Chẳng cần chi tiền cho đồ chơi đắt đỏ vì có mẹ khéo tay, ai nấy phải thốt lên "đỉnh"

An Chi,
Chia sẻ

Nhìn những món đồ chơi chị Dung làm cho con, ai nấy đều rất ngưỡng mộ.

Những món đồ chơi lấp lánh, màu sắc sặc sỡ chắc chắn sẽ thu hút những đứa trẻ. Thế nhưng, các em bé lại hay "cả thèm chóng chán", bởi vậy nhà nào có em bé sẽ thấy ngay cảnh đồ chơi chất đầy nhưng con lại... chẳng biết chơi thứ gì. Để vừa tiết kiệm vừa có thể giúp con học mà chơi, chơi mà học, chị Phạm Dung (sống tại Hà Nội) đã tự tay làm đồ chơi cho các bé. 

Là mẹ của 3 bạn nhỏ, trong đó có 2 bạn sinh đôi 2017 và 1 bạn bé 2022, chị Dung bắt đầu làm đồ chơi cho con vào năm 2022, khi 2 con lớn được vừa 5 tuổi và bắt đầu làm quen với chữ cái để chuẩn bị vào lớp 1.

Chẳng cần chi tiền cho đồ chơi đắt đỏ vì có mẹ khéo tay, tự làm cho con khiến ai nấy phải thốt lên "đỉnh" - Ảnh 1.

Nụ cười hạnh phúc của em bé

"Mình làm nhiều loại học liệu, mỗi loại là 1 chủ đề theo từng giai đoạn phát triển của con. Ngoài những nội dung học chính, các trò chơi đều nhằm phát triển đa kỹ năng.

Ví dụ:

- Kẹp gỗ, bóc sticker, cắt/bóc dán, cài thẻ giúp con rèn được lực và sự khéo léo cho đôi bàn tay (rèn vận động tinh).

- Đập thẻ giúp con rèn luyện được khả năng quan sát, phản xạ nhanh nhạy, khả năng phối hợp tay-mắt.

- Chơi bài với hình và chữ, các trò chơi đánh vần kết hợp tư duy giúp con luyện não.

- Các trò chơi ghép cặp giúp con tăng cường nhận thức về màu sắc và tăng khả năng ghi nhớ.

- Hoạt động tô/vẽ/tạo hình... giúp con phát triển tư duy thẩm mỹ, sáng tạo.

- Các trò chơi soi đèn, thả hoa giấy vào nước giúp con tăng khả năng quan sát, kích thích trí tò mò và khả năng tìm tòi khám phá.

- Các trò chơi nhập vai giúp con phát huy trí tưởng tượng, tăng sự hứng thú khi học.

Mình tham khảo từ nhiều nguồn và các mẹ có kinh nghiệm từ nhiều hội nhóm. Cũng không tốn nhiều thời gian và tiền bạc. Việc cần chuẩn bị khi mẹ muốn đồng hành cùng con là 1 máy in màu, 1 máy ép plastic và các đồ dùng văn phòng phẩm cần thiết", chị Dung chia sẻ. 

Con vừa học vừa chơi từ những học liệu này

Trò chơi đập ruồi, trái cây vui nhộn tạo hình khuôn mặt, cắt móng tay hay rút gỗ được các em bé hưởng ứng nhiệt tình

Trò chơi nhập vai thợ giặt là, chụp chữ, nhập vai bé làm pizza... cũng khiến bé thích thú

Các em bé học được rất nhiều chữ cái từ các trò chơi như thế này

Học mà chơi, chơi mà học chính là thế này đây

Ai cũng khen chị Dung siêu đỉnh

2 bạn nhà chị Dung đã rất quen với việc mỗi ngày 1 trò chơi, và điều đặc biệt là không trò nào giống trò nào. Ví dụ cùng 1 học liệu nhưng bà mẹ 3 con có thể biến tấu thành nhiều hoạt động khác nhau nên bé ít bị chán. 80% là con vui vẻ hợp tác, 10% là con thích những đồ chơi hấp dẫn bên ngoài, 10% con không hợp tác vì có hôm con mệt hoặc con tìm được niềm vui riêng.

Thêm vào đó, chị Dung áp dụng một số nguyên tắc sau:

- Khi chơi với con, nếu có dấu hiệu con chán chơi, mẹ sẽ dừng lại và cất đi. Mẹ áp dụng cách đảo hoạt động, tức là cùng 1 bộ học liệu thì 1 tuần hoặc 1 tháng sau cho con chơi lại.

- Bảo quản đồ chơi bằng cách cất gọn trong túi lưới đựng học liệu, các thẻ nhỏ có thể đựng trong túi zip. Khi không dùng nữa em thường tặng lại cho các bạn nhỏ khác.

"Việc tự tay làm đồ chơi khiến mình đỡ áp lực khi phải chi nhiều tiền mua đồ chơi theo mong muốn của con. Đặc biệt tăng cường sự gắn kết giữa ba mẹ và con cái, cùng nhau tham gia vào khâu chuẩn bị học liệu", chị Dung tâm sự. 

Sự sáng tạo vô tận của mẹ và sự chăm chỉ của các em bé

1 người mẹ chăm chỉ là tiền đề cho sự nỗ lực của các con

Các em bé cũng rất hợp tác với mẹ

Xem những học liệu bà mẹ trẻ làm cho con, hội mẹ bỉm vô cùng ngưỡng mộ sự khéo tay và tỉ mẩn của chị Dung. Có mẹ chăm chỉ và đỉnh cỡ này, chắc chắn các em bé sẽ học được vô vàn điều thú vị. Không cần mẹ phải quá khéo tay, chỉ cần một chút chăm chỉ, kiên nhẫn, chắc chắn các mẹ cũng có thể làm cho con những món đồ chơi tương tự. 

Chia sẻ