Căn bệnh khiến bé cứ ra ngoài khu vực có hoa chơi là khó thở
Hen suyễn ở trẻ nhỏ thường khỏi khi trên 6 tuổi, điều quan trọng cha mẹ cần biết sớm để có các dự phòng điều trị bệnh.
Chị Nguyễn Thị Nga (Hà Nội) tâm sự con chị năm nay 3 tuổi, bé thường xuyên bị hen suyễn.
Có lần, chị Nga mua hoa ly về cắm nhưng thấy con có hiện tượng khóc, không thở được, chị lo lắng và để bé vào phòng ngủ nằm một lúc bé có dấu hiệu nhẹ hơn.
Có lần cho con ra công viên chơi, chỉ nửa tiếng sau bé có dấu hiệu khóc, khó thở. Chị Nga cho con đi khám bệnh bác sĩ chẩn đoán bé bị hen suyễn từ một tác nhân dị ứng là dị ứng với phấn hoa.
Từ đó, chị không dám cho con ra ngoài chơi đặc biệt là các khu vực có hoa vì bé lên cơn dị ứng và hen suyễn không thở được.
BSCK II Dư Minh Trí – trưởng Khoa Khám bệnh của Bệnh viện Nhi đồng Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết trẻ bị hen suyễn khác hoàn toàn với viêm phế quản. Mùa đông xuân càng có nhiều trẻ vào viện vì cơn hen cấp tính. Các chất ô nhiễm trong môi trường cộng với việc tiếp xúc nhiều tác nhân dị ứng có trong thức ăn và thế giới xung quanh chính là thủ phạm âm thầm gây hen suyễn ở trẻ.
Bản chất của hen suyễn liên quan tới dị ứng và được di truyền từ thế hệ trước. Nếu trong nhà có cha mẹ, ông bà, anh chị bị hen suyễn thì bé cũng dễ bị hơn. Gen dị ứng này nếu biểu hiện ở mũi thì viêm mũi dị ứng, ở da thì gây mề đay, hay ở phổi gây hen suyễn.
Hen suyễn thì bản chất hơi giống bệnh dị ứng lên theo cơn khoảng vài giờ. Khi trẻ lên cơn hen suyễn phế quản co thắt lại và khiến đường dẫn khí hẹp lại bé sẽ khó thở hơn, dấu hiệu hô hấp diễn tiến nhanh hơn.
Ngoài ra, bản thân tiền căn của trẻ bị hen suyễn cũng ít xảy ra một lần, gen này có thể đi theo suốt cuộc đời em bé và lớn lên trẻ tiếp xúc nhiều với dị nguyên đường hô hấp. Tình trạng này có thể do phản ứng miễn dịch với các chất kích ứng (chất dị ứng như khói bụi, phấn hoa và nấm mốc) và những chất ô nhiễm trong môi trường (như khói thuốc lá) gây ra. Thực tế giữa hen suyễn và dị ứng có mối quan hệ mật thiết với nhau. 60% bệnh nhân hen suyễn do dị ứng hoặc sốt gây ra.
Bác sĩ Trí cho biết với trẻ hen suyễn cha mẹ không nên quá lo lắng vì hen suyễn ở em bé không phải hen suyễn mãn tính như ở người lớn. Khi trẻ lớn lên (khoảng 6 tuổi) sẽ mất đi. Vì vậy, các bé ở giai đoạn mầm non lên cơn khò khè, khó thở thì cha mẹ không cần sợ hãi bệnh của con.
Còn trẻ bị viêm phế quản là do nhiễm siêu vi, vi trùng dẫn đến đường dẫn khí phù nề, bít tắc đường dẫn khí và tình trạng viêm nhiễm này diễn tiến sau vài ngày, trẻ kèm theo sốt như môi khô, lưỡi trắng. Trẻ lên cơn khó thở cấp tính đó là hen suyễn không phải viêm hô hấp.
Theo bác sĩ Trí, khi điều trị hen suyễn, bác sĩ sử dụng thuốc qua đường khí dung vì phế quản là phần nhỏ nếu cho uống thuốc thông thường thì qua ruột, hấp thu qua máu rồi vào gan thì đi rất nhiều cơ quan khác nhau chậm tác động tới phế quản hơn nên bác sĩ sử dụng thuốc xông để cắt cơn hen nhanh hơn. Nếu bé có biểu hiện của cơn hen sẽ đáp ứng rất nhanh khỏi các triệu chứng khó thở.
Muốn chẩn đoán hen suyễn, trước đây phải đo độ co giãn phổi nhưng chỉ thực hiện ở trẻ trên 6 tuổi, nhưng hiện tại có thể có máy đo xung động khí để xác định có phải hen suyễn hay không.
BS Trí cho biết thời gian này thời tiết miền Bắc rất lạnh, ngay cả ở TP.HCM vốn thời tiết ấm áp thì mùa đông năm nay vẫn lạnh dưới 20 độ C, khiến trẻ nhỏ bị ảnh hưởng.
Khoảng 1 tháng trở lại đây, bệnh viện ghi nhận nhiều ca trẻ viêm hô hấp và hen suyễn cũng rất nhiều.