Cẩn trọng với bệnh cúm khi mang thai
Các bệnh truyền nhiễm do virus, vi khuẩn là nguy cơ hàng đầu đối với phụ nữ mang thai, trong đó có bệnh cúm. Bà bầu mắc cúm sẽ mang nhiều hệ lụy cho cả mẹ và con.
Phụ nữ mang thai dễ mắc cúm, tại sao vậy?
Theo TS.BS. Phan Chí Thành (Bệnh viện Phụ sản Trung ương), các bệnh truyền nhiễm do virus, vi khuẩn là nguy cơ hàng đầu đối với phụ nữ mang thai, trong đó có bệnh cúm.
Cũng giống như những người bình thường khác, khi mắc cúm dấu hiệu và triệu chứng của cúm ở phụ nữ mang thai cũng bao gồm sốt, ho, đau họng, chảy mũi nước hay nghẹt mũi, đau mình, đau đầu và ớn lạnh…
Bệnh cúm mùa tiến triển thường lành tính, nhưng cũng có thể biến chứng nặng và nguy hiểm hơn ở những người bị suy giảm miễn dịch. Sự thay đổi về cơ thể, nội tiết ở phụ nữ mang thai khiến hệ thống miễn dịch của họ bị suy giảm nhiều so với thời điểm bình thường. Cơ thể thai phụ đặc biệt nhạy cảm với các tác nhân gây bệnh nên rất dễ bị nhiễm bệnh.
Bà bầu khi mắc cúm thường nặng hơn và thời gian bị bệnh cũng thường kéo dài hơn... Một biến chứng nguy hiểm của bệnh cúm là viêm phổi do virus, điều này đặc biệt nguy cơ ở phụ nữ mang thai do họ có nhu cầu ôxy lớn hơn bình thường trong khi hệ miễn dịch yếu đi. Tỷ lệ tử vong của cúm cũng tăng lên nhiều đối với phụ nữ mang thai.
Thai nhi sẽ đối mặt với những nguy cơ nào khi người mẹ mắc cúm?
Bị cúm khi mang thai là một trong những nỗi lo sợ nhất của các bà bầu. Virus của dịch cúm không chỉ khiến thai nhi có nguy cơ bị dị tật (nhất là khi mẹ bị cúm trong vòng 13 tuần đầu của thai kỳ), mà khi sốt cao cộng với độc tính của virus cũng có thể kích thích co bóp tử cung gây sẩy thai, thai chết lưu hoặc sinh non.
Hở hàm ếch, tim bẩm sinh (hở van tim) và một số khiếm khuyết trên cơ thể... là những dị tật bẩm sinh ở thai nhi khi người mẹ bị cúm. Đồng thời đã có những khẳng định về mối tương quan giữa sự nhiễm cúm của người mẹ khi mang thai với nguy cơ rối loạn tâm thần ở trẻ. Não bộ của thai nhi rất dễ bị tổn thương do bệnh cúm của người mẹ trong 5 tháng đầu. Đó là do các kháng thể cúm của mẹ lọt qua nhau thai và tác động xấu đến hệ miễn dịch còn non nớt của bào thai. Cộng với sự hiện diện của gene của virus cúm và thân nhiệt của mẹ tăng cao khi bị bệnh, là những yếu tố tác động xấu đến não bộ của thai nhi. Ngoài ra, các thuốc trị cúm cũng có ảnh hưởng xấu đến hệ thần kinh trung ương của bào thai.
Tuy nhiên, thai phụ mắc cúm trong giai đoạn từ tuần thai thứ 12 đến 25 ít ảnh hưởng nghiêm trọng đến thai nhi hơn các giai đoạn khác. Còn nếu mắc cúm trong giai đoạn từ tuần thứ 25 trở đi cần đề phòng sinh non.
Phòng tránh cúm cho thai phụ như thế nào?
Phụ nữ mang thai hoặc có ý định mang thai có thể tiêm phòng vaccine cúm. Đó là nguyên tắc quan trọng nhất trong việc phòng tránh cúm.
Với những người đang mang thai nên hạn chế tiếp xúc với người thân nghi ngờ hoặc đang điều trị cúm vì cúm là bệnh lây truyền trực tiếp từ người bệnh sang người lành thông qua các giọt bắn khi mình tiếp xúc, nói chuyện hoặc hắt hơi. Bên cạnh đó, đối với phụ nữ mang thai, việc nâng cao thể trạng chăm sóc sức khỏe thai kì và chăm sóc sức khỏe nói chung là đặc biệt quan trọng. Nên có chế độ ăn, uống hợp lý, bổ sung các vi chất cũng như các nhóm vitamin, đặc biệt là vitamin nhóm C có thể giúp tăng đề kháng, bổ sung miễn dịch. Bà bầu phải luôn luôn giữ gìn sức khỏe, hạn chế ra ngoài trời khi mưa nắng thất thường và những nơi công cộng. Trong khi ngủ, nên đề phòng bị ngạt mũi bằng cách không nằm thẳng luồng gió thổi vào mặt, quàng cổ với khăn mỏng.
Điều trị cúm cho phụ nữ mang thai
Đối với phụ nữ mang thai mà không may nhiễm cúm thì điều trị sẽ tập trung vào điều trị triệu chứng. Hầu hết bệnh cúm có thể được theo dõi tại nhà, tuy nhiên khi có các triệu chứng sốt cao, đau mỏi người nhiều và bệnh có xu hướng nặng lên hoặc ho kèm theo có đờm thì nên đến khám và điều trị theo phác đồ của bác sĩ chuyên khoa tại bệnh viện.
Đối với những phụ nữ mang thai, khi điều trị tại nhà cần lưu ý chế độ dinh dưỡng, ăn uống, nghỉ ngơi giữ gìn sức khoẻ. Có thể sử dụng thuốc hạ sốt trong trường hợp bệnh nhân sốt cao từ 38 độ trở lên, vì sốt có thể ảnh hưởng đến cơn co tử cung, dấu hiệu chuyển dạ làm tăng nguy cơ sảy thai và tăng nguy cơ sinh non. Bên cạnh đó, sản phụ có thể sử dụng các thuốc làm giảm nghẹt mũi, giảm chảy nước mũi cũng như các thuốc giảm đau thông thường khác. Đặc biệt, sản phụ cần khám thai thường xuyên, làm các sàng lọc để đánh giá sự bất thường về hình thái của thai nhi.
Điều trị cúm mùa có nhiều phương pháp nhưng với tính tiện lợi và hiệu quả cao, các loại thuốc dạng đường uống luôn được nhiều bà mẹ ưu tiên lựa chọn. Đa số các loại thuốc điều trị cúm hiện nay đều đã qua kiểm nghiệm và an toàn với phụ nữ mang thai. Các loại thuốc hạ sốt, giảm đau thông thường đều có thể sử dụng trong điều trị triệu chứng cảm cúm từ nhẹ tới vừa. Tuy nhiên các bác sĩ khuyến cáo, phụ nữ mang thai trước khi sử dụng bất kỳ loại thuốc gì trong điều trị bệnh cần có sự hướng dẫn, kê đơn của bác sĩ để tránh những biến chứng nguy hiểm không đáng có xảy ra.