Chánh văn Hoàng Anh Tú: Với cách hành xử như dân anh chị giang hồ, thử hỏi cha mẹ thời nay định lấy gì để dạy dỗ con cái?
Nhà văn Hoàng Anh Tú bày tỏ sự băn khoăn về cách dạy con của nhiều gia đình: "Những bậc cha mẹ tưởng chừng đều là những người hiểu biết, có học vấn cao. Ấy vậy mà cách ứng xử thì chẳng khác gì dân anh chị giang hồ".
Còn gì ám ảnh hơn cảnh con cái chứng kiến cha mẹ cãi vã, thượng cẳng chân hạ cẳng tay; cảnh cha mẹ hành xử như giang hồ nơi công cộng... Trong tâm trí non nớt của trẻ, sẽ in hằn những kí ức buồn bã, kinh sợ đó khi nhắc tới "cơn điên" của cha mẹ mình.
Là một người có kinh nghiệm là bố của một cậu con trai và hai cô con gái, đồng thời là "chuyên gia" thường chia sẻ những quan điểm, suy nghĩ về cách dạy con cái, cũng như cách ứng xử của người lớn trước mặt con trẻ, anh Chánh Văn Hoàng Anh Tú với góc nhìn của mình đã đưa tới độc giả một bài viết vô cùng sâu sắc, thấu đáo.
Cụ thể bài viết như sau:
"Thêm một đứa trẻ trở thành nạn nhân khi phải chứng kiến chính bố mẹ mình "bị điên". Cô bé con gái của bà Hiền "đại náo sân bay Tân Sơn Nhất" và trước đó là cậu bé con trai của cán bộ kho bạc nhà nước ở Bắc Kạn phải chứng kiến bố nổi cơn điên đánh mẹ. Những đứa trẻ tội nghiệp.
Những đứa trẻ tội nghiệp hết bị "nựng" trong thang máy, bị bỏ quên đến chết trên xe bus khi đến lớp, giờ về đến nhà, ở bên cạnh chính cha mẹ chúng cũng không hết tội nghiệp khi phải chứng kiến cha đánh mẹ, mẹ chửi bới người khác giữa nơi công cộng. Mà những clip này, nhiều năm sau nữa cũng sẽ không biến mất. Trên môi trường mạng Internet, những clip này vẫn sẽ nằm lại ở đâu đó, mãi mãi. Những đứa trẻ tội nghiệp này sẽ lớn lên và rồi chẳng bao giờ thoát khỏi nỗi ám ảnh mà cha mẹ chúng đã làm. Ai bảo vệ chúng khi mà chính cha mẹ chúng cũng không thể tự bảo vệ mình trước đòn roi của dư luận trừng phạt cho những lỗi lầm mà họ đã gây ra?
Những đứa trẻ tội nghiệp bởi chính những người lớn cay nghiệt, những ông bố, bà mẹ tội nghiệt. Nhiều năm làm báo cho trẻ em rồi làm chuyên gia về nuôi dạy con cái, tôi đã chứng kiến bao nhiêu đứa trẻ đáng thương như thế? Từng cái ăn, từng cái mặc, đến cả từng ước mơ của trẻ cũng bị người lớn can thiệp vì "trẻ con thì biết cái gì". Lũ trẻ được nuôi cấy trong những môi trường áp đặt của cha mẹ với "tao là cha mẹ, tao có quyền". Cha mẹ luôn đúng và nếu cha mẹ sai thì đó là cái sai của kẻ khác chứ cha mẹ không bao giờ sai. Từ những đứa nhỏ bị biến thành vũ khí trong cuộc chiến giữa hai người lớn: Cha với Mẹ. Khi cha mẹ ly dị. Đến những đứa trẻ sống trong một mái nhà (tưởng ấm êm) nơi hàng ngày cha đánh mẹ, mẹ chửi bới cha. Mái ấm tưởng là nơi an toàn nhất mà bỗng chốc lại là nơi chẳng còn an toàn nữa. Bao nhiêu nước mắt đong đầy một đứa trẻ?
Những đứa trẻ tội nghiệp, đáng buồn thay, lại chẳng phải là những đứa trẻ sinh ra trong nghèo khó. Mà trái lại, nhiều trong số đó lại có những ông bố bà mẹ có tiền. Những bậc cha mẹ tưởng chừng đều là những người hiểu biết, có học vấn cao. Ấy vậy mà cách ứng xử thì chẳng khác gì dân anh chị giang hồ. Họ đang dạy chính con cái họ những bài học gì? Là đàn ông được quyền đánh phụ nữ? Là bất cứ khi nào con giận dữ con được quyền đánh người, chửi người?
Những đứa trẻ tội nghiệp càng đáng tội nghiệp hơn khi miệng lưỡi từ chính những người lớn cay nghiệt đang trút phẫn nộ lên đầu bố mẹ chúng. Năm năm, mười năm nữa, những câu chửi rủa, thóa mạ của cộng đồng mạng, cư dân mạng dành cho bà Hiền hay ông chồng đánh vợ kia vẫn sẽ còn nằm lại trên mạng. Những đứa trẻ chứ không phải ai khác sẽ phải chứng kiến, sẽ đọc thấy những câu chữ đó. Làm con, có đứa con nào không đau lòng khi đọc những dòng chữ cay nghiệt kia dành cho bố mẹ mình?
Những người lớn xấu xí! Những người lớn thể hiện quyền lực của mình nơi công cộng với những kẻ bà cho là tầm thấp hơn bà, lũ nhân viên quèn. Những người lớn vì cơn nóng giận của mình, thói vũ phu, gia trưởng của mình, thẳng tay đánh vợ. Những người lớn nhân danh công lý lên mạng ném từng câu chửi rủa vào bà Hiền hay người chồng vũ phu kia… Trời ơi, có ai nghĩ đến những đứa trẻ tội nghiệp không? Và có ai, dừng tay phím lại một chút trước khi post lên những lời xấu xí, bẩn thỉu, sẽ tự hỏi: Nếu con mình mai này đọc được, chúng sẽ nghĩ gì về bố mẹ chúng???
Hôm nay, cuối tuần rồi, là thời điểm để gia đình quây quần yêu thương nhau. Xin hãy cùng tôi, chậm lại, thương lấy lũ trẻ bằng việc hãy sống tử tế với người, với đời…"