Cha mẹ giàu dạy con cách... thoát nghèo
Bất kể điều kiện kinh tế ra sao, nhiều bậc cha mẹ ngày nay luôn ý thức rằng họ không nuông chiều con thái quá.
Thậm chí, không ít người vận dụng lời dạy của người xưa “dùng nghèo để dạy con trai, dùng giàu để nuôi con gái” để trau dồi kỹ năng cho con cái của mình.
Câu chuyện của Karol Markowicz, một phụ nữ trẻ đang sinh sống tại New York, rất đáng để các bậc cha mẹ hiện đại ngẫm nghĩ về phương thức nuôi dạy con.
Giàu không phải là vĩnh viễn
“Trong suốt thời thơ ấu của tôi, hễ vào tháng 10 hàng năm, mẹ tôi lại lục lọi trong nhà kho, tìm ra những tấm vải nỉ cũ để trải trên giường cho tất cả anh chị em chúng tôi nhằm chống lại cái lạnh của mùa đông New York.
Mẹ cũng tận dụng những chiếc chăn bông dày từ thời của bà tôi để thay thế những chiếc chăn mỏng mà chúng tôi đã sử dụng suốt mùa hè. Chúng tôi vui vẻ ngủ vùi trong những bộ đồ cũ rộng thùng thình.
Gần đây, tôi nhận ra các con tôi không có khăn trải giường bằng vải nỉ như chúng tôi ngày xưa. Bộ đồ giường của chúng luôn hoàn chỉnh với chiếc đệm đắt tiền và chăn bông dày. Bất kể mùa đông hay mùa hè, các con tôi đều được sống trong điều kiện tốt nhất có thể.
Thậm chí chúng được sống theo sở thích riêng, bất chấp thời tiết. Tôi nhớ, đợt rét năm ngoái, các con tôi mặc quần đùi đi ngủ bởi hệ thống sưởi trong nhà hoạt động cực tốt.
Có điều, sống trong điều kiện đủ đầy như vậy, chúng không bao giờ biết đến những câu chuyện khác. Đó là một trong những thử thách khó khăn đối với tôi - lớn lên trong nghèo khó và nuôi dạy những đứa trẻ sung túc.
Các con tôi thường cảm thấy mệt mỏi khi phải đi bộ đường dài, chúng đề nghị tôi gọi taxi, tôi đồng ý vì cảm thấy mình cũng đang thở dốc, trong khi chi phí cho taxi không quá đắt.
Nhưng trong tôi luôn thường trực một nỗi lo dai dẳng, rằng tôi đang làm hư các con mình bằng cách làm cho cuộc sống của chúng quá thoải mái.
Điều cốt lõi mà tôi muốn các con mình biết và có sự chuẩn bị tâm lý vững vàng, đó là giàu có không nhất thiết phải là một trạng thái vĩnh viễn.
Cuộc sống của riêng tôi là một chuyến tàu lượn siêu tốc với nhiều tình huống tài chính khác nhau. Tôi đã từng nghèo, rồi giàu, và nghèo rồi lại giàu.
Nói rõ hơn, cái “nghèo” thời thơ ấu của tôi là của một gia đình nhập cư đang trên đà phát triển, và cái “nghèo” khi trưởng thành sau này của tôi là do khoản nợ học phí cao khiến tôi rơi vào vòng xoáy khổ sở trong nhiều năm.
Thử nghiệm và mạnh dạn loại bỏ phương thức giáo dục không hiệu quả
Thời thơ ấu, tôi đã chứng kiến cha tôi học tập chăm chỉ thế nào để trở thành một bác sĩ. Khi ông ấy thành công, cuộc sống của chúng tôi đã thay đổi đáng kể.
Chúng tôi luôn có đủ thức ăn, nhưng những thứ như McDonald’s chỉ dành cho những dịp đặc biệt nhất. Lo lắng vẫn thường trực. Tôi hiếm khi nhìn thấy bố mẹ ở nhà. Khu phố của chúng tôi vẫn ngập trong khó khăn.
Chúng tôi cố gắng không sử dụng hệ thống sưởi quá nhiều và tiếp tục tận dụng những tấm vải nỉ để giữ ấm ngay cả sau khi tài chính gia đình được cải thiện. Vận may thay đổi nhưng tư duy khó lay chuyển.
Sự “giàu có” của các con tôi không phải là máy bay riêng hay du thuyền; đó là các hoạt động sau giờ học, những chiếc áo phông siêu anh hùng ngầu nhất, các kỳ nghỉ,... và quan trọng nhất là cha mẹ có thời gian cũng như không gian tinh thần để thực sự gắn bó, đồng hành với con.
Chúng thoải mái sử dụng phương tiện, các lớp học nhạc cụ, các bộ nghệ thuật và có thể mua bất kỳ bộ phim nào chúng muốn xem trên Netflix.
Khi tôi lo lắng về việc chu cấp cho các con quá nhiều, tôi cố gắng thảo luận với các bậc cha mẹ có hoàn cảnh tương tự nhưng thật khó để mở lời. Thực ra, không ai thích thừa nhận mình nghèo, nên cũng hiếm ai thừa nhận mình giàu có.
Cả tôi và chồng đều là người nhập cư nên chúng tôi không có mối quan hệ hoặc mạng lưới bạn bè đủ rộng, vì thế chúng tôi phải tự thân vận động. Tôi nghĩ, nếu việc dạy trẻ biết trân trọng những gì chúng có là quan trọng, thì việc giả vờ không có không phải là phương pháp hiệu quả.
Ngoài ra, còn có một thực tế là rất nhiều lời khuyên nuôi dạy con cái để tránh làm hư chúng hoàn toàn không phù hợp, đối với cả những gia đình nghèo khó. Chẳng hạn như “Hãy cho con bạn trải nghiệm thay vì quà tặng”. Nhưng thực tế, trải nghiệm thường đắt đỏ, thậm chí đắt hơn rất nhiều so với một vài món đồ chơi.
Nếu bạn không muốn chu cấp tiền cho con một cách dễ dàng, hoặc đối xử với chúng theo cách mà những người kém may mắn hơn đối xử với con cái của họ, thì mọi trải nghiệm bạn tạo ra cho con sẽ thất bại.
Bản thân tôi vẫn đang lo lắng về việc con mình trở nên tự mãn trong một cuộc sống quá thoải mái, điều này khiến chúng nghĩ khoảng thời gian vui vẻ của chúng sẽ không bao giờ kết thúc.
Thách thức đối với vợ chồng tôi và những gia đình có hoàn cảnh tương tự là dạy các con tận hưởng những gì chúng đang có nhưng không mong đợi cuộc sống sẽ mãi tốt đẹp như thế, và mục tiêu của chúng tôi là tiếp tục dạy con kỹ năng sống đồng thời tiếp tục cung cấp cho con sự thoải mái.
"Nếu điều đó không hiệu quả, chúng tôi sẽ nghĩ đến việc dần hạn chế một số đặc quyền thường ngày của các con, chẳng hạn như không thuê xe riêng khi di chuyển, thay vào đó chúng phải sử dụng phương tiện công cộng.
Mùa hè, chúng cũng không được thoải mái sử dụng máy điều hòa như trước,... Để rồi từ đó, chúng sẽ phải tự nghĩ cách xoay sở tìm lại điều kiện sống thoải mái nhất mà chúng xứng đáng được thụ hưởng”, Karol Markowicz nói.