phải gượng ép như bây giờ nên mình luôn cảm thấy hứng thú hơn cả.
Thế mà bây giờ đến ra chơi thôi cũng thành một thứ quá ư xa xỉ với đám học trò chúng mình. Trong giờ học, cô giáo toàn dạy lý thuyết không rồi ngồi nhân nha kể độc những câu chuyện trên trời dưới đất gì ý, mà cả mình lẫn Na đều chẳng muốn quan tâm. Xong đến giờ ra chơi chỉ có tí tẹo dăm mười phút mà cô lại đẩy cho đống bài tập bắt làm lát vào kiểm tra, ai không nghe bị phạt liền. Như vậy có buồn cười không cơ chứ? Đi học mà mình cảm giác chẳng khác nào “đi đày" vậy!
Thảm kịch vẫn chưa hề kết thúc khi về đến nhà là cả bố lẫn mẹ đều thi nhau tra khảo mình xem hôm nay mấy điểm, có được học giỏi nhất lớp không? Căng thẳng ở chỗ, bố mẹ toàn nhắm đúng bữa ăn mới hỏi làm mình “nuốt chẳng trôi", đến đau dạ dày mất thôi.
Chuyện này mới vô lý nè. Hè đến, đáng nhẽ tụi mình phải được nghỉ ngơi, thư giãn thì mẹ lại làm hẳn một bộ khung thời gian học thêm và học tại nhà rồi nhất quyết ép mình “vào khuôn khổ". Buồn cười ở chỗ cả mẹ mình lẫn mẹ Na lại “cùng chung chí hướng" khi ép 2 đứa học thêm chung một nơi và thuê luôn một chị gia sư kèm cả 2 mỗi tối.
Mà cứ tối nào chị ấy đến dạy học là y như rằng mình phải nuốt vội bát cơm rồi chạy ù lên phòng phòng, sách vở ngay ngắn, giả bộ trong tư thế “sẵn sàng" học lắm rồi không mẹ la chết. Na cũng chẳng sung sướng hơn mình là mấy. Lúc nào học gia sư cũng thấy nó bưng nguyên cái mặt bụng xịu ngồi vào bàn, chỉ gật đầu làm theo như cái máy chứ chẳng thấy chút khí thế học hành nào cả.
Mình phải dúi bao nhiêu là kẹo vào tay nịnh nọt, nó mới kể rõ sự tình rằng mẹ nó cũng treo giải ghê lắm. Thấy bảo nếu năm vừa rồi được học sinh giỏi thì tất cả các tối nó sẽ được xem phim hoạt hình mà không phải đụng đến sách vở.
Vậy mà tối hôm nay, chỉ mấy phút nữa thôi Na sẽ lại ủ rũ sang đây học với mình và chị gia sư, còn mẹ thì sẽ thi thoảng lượn ra ngó vào để luôn đảm bảo rằng cả hai đứa đang rất “hăng hái học hành.” Ôi, nghĩ đã thấy nản!
Chưa bao giờ mình mong mẹ “vô tình đọc trộm” nhật ký của mình như lúc này. Để mẹ hiểu rằng: “Mẹ ơi, cái sự học hành trong mắt con vốn đã rất đẹp đẽ nếu như không bị nhồi nhét quá nhiều đến mức kiệt sức thế này. Mùa hè gần hết rồi mà con vẫn chưa thấy màu biển, chưa được ăn một bữa cơm vô lo, vô nghĩ. Giá như mẹ hiểu được mùa hè với đám học sinh chúng con cũng quan trọng hệt như kỳ nghỉ với những người đi làm như mẹ thì tốt biết mấy!”
Thôi chết, chị gia sư với Na đến rồi. Mình phải dừng viết ở đây thôi. Tạm biệt nhật ký nhé. À, nếu có thể, nhật ký chuyển những điều “thật thà, bé nhỏ" trên đến mẹ mình nhé. Chứ mình thèm đi chơi biển lắm rồi mà mùa tựu trường thì đang đến ngày một gần.
Hi vọng những lời tâm sự “thật thà, bé nhỏ” trên sẽ khiến mẹ có một cái nhìn khác về chuyện học thêm của con vào mùa hè. Hãy để bé “chủ động yêu" việc học bằng cách phân bổ thời gian nghỉ ngơi và học bài hợp lý cho con chứ đừng nhồi nhét quá nhiều nhé mẹ!
Một mùa tựu trường nữa lại gõ cửa. Con sắp bước vào năm học mới, thay vì đong đầy háo hức, mẹ lại cảm thấy lo lắng nhiều hơn cả. Lo vì không biết nên trang bị hành trang cho bé ra sao, chọn trường như thế nào và còn muôn vàn vấn đề khác xoay quanh chuyện giáo dục con cái.
Cùng san sẻ nỗi lo đó, chiến dịch "Ngày mai con đi học" được Afamily mang tới, hứa hẹn sẽ mang đến cho mẹ vô vàn thông tin hữu ích. Từ chuyện giúp mẹ hiểu được tầm quan trọng và ý nghĩa ngày tựu trường đến chuyện biết cách chia sẻ và đầu tư đúng mức cho cột mốc đáng nhớ của con. Đồng thời, chiến dịch còn hỗ trợ, đồng hành và giúp mẹ trang bị sẵn sàng cùng con đón ngày tựu trường. Mẹ nhớ đón đọc nhé!