Cha mẹ thấu hiểu sẽ giúp trẻ tự kỷ tự đứng trên đôi chân của chính mình
Mỗi đứa trẻ tự kỷ là một thế giới riêng và nếu cha mẹ không nhận ra khả năng của con, không ai khác có thể làm thay.
Mỗi trẻ tự kỷ là một thế giới riêng
Trong một căn phòng nhỏ thuộc Trung tâm Hướng nghiệp dành cho trẻ tự kỷ ở Hà Nội, Nguyễn Sơn Vũ, 17 tuổi, đang cặm cụi với hai chiếc đũa đan len. Từng mũi len chắc tay dần hình thành chiếc túi màu xanh nõn chuối đẹp mắt. "Con… móc… túi… để… bán" - Vũ nói từng từ rời rạc, đứt đoạn…
Ở một căn phòng khác, Thu Thảo, 25 tuổi, chăm chú vẽ hình một con mèo trên túi vải. Từng đường cọ đều đặn, chuẩn xác đến bất ngờ. Với nét vẽ tinh xảo, nghệ thuật, ngắm chiếc túi của Thu Thảo vẽ, ai cũng khen đẹp.

Tranh, túi của Thu Thảo vẽ đều rất đẹp
Ở phòng dạy đóng sổ, Nguyễn Minh Quang, chàng trai 17 tuổi say sưa học nghề. Khi thấy khách đến, Quang chào mọi người bằng tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Hàn…
Quang có khả năng đặc biệt với ngoại ngữ, khi có thể nói gần chục thứ tiếng: Anh, Pháp, Hàn, Đức, Thụy Điển, Nga, Trung Quốc, Thụy Điển… Các ngoại ngữ trên đều là do Quang tự học trên youtube, trên internet. Ngày nào đến trung tâm, Quang cũng thích nói tiếng nước ngoài.
"Nhiều lúc chúng tôi phải tra từ điển để hiểu Quang đang nói gì", ThS Phan Thị Lan Hương, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu quyền trẻ em, người trực tiếp điều hành dự án hướng nghiệp cho trẻ tự kỷ, kể.

Minh Quang có khả năng đặc biệt với ngoại ngữ
Ở trung tâm Hỗ trợ phát triển hòa nhập Hoa Xuyến Chi, tỉnh Bắc Giang, Tạ Đức Bảo Nam, sinh năm 2011, cũng là một trường hợp đặc biệt. Cậu bé chỉ thích vẽ và say sưa với những bức tranh về… cầu. Chị Bùi Thị Loan - mẹ Nam nhớ lại: "Khi con được 17 tháng tuổi, bác sĩ kết luận tự kỷ. Tôi gần như suy sụp. Nhưng rồi tôi nhận ra mình không thể gục ngã, vì nếu tôi bỏ cuộc, ai sẽ dìu con đi tiếp?"

Những bức tranh cây cầu do Đức Nam vẽ
Hành trình kiên trì ấy đã đưa đến một kết quả không ngờ. Chỉ trong 2 tháng, Nam vẽ được 82 bức tranh, trong đó có 60 bức về các cây cầu. Hội Kỷ lục gia Việt Nam đã công nhận Nam là trẻ tự kỷ vẽ nhiều tranh về cầu nhất. Với người ngoài, đó có thể chỉ là tranh trẻ con. Nhưng với chị Loan, đó là kỳ tích của một đứa trẻ từng bị cho là vô vọng.
"Những cây cầu của con là biểu tượng của sự kết nối, là hy vọng rằng con cũng sẽ chạm được tới thế giới bên ngoài," chị Loan nghẹn ngào nói.
Tuyệt đối không áp đặt
Theo ThS Phan Thị Lan Hương, không một đứa trẻ tự kỷ nào là vô dụng. Chỉ là chúng ta chưa tìm đúng điểm mạnh của các em và cha mẹ chính là người quan trọng nhất trong việc này.
"Tôi từng gặp nhiều trường hợp cha mẹ áp đặt con phải học hết phổ thông, rồi vào đại học, bất chấp việc con không thể tiếp thu. Họ không chịu nhìn vào khả năng thực sự của con. Trong khi, điều cần thiết là phát hiện ra con thích gì, làm tốt việc gì, rồi đồng hành và hỗ trợ các con theo thế mạnh ấy" – Thạc sĩ Hương phân tích.
Ở Trung tâm mà ThS Hương điều hành, mỗi em được thử nhiều hoạt động: hội họa, thủ công, may vá… rồi dần phân nhóm. Bạn khéo tay được học đan móc, bạn sáng tạo sẽ vẽ, còn người tỉ mỉ sẽ làm sổ tay hay sản phẩm handmade.
"Chúng tôi tuyệt đối không áp đặt nghề. Phát hiện ra khả năng rồi mới xây dựng lộ trình đào tạo phù hợp. Nhưng muốn vậy, cha mẹ phải hiểu con trước tiên, rồi phối hợp cùng trung tâm, đồng hành liên tục, chứ gửi con vào trung tâm mà cha mẹ phó mặc thì rất khó"- bà Hương nhấn mạnh.
Dù vậy, quá trình hướng nghiệp cho trẻ tự kỷ chưa bao giờ là dễ dàng. Các trung tâm hướng nghiệp tư nhân thường lúng túng trong việc xác định nghề phù hợp, thiếu đầu ra cho sản phẩm, và đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ thị trường.

Sơn Vũ tỉ mẩn móc túi
Theo ThS Hương, trẻ tự kỷ phù hợp nhất với các công việc đòi hỏi sự tỉ mỉ, kiên nhẫn như thủ công, mỹ thuật, nhưng cần được học làm trọn vẹn một sản phẩm thay vì một công đoạn nhỏ. Và song song với đó là đào tạo kỹ năng sống: đi chợ, nấu ăn, tự chăm sóc bản thân, di chuyển bằng phương tiện công cộng. Có nghề mà không biết tự chăm sóc bản thân thì cũng rất khó hòa nhập xã hội, chưa nói đến tự lập.
"Trẻ tự kỷ không cần đặc ân. Các em cần một cánh cửa cơ hội để sống đúng với giá trị thật của mình. Và chiếc chìa khóa đầu tiên luôn nằm trong tay cha mẹ."
ThS Phan Thị Lan Hương
Ông Đặng Hoa Nam, nguyên Cục trưởng Cục Trẻ em, người nhiều năm làm công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ đặc biệt, chia sẻ: "Hơn 1 triệu trẻ tự kỷ tại Việt Nam hiện nay kéo theo ảnh hưởng trực tiếp tới hàng triệu gia đình. Khó khăn lớn nhất vẫn là xác định đúng khả năng của các con để từ đó xây dựng lộ trình phát triển nghề nghiệp phù hợp. Cha mẹ phải là người nhận diện sớm sự khác biệt, hiểu con, phát hiện thế mạnh và kiên trì đồng hành. Nếu gia đình buông tay, không ai có thể thay thế."
Về chính sách, ông Nam cho rằng, dù nhà nước đã có những hỗ trợ nhất định nhưng vẫn còn bất cập, đặc biệt trong công tác giám định mức độ khuyết tật, thiếu dịch vụ chăm sóc chuyên biệt, và hạn chế trong việc kết nối doanh nghiệp với người tự kỷ. "Chúng ta cần phát triển mạnh các trung tâm dịch vụ hướng nghiệp, chăm sóc bán trú và nội trú để khi cha mẹ các em không còn, các em vẫn có chốn nương tựa, được sống và làm việc."
Những đứa trẻ như Vũ, Thảo, Quang hay Nam đều là minh chứng sống động rằng, nếu được cha mẹ phát hiện sớm khả năng, kiên trì đồng hành, định hướng đúng nghề phù hợp với đặc điểm cá nhân, các em hoàn toàn có thể tự đứng trên đôi chân mình.
Như chị Loan từng viết trong bức thư gửi con: "Mẹ tự hào vì con, và mẹ có quyền mơ ước về một tương lai cho con. Con cũng là niềm hy vọng cho những gia đình đang cùng hoàn cảnh."
Việt Nam hiện có khoảng 6,2 triệu người khuyết tật từ 2 tuổi trở lên, trong đó khoảng 1 triệu người tự ký. Ước tỉnh, cứ 100 trẻ sinh ra thì có một trẻ mắc rối loạn loạn phổ tự kỷ. Trong vòng 15 năm trở lại đây, số lượng trẻ tự kỷ tại Việt Nam đã tăng đáng kể và trở thành một vấn đề xã hội rất đáng lưu tâm.
Số liệu do Tổng cục Thống kẽ công bố đầu năm 2019