Cẩn thận tai nạn ở trẻ nhỏ mùa mất điện

,
Chia sẻ

Trời nóng ngột ngạt lại mất điện kéo dài khiến chị Lan (Nghĩa Tân) quyết định cho con đi bơi, đi “tránh nóng”… nhưng vốn rất hiếu động, nên cu Bi không ít lần bị tai nạn.

Để tránh cái nóng như đổ lửa và mất điện kéo dài, các phụ huynh lựa chọn cho con đi bơi ở công viên nước, hồ bơi,.. để vui chơi. Việc vui chơi tất nhiên sẽ giải quyết được vấn đề nóng hiện tại, trẻ không quấy khóc nhưng kèm với đó là rất nhiều nguy cơ rình rập.
 
Với bản tính hiếu động, bố mẹ không thể chạy theo quản lý con cái nên nhiều khả năng trẻ sẽ gặp phải tai nạn đáng tiếc ở các khu vui chơi. Hơn nữa, đi ra ngoài nhiều kéo theo đó là việc cả nhà ăn uống ở hàng quán nhiều. Nắng nóng khiến thực phẩm dễ ôi thiu và vấn đề vệ sinh thực phẩm không an toàn ở các nhà hàng làm gia tăng nguy cơ trẻ bị ngộ độc thực phẩm.
 
Vấn đề đặt ra chính là làm sao vừa cho con vui chơi, tránh nóng được, vừa đảm bảo an toàn cho con trước những tai nạn bất ngờ?
 
Ngộ độc thực phẩm
 
Tránh cho trẻ ăn quà vặt, đồ quá lạnh...
 
Bộ máy tiêu hóa của trẻ nhỏ vẫn chưa phát triển hoàn thiện nên khi tiếp nhận những thực phẩm ôi thiu, nhiễm khuẩn… do nắng nóng mùa hè, trẻ rất dễ bị ngộ độc.
 
Để tránh ngộ độc cho con, bố mẹ có thể lựa chọn giải pháp nấu cơm sẵn ở nhà trước khi đi chơi và sau đó cho con về ăn. Hoặc nếu không tiện, có thể mang theo thức ăn cần thiết cho con. Tránh cho trẻ ăn các món quà vặt, nhất là đồ lạnh như nước ngọt, nước mía, kem… để tránh bị viêm họng, cảm lạnh.
 
Nếu thấy con có dấu hiệu: đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy, sốt cao, mất nước… sau khi ăn thì nhiệm vụ quan trọng đầu tiên là bố mẹ phải bù lượng nước mất kịp thời, đồng thời đưa ngay con đến bệnh viện. Không nên tùy tiện cho trẻ uống thuốc tiêu chảy khi trẻ có dấu hiệu tiêu chảy.
 
Tai nạn dưới nước
 
Tai nạn thường gặp nhất ở trẻ khi đi bơi ở công viên nước, hồ bơi là bị ngạt nước, khiến nước tràn vào phổi, dạ dày, dẫn đến trẻ nghẹt thở và tử vong.
 
Khi cho con đi bơi, phụ huynh cần luôn luôn quan sát và ở bên cạnh trẻ nhỏ, không nên cho trẻ ngâm mình trong nước quá lâu, khoảng 20 phút cho con lên bờ nô đùa và sau đó quay trở lại bể bơi. Trước đó nên dạy con học bơi và khởi động kỹ chân tay để không bị chuột rút khi xuống nước.
 
Nếu thấy con có dấu hiệu ngạt nước, cần nhanh chóng đưa trẻ ra khỏi nước và sơ cứu, hô hấp nhân tạo, và đưa trẻ nhập viện để tránh suy hô hấp.
 
Phụ huynh nên ở cạnh con khi đi bơi.
 
Bỏng
 
Mất điện nên nhiều phụ huynh lựa chọn sử dụng các dụng cụ tích điện như quạt, bóng điện… kèm với đó là điện luôn chập chờn do nhảy automat khiến các dụng cụ này rất dễ bị chập, gây cháy nổ.
 
Để phòng tránh, các phụ huynh nên để con tránh xa các vùng ổ cắm, đồ điện… trẻ nhỏ vốn hiếu động, thích tìm hiểu nên không nên để trẻ ngồi chơi một mình trong phòng có các dụng cụ điện dễ cháy nổ.
 
Nếu trẻ bị phỏng, đau rát da thì phụ huynh cần sơ cứu trước khi bôi các loại thuốc làm dịu vết bỏng. Chỉ cần rửa vết  bỏng bằng nước lạnh và tuyệt đối không trị phỏng theo các cách truyền thống như bôi nước mắm, giấm, kem đánh răng… lên vết thương. Trường hợp phỏng quá nặng, cần đưa ngay trẻ đến bệnh viện để được điều trị kịp thời.
 
Thùy Anh
(Tổng hợp)
Chia sẻ