Câu chuyện từ nước Mỹ: Cô giáo con may mắn quá, cô bắt được con quỷ lùn

Kelvin Vo (Từ Hoa Kỳ),
Chia sẻ

Ở Mỹ, trước khi học sinh bước vào trung học, trường học trước tiên là nơi dạy trẻ em làm người và cách nhìn nhận cuộc sống đầy trách nhiệm và sự bác ái, tiếp đó mới là kiến thức.

Chỉ trong hai ngày trong thời gian ngắn, dư luận Việt Nam bàng hoàng vì liên tiếp xảy ra những kỷ lục phi nhân tính trong giáo dục, mà lại là giáo dục tiểu học: cô giáo bắt học sinh quỳ gối, cô giáo bắt học sinh uống nước vắt giẻ lau bảng, và làn sóng kinh khủng lên tới đỉnh điểm vào chiều 5/4, với tin học trò đâm thẳng dao vào bụng thầy giáo.

Trước đó, đã từng có cô giáo phạt học sinh bằng cách bắt liếm vết phấn trên ghế cho sạch.

Trong khi phụ huynh sợ hãi và căm phẫn, các nhà giáo dục phân tích những nguyên nhân thực tiễn gần nhất nào đã khiến xảy ra hiện tượng phi giáo dục trong ngành giáo dục này, mời bạn đọc hãy đến một ngôi trường khác. Một ngôi trường mà giáo viên tìm hết cách để phát triển và nuôi dưỡng trí tưởng tượng của học sinh, hoàn toàn đúng nghĩa như nâng niu một chồi non trên cành. Những điểm khác nhau rõ nét và tinh tế giữa các biểu hiện giáo dục giúp bạn nhìn sâu vào gốc rễ: phải chăng sự khác nhau căn bản, những biểu hiện suy thoái trầm trọng của giáo dục Việt Nam bắt nguồn từ điều sâu xa hơn, đó là triết lý giáo dục đã bị định hướng không chính xác?

Câu chuyện này do chính một người cha kể lại những gì xảy ra cho con gái mình. Gia đình anh cũng vừa rời Việt Nam sang Mỹ sinh sống chưa tròn một năm. Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

------

Vài năm trước trên mạng xã hội ở Việt Nam rộ lên câu chuyện vào năm 1968, một bà mẹ ở tiểu bang Nevada (Hoa Kỳ) đâm đơn đi kiện trường học của con gái bà. Lý do sẽ khiến các bà mẹ Việt Nam bổ chửng: vì dạy chữ cho trẻ quá sớm đã làm mất khả năng tưởng tượng của bé.

Bài viết đã gây cảm hứng cho các bậc phụ huynh và đặt ra những chát vấn về phương cách giáo dục trẻ nhỏ ở Việt Nam hiện nay vốn quá thiên về áp đặt và nhào nặn.

Tôi có 2 cô con gái. Khi chúng bắt đầu đi học, câu chuyện của bài báo nêu trên cũng khiến tôi suy nghĩ khá nhiều. Liệu con cái chúng ta đã mất đi sự hồn nhiên và khả năng tưởng tượng phong phú của chúng quá sớm?

Câu chuyện giả tưởng

Câu chuyện từ nước Mỹ: Cô giáo con may mắn quá, cô bắt được con quỷ lùn - Ảnh 1.

Nếu không có sự mơ mộng, tưởng tượng trẻ con sẽ không có sự thơ ngây, hồn nhiên, không có những giấc mơ màu hồng hình thành bởi những câu chuyện cổ tích hay thần thoại bao quanh (Ảnh minh họa).

Thứ duy nhất đưa văn minh của nhân loại tiến xa không ngừng chẳng phải nhờ một sức mạnh siêu nhiên nào đó mà chính từ trí tưởng tượng của loài người, từ những giấc mơ từ thuở bé và niềm tin tuyệt đối đã tùng có.

Hãy thử nghĩ nếu trẻ em không biết mơ mộng hay tưởng tượng, chỉ còn lý tính và cảm xúc khô cứng. Chúng hệt như người lớn chúng ta, không có sự thơ ngây, hồn nhiên, không có những giấc mơ màu hồng hình thành bởi những câu chuyện cổ tích hay thần thoại bao quanh? Cuộc sống này có khác gì thế giới trong bộ phim Matrix đã viễn tưởng nên? Mọi thứ đều được lập trình và sắp đặt? Đó là ác mộng thực sự!

Bạn hãy ngồi vững trên ghế. Tôi kể cho bạn một tin hấp dẫn khác. Ấy là, câu chuyện ở Mỹ được dùng làm dẫn chứng nói trên té ra là của giả!

Nhưng nước Mỹ, nơi đặt quyền trẻ em lên hàng đầu hàng trăm năm qua vẫn bảo lưu quan điểm của họ về giáo dục. Trước khi học sinh bước vào trung học, trường học trước tiên là nơi dạy trẻ em làm người và cách nhìn nhận cuộc sống đầy trách nhiệm và sự bác ái, tiếp đó mới là kiến thức.

Tôi sang Mỹ vì công việc và các con đương nhiên phải đến trường để tiếp tục học. Nhờ kèm các cháu học hàng ngày, do tiếng Mỹ các cháu còn kém, thành ra cả cha lẫn con cùng đi học, mà tôi tìm thấy mình của ngày xưa, đến đỗi đôi khi ngỡ đã quên.

Ở Mỹ, trường học và thầy cô giáo bảo vệ và cổ vũ giấc mơ của học sinh không chỉ để các em có thể nuôi dưỡng nó mà còn giúp củng cố giấc mơ ấy với một thế giới quan đầy màu sắc và sự thánh thiện. Trong khuôn khổ bài viết, khó có thể nói hết những thứ mắt thấy tai nghe hàng ngày, rất sinh động và nhân văn.

Câu chuyện từ nước Mỹ: Cô giáo con may mắn quá, cô bắt được con quỷ lùn - Ảnh 2.

Ở Mỹ, trường học và thầy cô giáo bảo vệ và cổ vũ giấc mơ của học sinh không chỉ để các em có thể nuôi dưỡng nó mà còn giúp củng cố giấc mơ ấy với một thế giới quan đầy màu sắc và sự thánh thiện (Ảnh minh họa).

Con elf biết đi

Ngay từ trước Lễ, hàng ngày, cô giáo kể cho bọn trẻ rất nhiều chuyện cổ tích và thần thoại về Lễ giáng sinh. Cô cũng khuyến khích tụi nhỏ chọn sách chủ đề về Giáng sinh trong thư viện về đọc thêm, vừa để tập đọc, vừa để hiểu hơn.

Đến tháng 11, lớp học được trang trí.

Cô đem vào lớp 1 con elf, giao cho học sinh chăm sóc.

Hàng ngày khi bọn trẻ đã tan học, cô giáo dời con elf tới các vị trí khác nhau.

Câu chuyện từ nước Mỹ: Cô giáo con may mắn quá, cô bắt được con quỷ lùn - Ảnh 3.

Hôm sau vào lớp, bọn trẻ cả thảy đều trầm trồ ngạc nhiên khi thấy hóa ra elf tự di chuyển được như thể một vật thể sống.

Hôm sau vào lớp, bọn trẻ cả thảy đều trầm trồ ngạc nhiên khi thấy hóa ra elf tự di chuyển được như thể một vật thể sống (ha ha).

Khoảng 2 tuần trước kỳ nghỉ Lễ Giáng sinh, cô yêu cầu học trò tự viết thư cho Ông già Noel về món quà chúng muốn được Santa Claus tặng. Cô cẩn thận bỏ từng bức vào bao thư rồi bảo nhà trường sẽ đem tới USPS (Bưu điện Hoa Kỳ) để chuyển tới tận tay Ông già Noel.

Ngày học cuối cùng trước kỳ nghỉ Giáng sinh, một ông già Noel đến chung vui. Ông ôm một gói quà to tượng trưng và thông báo cho lũ trẻ ông đã gửi quà đến từng lớp, cuối giờ học tụi nhóc có thể nhận quà có ghi tên của mình đem về nhà.

Con gái tôi được hẳn gói quà khá to, tôi phải phụ cháu để mang về. Hôm sau mở ra, đầy quà là quà do các mạnh thường quân trên khắp nước Mỹ quyên tặng thông qua các trung tâm mua sắm về cho Giáo hội và họ phân phát lại cho các trường trực thuộc quản lý của họ.

Cô giáo con may mắn quá, cô suýt bẫy được quỷ lùn

Ngày này có nguồn gốc từ Ái Nhĩ Lan, nhưng được xem là lễ lớn đối với Công giáo. Các lớp học tự trang trí cửa sổ với cỏ ba lá hoặc các họa tiết, hình ảnh tượng trưng. Màu của ngày Thánh Patrick là màu xanh lá.

Lần này cô giáo cho các em về tự làm bẫy quỷ lùn (Leprechaun trap) để đem vào lớp. Cô hướng dẫn vài mẫu rồi để các em tự làm cho mình (cố gắng không nhờ phụ huynh giúp đỡ). Trước khi nghỉ Lễ, mỗi em sẽ phải thuyết minh trước lớp cách cái bẫy của mình hoạt động ra sao để có thể bắt được bọn Leprechaun* tinh ranh nhưng rất tham vàng hoặc bị lôi cuốn những thứ kim loại lấp lánh. Sau đó học sinh sẽ được đem bẫy về nhà.

Sau giờ thuyết trình, lựa lúc bọn trẻ ra chơi lúc nghỉ trưa, cô bỏ vào bẫy của bọn nhỏ những đồng vàng bằng chocolate. Cuối giờ cô bảo bọn trẻ tự kiểm tra bẫy. Ôi trời ơi lũ nhóc vui sướng khôn tả khi thấy có những đồng vàng trong bẫy, và tin chắc chắn bọn Leprechaun đã bỏ lại khi cố thoát ra.

Bẫy của con gái tôi, cô giáo còn cố tình làm hư cầu thang và nói rằng do yêu tinh leo lên làm hỏng. Cô cũng chọc thủng lớp giấy ngụy trang (ái chà, do Leprechaun sụp bẫy). Cô mừng rỡ nói với nó có lẽ con Leprechaun vẫn còn chưa thoát ra được đâu (do bẫy của con gái tôi trông có vẻ khá chắc chắn).

Câu chuyện từ nước Mỹ: Cô giáo con may mắn quá, cô bắt được con quỷ lùn - Ảnh 4.

Leprechaun là con yêu tinh thuộc thần thoại Ireland, thường được mô tả là một ông già với vóc dáng trẻ em, mặc một chiếc áo đỏ hoặc xanh lá cây và thích tham gia vào những trò nghịch tinh quái.

Con gái tôi về tới nhà cứ xuýt xoa kể mãi việc nó đã mừng hụt ra sao khi kiểm tra bên trong bẫy mà không tìm thấy con Leprechaun. Mặt đầy tiếc nuối, nó chìa cho ba xem những đồng vàng chocolate Leprechaun bỏ lại.

Mà có phải chỉ riêng cô giáo chủ nhiệm "xí gạt" bọn nhóc đâu. Cô giáo dạy tập đọc, trước giờ tập học nhóm còn mở tung cửa sổ và bỏ mấy đồng vàng trên bàn rồi reo hò vui mừng khoe với học sinh. Con gái tôi tối đó kể cho mẹ nó nghe giọng đầy ganh tỵ: "Cô Acordy may mắn quá". Tôi bảo nó có thể bọn yêu tinh thích bẫy của con rồi, xem ra mình vẫn còn cơ hội. Thế là con nhóc bỏ cả buổi tối à sửa lại bẫy, dán giấy lại kỹ càng, đem đặt trước cửa phòng với niềm tin cơ hội sẽ tới.

Chỉ là vài chuyện cỏn con như thế, nhưng tôi cảm nhận sự ngây thơ và thánh thiện của con trẻ hóa ra quan trọng vô cùng. Việc giữ gìn và kích thích trí tưởng tượng chúng bay bổng là trách nhiệm của cả gia đình, nhà trường và xã hội. Bởi lẽ hiển nhiên trẻ con không giàu trí tưởng tượng và thiếu niềm tin vào những điều tốt đẹp chung quanh, thì chúng có gì khác bọn người lớn cằn cỗi chúng ta?

* Elf: Người tiên, thần rừng, được miêu tả trong bộ truyện và phim nổi tiếng Chúa tể những chiếc nhẫn.

*Leprechaun (còn gọi quỷ lùn) là con yêu tinh thuộc thần thoại Ireland, thường được mô tả là một ông già với vóc dáng trẻ em, mặc một chiếc áo đỏ hoặc xanh lá cây và thích tham gia vào những trò nghịch tinh quái.

Truyền thuyết kể rằng Leprechaun dành hầu hết thời gian đi làm giày và giấu đi những đồng tiền vàng vào hũ vàng ở phía cuối cầu vồng. Nếu bị con người bắt, Leprechaun sẽ trao cho người ấy 3 điều ước để được trả sự tự do. Do vậy ai cũng mong muốn bắt được Leprechaun để đổi lấy 3 điều ước cho mình.

Chia sẻ