Sống thờ ơ vì bố mẹ cấm chơi với nhau
Cứ mỗi khi thấy hai đứa trẻ tranh giành nhau đồ chơi là chị Liên lại không nén nổi bực tức. Hai đứa “trứng gà trứng vịt”, hơn nhau có một tuổi nên chuyện giành đồ chơi của nhau là hết sức bình thường. Thế nhưng, vì cả ngày chăm con đã mệt mỏi, nay lại luôn phải làm trọng tài giữa hai đứa trẻ làm chị Liên như muốn nổ tung đầu.
Thời gian đầu chị còn phân xử và giải thích cho các con là anh em thì phải nhường nhịn nhau, sau vì con vẫn chứng nào tật nấy mà chị Liên không nói năng nhiều, cứ tranh giành hay đánh cãi nhau là chị lấy roi ra đánh cả hai đứa. Dần dần, vì muốn được nhẹ đầu, chị bắt mỗi đứa ngồi chơi một góc, phân chia đồ chơi riêng, cấm cho động chạm vào đồ chơi của đứa kia, đứa nào vi phạm sẽ bị đánh đòn. Những ngày đầu hai đứa còn không nghe lời mje, thỉnh thoảng chạy ra chơi đồ chơi của nhau và lại đánh nhau. Nhưng sau thấy mẹ phạt đánh đòn thật nên chúng răm rắp chơi ở “khu vực” riêng của mình, không động chạm đến đứa còn lại.
Thấy các con nghe lời, chị Liên mừng lắm và nghĩ mình thật thông minh khi nghĩ ra cách này. Nhưng rồi chỉ sau một thời gian ngắn chị đã nhận ra mình sai, vì hai cậu con trai của chị tự nhiên trở nên không thân nhau nữa, có thứ gì là chúng khư khư giữ cho riêng mình, cũng không giúp đỡ anh giúp đỡ em. Và đặc biệt chị Liên thấy hai con có vẻ chậm chạp và kém thông minh hơn trước, vì chúng đều không có những “phát kiến” hay “sáng tạo” ngộ nghĩnh như hồi còn chơi cùng nhau nữa.
Thực tế cho thấy, những đứa trẻ có quan hệ ruột thịt thì thường chành chọe nhau nhiều hơn. Nhưng đó là bởi chúng hiểu rõ anh chị em mình và hiểu rằng dù có chuyện gì xảy ra thì anh chị em mình vẫn ở bên mình và dù có hay chành chọe nhau thì chúng cũng gắn bó với nhau hơn so với những trẻ chỉ ngồi chơi một mình.
Khen con làm con dốt đi
Thấy con thông minh cha mẹ nào cũng mừng và cũng muốn tỏ ra con mình thông minh hơn hẳn những đứa trẻ khác. Để chứng tỏ điều này, không ít bậc cha mẹ không tiếc lời khen cho mình, mặc cho người khác có phản ứng thế nào đi nữa.
Vợ chồng chị Hà sau một thời gian dài mới sinh được một thằng cu kháu khỉnh. Từ ngày có con, cả nhà chị vui hớn hẳn. Khỏi phải nói, có cháu đích tôn, ông bà nội vui đến thế nào. Thế là từ đó, mọi câu chuyện của cả nhà chỉ xoay quanh thằng bé. Từ hồi thằng bé còn nằm ngửa, ông bà nội đã không ngớt lời khen: “hay ăn lắm, ăn suốt ngày, ăn nhiều hơn những đứa khác chẳng khóc gì cả, chẳng tè ị bừa bãi…”.
Đến khi thằng bé biết bò, biết đi thì lại được cả nhà khen là: “nhanh biết đi lắm, đi vững lắm, vừa biết đi đã biết chạy…” trong khi 14 tháng thằng bé mới biết đi, biết đi rồi mà cũng mới chỉ mọc được 4 cái răng. Những người nuôi con nhỏ có một chút kinh nghiệm khuyên vợ chồng chị Hà nên đưa con đi khám vì có thể bé bị thiếu canxi, nhưng vợ chồng chị khăng khăng gạt đi và cho rằng “ăn nhiều thế làm sao thiếu canxi được”. Thằng bé biết nói thì nói khá nhiều nhưng lại ngọng, đến khi đi học thì cũng rất chịu khó phát biểu nhưng lại thường nói sai. Ấy thế nhưng gặp ai cả nhà cũng khoe: “Cháu nó đi học biết nhiều lắm, nhiều hơn các bạn, cô giáo nào cũng khen là nhanh hiểu bài và kì nào cũng được học sinh giỏi”.
Trước mặt khách khứa hay người lạ, vợ chồng chị Hà cũng không tiếc lời khen con. Vợ chồng chị Hà còn có kiểu nhắc đi nhắc lại mọi thứ từ khi thằng bé còn nhỏ khiến thằng bé cứ nghĩ mình là “thần đồng” từ nhỏ nên không cần học nhiều cũng giỏi. Kết quả là 3 năm đi học thì chỉ có 2 năm là nó được học sinh tiên tiến, còn năm thứ ba thì học sinh bình thường.
Lẽ thường cha mẹ muốn khen để động viên con, giúp bé tự tin hơn, nhưng thường xuyên nói với con rằng bé thật sáng dạ sẽ mang lại hiệu quả ngược lại. Nếu cứ liên tục khen con, bạn sẽ khiến chúng nghĩ rằng thông minh là một cái gì đó mà người ta chỉ có thể “có, hoặc không có”. Đến khi gặp chuyện khó, bé sẽ nghĩ rằng mình không “có” thông minh, và chẳng cần phải cố gắng.
Cách tốt nhất là nếu muốn khuyến khích con, hãy ngợi khen những cố gắng, nỗ lực của bé chứ không phải thành quả.