Căng thẳng, stress rất phổ biến ở thai phụ, làm sao để phòng ngừa?

Ánh Tuyết - Hà Trang,
Chia sẻ

Khi thai phụ dễ vui, dễ buồn, dễ cáu gắt hoặc lo lắng, căng thẳng… nhiều người không hiểu, cho rằng bà mẹ phản ứng thái quá hoặc nhõng nhẽo. Nhưng thực ra đó là những vấn đề về sức khỏe tâm thần rất phổ biến ở phụ nữ mang thai.

Mang thai lần đầu, chị Ngọc Mai ở Tân Triều, Hà Nội cảm thấy bản thân có nhiều sự thay đổi về sức khỏe và tâm lý. Tình trạng mệt mỏi, cộng với những thay đổi trên cơ thể, từ da dẻ đến vóc dáng khiến chị Mai cảm thấy không được thoải mái, nhiều lúc còn cảm thấy căng thẳng, stress. Tuy nhiên chị Mai không dám nói với gia đình vì sợ mọi người lo lắng. Chị cũng tự an ủi rằng đó là hiện tượng sinh lý bình thường mà ai cũng gặp phải. Cho nên gần như chị phải tự vượt qua giai đoạn khó khăn đó.

Mặc dù mang thai lần thứ ba nhưng chị Thuỳ Linh - ở huyện Quốc Oai, Hà Nội cũng không tránh khỏi những lo lắng, bất an theo từng mốc của thai kỳ như thai có vào đúng vị trí không, tim thai có gì bất thường không, em bé có bình thường, khỏe mạnh hay không… Chị Linh cũng cảm nhận rất rõ sự ảnh hưởng của trạng thái tâm lý, tình cảm của bản thân tới em bé đang nằm trong bụng. “Mỗi khi tâm trạng của mình vui vẻ, thoải mái, dường như như em bé cũng đạp nhiều hơn” – chị Linh chia sẻ.

Không riêng chị Ngọc Mai và chị Linh, khi mang trong mình một sinh linh bé nhỏ, nhiều chị em trở nên nhạy cảm hơn, dễ vui, dễ buồn, cảm xúc thất thường. Nhiều chị em có biểu hiện căng thẳng về tâm lý, hay những hành vi cáu giận… đôi khi người thân và gia đình không hiểu và cho rằng bà mẹ phản ứng thái quá hoặc nhõng nhẽo. Tuy nhiên, dưới góc độ y học, BS Phan Chí Thành - Trưởng phòng Chỉ đạo tuyến, Bệnh viện Phụ sản TW cho biết, tình trạng căng thẳng stress rất thường gặp ở phụ nữ mang thai và sau sinh. Khoảng 50% phụ nữ trong giai đoạn mang thai và sinh con có thể gặp tình trạng này.

“Trong thời kỳ mang thai, sự thay đổi nội tiết tố là một trong những nguyên nhân chính gây ra căng thẳng. Hormone progesterone và estrogen tăng cao có thể ảnh hưởng đến cảm xúc của phụ nữ, gây ra các cảm giác lo lắng, buồn bã, và dễ cáu gắt. Sự thay đổi về ngoại hình và các triệu chứng khó chịu như buồn nôn, mệt mỏi, và đau lưng, cơ thể nặng nề có thể khiến phụ nữ cảm thấy khó chịu và căng thẳng. Khi mang thai, các bà mẹ cũng rất hay lo lắng về sức khỏe của bản thân và thai nhi. Chỉ cần có một chút bất thường về sự phát triển của em bé là người mẹ cũng có thể rơi vào trạng thái bất an, lo âu…Đó là chưa kể, bà mẹ có thể phải chịu những áp lực từ công việc hoặc lo lắng về tài chính trong việc sinh con và nuôi con” – BS Phan Chí Thành phân tích.

Căng thẳng, stress rất phổ biến ở thai phụ, làm sao để phòng ngừa? - Ảnh 1.

Tình trạng căng thẳng, stress rất thường gặp ở phụ nữ mang thai

Tình trạng căng thẳng, stress kéo dài không chỉ gây ảnh hưởng đến tâm lý, tinh thần của người mẹ trong giai đoạn mang thai và sinh con mà còn có thể để lại hậu quả trực tiếp, lâu dài đến sức khỏe của mẹ và em bé.

“Ví dụ căng thẳng, stress sẽ làm tăng nguy cơ đái tháo đường ở phụ nữ mang thai. Bởi vì khi cơ thể stress, những hormon như adrenalin hay cortisol được giải phóng vào máu khiến nhịp thở của bệnh nhân tăng cao. Do vậy, máu đến nhiều hơn ở ngoại biên và cơ thể không thực hiện chuyển hóa glucose nên đường huyết tăng cao. Thai phụ bị stress sẽ có thể kèm theo những biểu hiện như rối loạn giấc ngủ, đau đầu, tim đập nhanh, mệt mỏi, tăng nguy cơ cao huyết áp...Căng thẳng, stress cũng làm tăng nguy cơ sinh non trong những tháng cuối của thai kỳ. Đối với thai nhi, khi bà mẹ có những bất ổn về tâm lý một cách thường xuyên thì bé sẽ không được phát triển khỏe mạnh, dễ bị nhẹ cân có thể chậm phát triển hoặc nguy cơ cao bị tự kỷ, tăng động hay trầm cảm sau khi chào đời” – BS Phan Chí Thành cho biết.

Để phòng ngừa và kiểm soát tình trạng căng thẳng về tâm lý trong quá trình mang thai và sinh nở, bác sĩ Phan Chí Thành khuyên các bà mẹ nên quan tâm, chăm sóc bản thân thật tốt, dành thời gian để thư giãn và nghỉ ngơi, ăn uống đầy đủ, ngủ đủ giấc. Khi có cảm giác lo lắng, căng thẳng, người mẹ nên chia sẻ với người thân trong gia đình, khi muốn khóc hãy khóc để giải tỏa tâm lý, không nên gồng mình cố chịu đựng. Các bà mẹ cũng có thể khám chuyên khoa sức khỏe tâm thần hoặc gặp chuyên gia tâm lý, thực hiện sàng lọc hoặc tư vấn để phát hiện sớm những vấn đề về sức khỏe tâm thần, từ đó có biện pháp can thiệp phù hợp, tránh xảy ra nguy cơ trầm cảm sau sinh.

Bên cạnh đó, sự quan tâm, chăm sóc của các thành viên trong gia đình đối với thai phụ cũng rất quan trọng. "Đôi khi chỉ cần một lời nói an ủi, động viên của người chồng hay người thân trong gia đình thôi cũng giúp thai phụ cảm thấy bớt cô đơn, giảm lo âu, căng thẳng và cảm nhận trọn vẹn niềm hạnh phúc khi làm mẹ" - BS Phan Chí Thành hướng dẫn.

Chia sẻ