Cháu nội không bằng nửa cháu ngoại

,
Chia sẻ

Tít, dù là cháu đích tôn của bà, nhưng cũng chưa từng một lần được bà nội ôm ấp, chăm sóc, dẫn đi chơi như với bé Cốm, con của em chồng, khiến chị Hạnh không khỏi chạnh lòng.

Vì vợ chồng chị Hạnh cưới nhau muộn và phải chờ đợi rất lâu mới sinh ra Tít nên khi con của em chồng được 3 tuổi thì Tít vẫn còn chưa biết đi. Suốt thời gian đầu mới sinh, Cốm hầu như chỉ bện hơi bà ngoại vì bố mẹ bận việc, ít có thời gian chăm sóc con. Nhìn mẹ chồng chăm sóc cháu ngoại cẩn thận, yêu thương, chiều chuộng cháu, chị Hạnh tự nhủ thầm, sau này mình sinh có thể nhờ bà chăm con.

Tuy nhiên, niềm vui ấy ngắn chẳng tày gang, ngày chị báo tin có thai, sau rất lâu chờ đợi, bà không tỏ thái độ gì, không vui, cũng chẳng buồn khiến chị thấy hoang mang.

Thế rồi, cái điều chị lo đã thành hiện thực, ngày Tít ra đời trước sự mừng rỡ của bố mẹ, ông bà ngoại, ông nội thì bà nội cũng chỉ vào thăm lấy lệ và không ngó ngàng gì đến cháu.
 
Giữa cháu nội và cháu ngoại, bà đối xử thiếu công bằng.

Sau khi ở nhà ngoại lên, mọi công việc chăm sóc con đều đến tay chị, chồng bận làm suốt nên không phụ giúp được gì nhiều. Cuối cùng, chị phải thuê người giúp việc theo giờ, đến dọn dẹp nhà cửa, giặt quần áo cho con nhỏ để chị rảnh tay chăm con.

Từ xưa đến nay, chúng ta vẫn nghĩ, bà nội mới quý cháu nội nhất, nhất là cháu đích tôn, bởi vì đó là niềm mong ngóng, ước ao của người già. Tuy nhiên, mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh và mỗi bà lại có tính cách, suy nghĩ rất khác nhau.

Việc mẹ chồng đối xử thiên lệch như vậy chưa hẳn là bà không yêu quý cháu mà có thể do bà gắn bó với con gái nhiều hơn, thương con gái phải sống cảnh làm dâu nên bù đắp tình cảm cho con bằng cách lo lắng, chăm sóc cho cháu ngoại. Hơn nữa, nhiều khi tình cảm giữa mẹ chồng và nàng dâu không được suôn sẻ, dẫn đến bà có ác cảm với chính cháu nội của mình.

Thiệt thòi cho con nhỏ

Dù nói gì thì cách cư xử của bà nội như vậy sẽ là một thiệt thòi lớn cho trẻ nhỏ. Khi còn bé, chưa nhận thức được thì người thấy xót xa là mẹ, nhưng khi lớn hơn chút nữa, biết cảm nhận tình yêu thương thì bé chính là người đau lòng nhất.
 
Từ xưa đến nay, chúng ta vẫn nghĩ, bà nội mới quý cháu nội nhất, nhất là cháu đích tôn.

Giữa cháu nội và cháu ngoại, bà đối xử thiếu công bằng, tình cảm san sẻ không đều sẽ khiến đứa trẻ bị đối xử bất công cảm thấy tủi thân, tự ti, sinh lòng ganh ghét với anh, chị, em... Ngay từ bé đã có tính cách ganh tị rõ rệt sẽ ảnh hưởng đến quá trình hình thành nhân cách sau này.

Một thực tế là bà càng xa cách, cháu nội và con dâu sẽ dần dần không muốn lại gần bà, thậm chí ngay cả con trai cũng vì thương con mà cãi lại mẹ. Cứ như vậy, cả gia đình sẽ bị kéo vào vòng xoáy oán trách nhau và khó có thể tìm được đường tháo gỡ.

Là bà, tất nhiên cũng không thể nói là không thương yêu cháu, có thể vì một nguyên nhân gì đó khiến bà có cách cư xử như vậy. Quan trọng là vợ chồng bạn phải biết cách chia sẻ với bà nội, khuyến khích con cư xử tình cảm với bà để kéo bà lại gần hơn.

Cũng cần nói rõ thiệt, hơn để bà thấy được tác hại của việc đối xử không công bằng, ảnh hưởng đến chính tương lai cháu nội bà. Đừng để một ngày con nhỏ chạy về nức nở trong lòng mẹ: “Mẹ ơi, sao bà lại không yêu con?”
 
Lan Nhi
(Tổng hợp)
Chia sẻ