Căn bệnh nguy hiểm khiến nhiều mẹ bầu lo lắng
Chế độ ăn uống không hợp lý trong thời gian mang thai có thể gây ảnh hưởng tới sức khỏe của cả bà bầu lẫn thai nhi, đặc biệt là khiến mẹ mắc nguy cơ bị tiểu đường thai kỳ.
Meta Content NỀN TẢNG HẠNH PHÚC là dự án đồng hành cùng các bậc cha mẹ Việt và toàn xã hội với mục đích tạo dựng môi trường hạnh phúc cho những đứa trẻ, góp phần tạo nên một thế hệ khoẻ mạnh và hạnh phúc. Một đứa trẻ nhận được đủ sự yêu thương và lớn lên trong môi trường hạnh phúc sẽ có khả năng xử lý cảm xúc, tư duy logic và đương đầu với khó khăn hơn là một đứa trẻ thiếu thốn tình cảm.
Với dự án này, chúng tôi mong muốn được lan tỏa thông điệp "Đứa trẻ hạnh phúc là hạt nhân của một xã hội bền vững". Đây không chỉ là nhiệm vụ trực tiếp của bố mẹ mà cần sự đồng hành, chung tay của toàn xã hội.
Trong khi nhiều mẹ bầu trải qua giai đoạn mang thai khá dễ dàng thì không ít chị em phải đối mặt với rất nhiều nguy cơ liên quan đến sức khỏe trong thời kỳ này. Một trong số những căn bệnh khá nguy hiểm thường được nhắc tới khi mang thai đó là tiểu đường thai kỳ. Nếu không được phát hiện sớm và chữa trị kịp thời thì bệnh này sẽ gây ra nguy hiểm cho cả mẹ bầu lẫn thai nhi trong bụng.
Phát hiện sớm bệnh vào khoảng từ tuần 24 đến tuần 28 của thai kỳ, mẹ bầu sẽ nhận được các lời khuyên hữu ích từ bác sĩ. Không ít mẹ bầu sau khi được điều chỉnh chế độ ăn uống đã khỏi bệnh và thai nhi chào đời khỏe mạnh, an toàn. Dưới đây là câu chuyện của 3 bà mẹ mắc tiểu đường thai kỳ, hy vọng sẽ có ích cho các mẹ trên hành trình mang thai.
Mẹ bầu hoàn toàn không ăn cơm tối, chỉ một gói mì tôm cũng nguy hiểm
Khi mang thai ở tuần thứ 24, chị Kiều Trang (31 tuổi, sống tại Hà Nội) làm xét nghiệm tại bệnh viện và phát hiện mắc tiểu đường thai kỳ. Cảm giác hoang mang ập đến với mẹ bầu khi trước đó chị Trang ăn uống khá hạn chế và tuyệt đối không ăn bánh ngọt.
Suốt vài tháng đầu, ngoài việc dễ nôn khi ngửi thấy mùi cá tanh và không ăn được chuối thì thai kỳ của bà mẹ trẻ diễn ra khá suôn sẻ và thuận lợi, có thể ăn được hầu hết các loại thực phẩm. Bên cạnh đó, sức khỏe chị cũng bình thường, không ốm đau hay mệt mỏi, thế nên việc mắc tiểu đường thai kỳ nằm ngoài phán đoán của bà mẹ 1 con.
Tuy nhiên, khi làm xét nghiệm máu ở giai đoạn 3 tháng đầu thì chỉ số đường huyết của chị Trang đã tương đối cao, bác sĩ dặn cần phải chú ý trong vấn đề ăn uống. Đúng tuần thứ 24 đi khám thì bà mẹ trẻ đã thực sự mắc phải căn bệnh này.
"Cảm giác lúc đó là vô cùng hoang mang, bầu bí mà, nhiều lúc mình tự nhiên thèm khủng khiếp một cốc trà sữa, cái bánh su kem, nhưng đều bóp mồm bóp miệng không ăn. Thế mà vẫn bị tiểu đường. Theo bác sĩ, tiểu đường thai kỳ không điều trị thì sẽ ảnh hưởng đến con, thành ra mình lại càng sợ.
Chồng mình trấn an là bệnh này chỉ cần thay đổi chế độ sinh hoạt và ăn uống là có thể chữa rồi, yên tâm. Thế nhưng mình ăn đồ gì như hoa quả hay tinh bột là anh quay ra nhìn như cảnh sát ý. Bên cạnh đó, bác sĩ nói mình cần thay đổi chế độ ăn và mua máy đo đường về đo. Nếu sau 1 tuần không thuyên giảm thì nhập viện để tiêm insulin", chị Trang kể lại.
Sau đó, chị Trang tự tìm hiểu các tài liệu đáng tin cậy và tìm một vài huấn luyện viên dinh dưỡng, tuy nhiên không hiệu quả. Bà mẹ 1 con mong sẽ có một thực đơn phù hợp và được hướng dẫn lượng thức ăn cơ bản như mỗi bữa nên ăn 1/2 chén cơm trắng, 100 gram đạm đỏ hoặc 120 gram đạm từ cá, gà...
Dựa vào những kiến thức đã biết, chị Trang tự xây dựng một chế độ dinh dưỡng cho bản thân, cụ thể như sau:
- Chuyển từ ăn gạo trắng sang ăn gạo lứt với các bữa ở nhà, hôm nào ra hàng thì ăn 1 chén cơm trắng nhỏ, ngoài ra 100% bữa tối không ăn cơm.
- Ăn các loại hoa quả có GI < 50, ăn nhạt hơn, các bữa phụ thì uống sữa ít đường và ăn các loại hạt.
- Những lúc đói bụng mà lượng calo và đường đã nạp đủ rồi thì ăn dưa chuột và củ đậu. Bữa tối phải xong trước 19h và khoảng 22h uống thêm cốc sữa bầu.
- Đo chỉ số đường huyết tại nhà. 1 ngày 5 lần đo vào lúc: sáng ngủ dậy, sau ăn sáng 1 giờ, sau ăn sáng 2 giờ, sau ăn trưa 2 giờ, sau ăn tối 2 giờ.
"Ngày nào mà mình ăn đúng quy định thì chỉ số đường tốt lắm, cả nhà đều vui. Mình nhớ có hôm đi du lịch, vì mang thiếu đồ ăn mà đêm đói quá mình ăn bát mỳ tôm, kết quả là sáng hôm sau đường cao vút, sợ hãi luôn. Tiểu đường thai kỳ phải hạn chế ăn uống, kiêng khem rất nhiều. Bữa trưa tự ăn 1 mình thì mình thấy rất ngon lành, vui vẻ. Những bữa nào mà đi liên hoan với công ty hay ăn cơm cùng gia đình mà mọi người ăn mấy món khoái khẩu nhiều đường xíu là mình thèm lắm.
Lời khuyên của mình là các mẹ hãy mua cái máy đo đường về và tự đo, xây dựng 1 chế độ ăn uống lành mạnh đủ chất, giữ tinh thần vui vẻ thoải mái, tập thể dục hàng ngày. Còn với các mẹ đã tự thay đổi chế độ dinh dưỡng nhưng kết quả đo đường các chỉ số vẫn vượt ngưỡng cho phép thì nên đến viện cân nhắc việc nhập viện tiêm insulin", bà mẹ trẻ tâm sự.
Thai nhi tăng trưởng chậm vì mẹ mắc tiểu đường thai kỳ ăn kiêng không đúng cách
Chị Trang (27 tuổi, sống tại Hà Nội) chia sẻ vào khoảng tuần thứ 26, chị đi test tiểu đường thai kỳ và phát hiện mình đã mắc căn bệnh này. Dù đã đọc nhiều tài liệu và thấy hiện tại tỉ lệ các mẹ mắc tiểu đường khá cao nhưng bà mẹ trẻ vẫn không tránh khỏi lo lắng.
"Vấn đề dinh dưỡng để nuôi dưỡng bào thai là điều cực kì quan trọng. Trước đó, mình đi khám bác sĩ sản và nội tiết nhưng chỉ khám khá sơ sài nên mình ăn kiêng không đúng cách, kết quả là em bé đã chậm tăng trưởng so với tuần tuổi thai. Mình và chồng rất lo lắng và cực kỳ stress. Sau đó mình đi khám dinh dưỡng, ở đó các bác sĩ khám và xây dựng thực đơn riêng cho mỗi người dựa vào tình hình sức khoẻ và kết quả xét nghiệm máu xem mẹ đang thiếu - thừa chất gì.
Chế độ ăn của mình vẫn duy trì ăn đầy đủ chất kể cả tinh bột nhưng tỉ lệ thức ăn dựa theo bác sĩ dinh dưỡng chỉ định. Nguyên tắc của chế độ ăn khi mẹ bị tiểu đường thai kỳ là: chia nhỏ bữa ăn. Thay vì ngày ăn 3 bữa, bạn nên ngày ăn 4-5 bữa. Kể từ lúc ăn kiêng tới lúc sinh mình luôn tự kiểm tra đường huyết và sau sinh kiểm tra lại thì mọi thứ đã trở lại bình thường, mình đã khỏi tiểu đường thai kỳ", chị Trang chia sẻ thêm.
Trước đó, rất nhiều người nghĩ rằng khi bị tiểu đường chỉ cần ăn kiêng, cụ thể là giảm tinh bột hay ăn càng ít càng tốt. Thế nhưng với mẹ bầu, nguồn dinh dưỡng rất quan trọng để nuôi cả thai nhi trong bụng, thế nên nếu mẹ ăn quá ít thì sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến cân nặng và sức khỏe của con.
Lời khuyên mà chị Trang đưa ra cho các mẹ bị mắc tiểu đường thai kỳ là: "Nếu các mẹ còn chưa biết ăn kiêng đúng cách thì nên đi khám dinh dưỡng để xây dựng thực đơn cho riêng mình. Và nếu có điều kiện nên khám luôn khi biết mình có thai để có 1 chế độ ăn tốt, đủ dinh dưỡng cho cả mẹ và bé, tránh tiểu đường thai kỳ và ăn vào con không vào mẹ".
Ngoài ra, bà mẹ trẻ cho biết các bà bầu đừng vì chủ quan mang thai lần 2, 3 hoặc bị bận bịu mà bỏ qua các mốc khám thai quan trọng. Bên cạnh đó, mẹ bầu cần giữ sức khỏe, tập thể dục nhẹ nhàng như đi bộ hoặc một số bài tập phù hợp cho bà bầu so với tuần thai ở thời điểm tập.
"Có một chế độ ăn uống và luyện tập phù hợp sẽ giúp mẹ khỏe, con khỏe mà sau sinh mẹ vẫn giữ được dáng vóc cũ. Mình sinh thường và quá trình sinh cũng diễn ra khá thuận lợi. Hiện tại bé nhà mình đã được 5 tháng. Trộm vía con rất ngoan ngoãn, đáng yêu", bà mẹ trẻ tâm sự.
Suýt phải tiêm insulin vì mắc tiểu đường, mẹ bầu lập tức thay đổi điều này
Chị Dương Thị Hải Yến (sinh năm 1995, sống tại Hà Nội) chia sẻ khi thai nhi được khoảng 16 tuần, chị Yến đi khám thì phát hiện bản thân mắc tiểu đường thai kỳ. Lúc này bác sĩ lập tức khuyên chị buộc phải điều chỉnh chế độ ăn uống nếu không sẽ phải tiêm insulin do lượng đường trong máu tăng cao.
Vì sợ tiêm và cũng để đảm bảo sức khoẻ của con, chị Yến tự cải thiện các bữa ăn hàng ngày của mình. Ngoài ra, bà mẹ 1 con còn tự mua máy về test lượng đường sau mỗi bữa ăn.
''Mình ăn uống như bình thường, hạn chế tinh bột, dầu mỡ. Mình ăn đúng chuẩn eat clean (ăn sạch) chứ không phải chỉ ăn rau không. Nếu ăn ít bé sẽ không có đủ chất dinh dưỡng để phát triển, thế nên mẹ bầu nên ăn đủ các món như thịt, cá, trứng... Chỉ sau 2 tuần thay đổi chế độ ăn, lượng đường trở lại ổn định và duy trì cho đến tận lúc sinh con.
Một số món ăn của bà mẹ 1 con trong quá trình mang thai để giảm lượng đường trong máu.
Mình tự test và gửi kết quả online cho bác sĩ, chỉ số ổn thì họ cho phép mình điều chỉnh tại nhà. Nhiều mẹ bầu nghĩ ăn eat clean không ngon nhưng thực ra là rất dễ ăn. Chế độ ăn uống này giúp mình cảm thấy khoẻ mạnh hơn, an toàn hơn và đặc biệt là cũng rất ngon miệng nữa'', chị Yến tâm sự.
Hiện tại, bé nhà chị Yến đã được hơn 5 tháng, trộm vía ngoan ngoãn, khoẻ mạnh. Với các mẹ bầu cũng gặp phải tình trạng tiểu đường thai kỳ, chị Yến đưa ra lời khuyên: ''Ai bị tiểu đường thai kỳ đều biết nguy hại của nó, đặc biệt trẻ dễ mắc dị tật thai nhi, nên mọi người càng lo sợ hơn. Nhưng thay vì quá lo lắng thì chỉ cần điều chỉnh 1 chút thôi là lượng đường trở về chỉ số tuyệt vời rồi. Mình suýt bị tiêm insulin mà mất có 2 tuần để về chỉ số thôi''.
Trao đổi về vấn đề trên, Ths.BS. Tạ Việt Cường - Phó giám đốc Trung tâm khám, điều trị và chăm sóc sức khỏe sinh sản, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cho biết: "Tiểu đường thai kỳ là bệnh lý nội tiết khá nguy hiểm, diễn biến từ từ, không đột ngột, dẫn đến mọi người có tâm lý chủ quan, không quan tâm tới nó.
Thường với phụ nữ mang thai, có một số thời điểm cần kiểm tra đường huyết. Đầu tiên là trước quá trình mang thai hoặc lúc 12 tuần. Thời điểm này mẹ bầu kiểm tra chỉ số đường huyết để xem có nguy cơ mắc tiểu đường hay không. Nếu không có vấn đề gì thì từ tuần 24-28 sẽ làm xét nghiệm gọi là nghiệm pháp đường huyết. Cụ thể, mẹ bầu cần lấy máu 3 lần, lần đầu vào lúc đói, uống 100g đường gluco, 1 tiếng sau lấy máu lần 2 và 1 tiếng sau nữa lấy máu lần 3.
Nếu chỉ số đường huyết cao hơn bình thường thì các mẹ sẽ được bác sĩ tư vấn điều chỉnh theo dõi chế độ ăn. Trong danh mục có thực phẩm không nên dùng, hạn chế dùng và được dùng. Bên cạnh đó, có bảng theo dõi chế độ ăn uống 7 ngày trong tuần. Qua bảng đó, các mẹ sẽ biết bữa nào mình ăn đúng hay chưa và điều chỉnh sao cho phù hợp.
Trong trường hợp điều chỉnh theo bữa ăn mà vẫn chưa đảm bảo lượng đường huyết về ngưỡng bình thường, các mẹ phải đến gặp bác sĩ nội tiết. Các bác sĩ sẽ thăm khám và có thể để mẹ bầu dùng insulin, tuỳ mức độ đáp ứng sẽ có thuốc phù hợp.
Với mẹ bầu mắc bệnh tiểu đường, ngoài việc kiểm soát tăng đường huyết ra thì còn yếu tố quan trọng là kiểm soát hạ đường huyết. Nếu không ăn kịp thời, tình trạng hạ đường huyết xảy ra có thể gây tình trạng thai lưu, mẹ mang thai cần chú ý điều này.
Nhiều mẹ có chỉ số đường huyết chưa cao nảy sinh tâm lý chủ quan cũng có nguy cơ làm cho mẹ sau sinh hoặc em bé bị mắc tiểu đường hoặc rối loạn chuyển hoá do tiểu đường gây ra.
Với em bé mắc tiểu đường thực sự rất khó điều trị. Những em bé này có nguy cơ hạ đường huyết cao hơn bình thường. Hiện nay với các mẹ đi khám kĩ càng thì việc kiểm soát các bệnh như trên sẽ dễ dàng hơn.