Cha mẹ thường xuyên la mắng con, trẻ lớn lên sẽ có 3 sự khác biệt đau lòng: Phụ huynh cần thay đổi ngay để tránh làm con tổn thương
La mắng hay bạo lực bằng lời nói chưa bao giờ là cách dạy con hay, bởi nó gây ra những hệ lụy vô cùng nghiêm trọng.
Mỗi cha mẹ sẽ có những quan điểm, phương pháp giáo dục con cái khác nhau. Trong những năm tháng trưởng thành của trẻ, làm sai hay không nghe lời đều là những điều không thể tránh khỏi. Không những vậy, việc mắc lỗi này còn xảy ra vô cùng thường xuyên, gắn liền với quá trình trẻ lớn lên.
Khi đối mặt với một đứa trẻ làm như vậy, mỗi cha mẹ lại có một cách xử lý khác nhau. Không phải cha mẹ nào cũng giữ được bình tĩnh để khuyên giải khi trẻ quậy phá quá nhiều lần. Một phần không nhỏ các bậc phụ huynh hay quát mắng và dọa nạt mỗi khi trẻ làm sai.
Tuy nhiên, la mắng, bạo lực bằng ngôn từ chưa bao giờ được khuyến khích trong cách dạy con hiện đại, bởi chúng có thể gây ra những hệ lụy vô cùng nghiêm trọng. Trẻ bị la mắng và trẻ không bị lớn lên có sự khác biệt rõ ràng: Bạo lực ngôn ngữ rất khủng khiếp, bố mẹ phải thay đổi cách dạy con ngay
Vậy cụ thể việc bị cha mẹ la mắng thường xuyên sẽ ảnh hưởng như thế nào tới quá trình trẻ lớn lên?
1. Những đứa trẻ thường xuyên bị cha mẹ la mắng thường cảm thấy bất an
Đối với con cái, cha mẹ là những người thân thiết nhất. Mỗi đứa trẻ dù lớn đến đâu cũng muốn nhận được sự khẳng định từ cha mẹ. Những lời mắng mỏ, khiển trách nặng nề của cha mẹ luôn có tác động tiêu cực đến con trẻ.
Một hai lần thì sẽ không gây ra hệ quả gì lớn, nhưng khi não bộ của trẻ tiếp nhận chúng trong thời gian dài, sức mạnh tinh thần của trẻ sẽ dần suy yếu. Có những lúc cha mẹ la mắng để trút bỏ nỗi lo trong lòng, quả thật họ rất lo lắng cho con, nhưng những gì họ nói không phải là lời khuyên dạy mà là "nhát dao" khiến trẻ thêm tổn thương.
Ảnh: Internet
Ban đầu lý do bị la mắng có thể là do trẻ mắc lỗi, khi này có thể trẻ sẽ sợ và không dám tái phạm. Tuy nhiên nếu hành động la mắng lặp lại nhiều lần, trẻ sẽ không những không thể sửa chữa mà còn cảm thấy đặc biệt kém cỏi.
Lâu dần sẽ hình thành một phản xạ: khi bị cha mẹ la mắng, trẻ sẽ tự hỏi liệu mình đã làm gì sai điều gì hay mình chưa ngoan nên mới bị mắng. Những đứa trẻ như vậy luôn cảm thấy bất an, không dám lên tiếng, nói ra nhu cầu của mình. Chúng sẽ ngày càng thiếu tự tin, ngại bày tỏ, ngại phản bác và âm thầm chịu đựng những bất bình.
Theo Giáo sư Stapen của Hiệp hội Giáo dục Anh quốc, quát mắng trẻ, đặc biệt là khiển trách lặp đi lặp lại, trẻ sẽ bị tổn thương nghiêm trọng hơn là bị đánh đòn. Những đứa trẻ trưởng thành trong sự quát nạt của gia đình sẽ không tin tưởng vào người khác và không đề cao bản thân mình. Nếu sự việc cứ tiếp diễn như vậy, trẻ sẽ gặp các vấn đề tâm lý, nghiêm trọng hơn có thể dẫn tới tự kỷ.
2. Những đứa trẻ bị cha mẹ mắng thường xuyên sẽ dễ phạm sai lầm hơn khi lớn lên
Trong hầu hết các trường hợp, cha mẹ la mắng con vì con cái thực sự đã phạm sai lầm. Lúc này, mục đích của cha mẹ là làm cho con nhận ra lỗi và ngừng tái phạm.
Song khi tần suất mắng mỏ, chỉ trích càng tăng thì tần suất phạm lỗi của trẻ cũng vậy. Bởi vì khi cha mẹ mắng con bằng những lời lẽ tiêu cực, thậm chí xấu xa, tâm trí của đứa trẻ sẽ không sửa chữa lỗi lầm, mà chỉ cảm thấy buồn tủi, thất vọng.
Về cơ bản, những cảm xúc này sẽ khiến lòng tự trọng của trẻ bị tổn thương, từ đó sinh ra tâm lí phản nghịch, bất mãn. Trẻ sẽ càng không hiểu lý do tại sao mình bị la mắng và không nhận sai. Hệ quả của điều này có thể vô cùng nghiêm trọng khi đứa trẻ lớn lên.
Ảnh: Internet
3. Những đứa trẻ hay bị bố mẹ la mắng thì càng gắt gỏng
Trong lúc nóng giận, cha mẹ thường không kiểm soát được ngôn từ của mình khi mắng con. Những lời la mắng này thường có tính chất không nhẹ cũng không nặng, nhưng trẻ vẫn cảm thấy khó chịu, không chấp nhận và thậm chí sẽ rất cáu kỉnh trong suốt quá trình.
Đôi khi cảm thấy quá khó chấp nhận, trẻ sẽ có hành vi cãi lại bố mẹ. Kết quả là đổi lại những lời mắng mỏ nặng nề hơn của bố mẹ. Cứ lặp đi lặp lại như vậy, trẻ sẽ càng trở nên nóng nảy, tính tình ngày càng cáu gắt.
Đứa trẻ lớn lên trong sự la mắng, cần cả đời để chữa lành
Theo một khảo sát của nhà xã hội học người Mỹ Mori Strauss, gần 90% cha mẹ đã từng quát mắng con cái. Nhiều phụ huynh cho rằng "la mắng" cũng là một cách giáo dục. Chỉ cần không bạo lực, đánh đập thì sẽ chẳng ảnh hưởng đến trẻ. Thế nhưng thực tế, trái tim của trẻ cũng đang bị áp lực vô hình đè nặng.
Các giáo sư của Trường Y Harvard đã dành hơn 10 năm để nghiên cứu hậu quả của việc cha mẹ quát mắng con cái. Họ đã nhận thấy khi trẻ bị bạo hành bằng lời nói, mức độ đau đớn không kém nỗi đau mà hệ thần kinh cảm nhận được khi bị đánh. Có thể nói rằng, khi cha mẹ la mắng con cái, mức độ tổn thương mà ngôn ngữ gây ra cho tinh thần và thể xác của trẻ hoàn toàn giống nhau.
Ảnh: Internet
Trong chương trình "Cha mẹ siêu phàm" của Trung Quốc, có một bà mẹ nóng tính thường "giao tiếp" với con bằng cách la hét. Chương trình đã đưa bà mẹ đến một căn phòng và yêu cầu người mẹ nghe một đoạn âm thanh thu sẵn.
Khi nghe thấy tiếng la mắng của chính mình vang lên, người mẹ ngay lập tức quỳ gục xuống và bịt chặt tai, cơ thể cũng không ngừng run rẩy. Bà mẹ không thể tin được giọng nói đáng sợ phát ra từ loa kia thực sự là hình ảnh bản thân thường ngày. Đến cả người lớn còn không thể chịu được năng lượng tiêu cực ấy, huống chi là con trẻ?
Trẻ em không phải là người trưởng thành. Những điều đơn giản đối với người lớn có thể là khái niệm xa lạ với trẻ. Bởi vậy khi trẻ mắc lỗi, đừng vội lo lắng hay tức giận. Trước hết hãy quan sát xem phương pháp giáo dục của bản thân có nằm ngoài phạm vi hiểu biết của trẻ hay không. Nếu được, hãy giải thích đơn giản và dễ hiểu hơn để trẻ "sẵn sàng" ngoan ngoãn.
Chỉ cần cha mẹ luôn đủ tình yêu thương, kiên nhẫn thì đều có thể cung cấp cho con mình một nền giáo dục tốt nhất.
(Theo sohu)