Camera ghi lại cảnh bữa tối tan vỡ trong 1 gia đình, cô con gái chịu trận bật khóc: Ám ảnh đến già mất
Có những đứa trẻ dành cả cuộc đời để chữa lành tuổi thơ.

Bạo lực gia đình là một trong những vấn đề nghiêm trọng, ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của trẻ nhỏ. Khi chứng kiến bạo lực xảy ra trong gia đình, trẻ nhỏ đối diện nguy cơ cao chịu ảnh hưởng rất lớn về mặt thể chất và tâm lý. Những nỗi đau có thể đi theo con đến hết cuộc đời và trở thành vết thương khó chữa lành.
Mới đây, mạng xã hội Trung Quốc đang rần rần trước một video quay lại khung cảnh trong một gia đình. Theo như nội dung video đăng tải, cô con gái từ chối bánh của cha, sau đó đã bị cha ném đồ vật vào mặt.
Điều tệ nhất là cả 2 người con đều đã nhìn thấy cảnh bố bạo hành chị gái của mình. Sau đó, em trai đã tiến lên an ủi chị gái và 2 chị em ôm nhau khóc nức nở.
Camera ghi lại cảnh người cha bạo lực con gái ở Trung Quốc. (Nguồn: Douyin)
Được biết, đoạn video trên được quay vào buổi tối. Cha mẹ của 3 đứa trẻ đã sống ly thân được hơn 6 năm, và những khoản tiền chu cấp đều do một mình mẹ của đứa trẻ kiếm sống.
Không hiểu trước đó gia đình đã xảy ra mâu thuẫn gì mà khiến cho người cha bỗng dưng tức giận đến vậy. Tuy nhiên, dù với lý do nào thì việc ném đồ đạc và bạo hành con cái, đặc biệt là trước mặt rất nhiều ngườinhư vậy là không đúng. Điều này sẽ để lại ám ảnh tâm lý bé, khiến cho những đứa con càng thêm sợ hãi, chứ cũng không mang tính giáo dục gì cả.

Người cha giận dữ ném đồ vào mặt con.
Dưới đây là một số bình luận của cộng đồng mạng bên dưới video:
- "Nhìn những tấm bằng khen treo đầy trên tường mà thấy đau lòng. Thành tích chẳng thể lấp đầy khoảng trống của 1 gia đình tan vỡ. Nhìn em trai lặng lẽ lại ôm chị gái mà thấy xót xa làm sao..."
- "Mấy năm trước, mình học online ở nhà cũng bị trầm cảm bởi bố. Có lần bố vào tận phòng và mắng chị em mình. Mình không chịu nổi nữa và gào lên đuổi bố ra ngoài, khoá trái cửa lại và khóc to lắm. Em trai mình ngồi trên giường cũng khóc rất to nhưng cũng không quên an ủi mình là: "Chị đừng khóc, em sợ lắm". Từ đó trở đi mình không bao giờ khóc trước mặt em mình nữa. Mình sợ điều đó trở thành ám ảnh vì em mới học lớp 1 thôi".
- "Có những đứa trẻ dành cả cuộc đời để chữa lành tuổi thơ. Y hệt mình lúc nhỏ, hở một cái là bị đánh. Điều này không thể nào bình thường được nữa. Trẻ con ám ảnh đến già mất".
- "Dù không biết vì sao ông bố làm thế với con, nhưng mà vô tình khiến con tổn thương sâu sắc. Hồi bé mình cũng thường xuyên bị như vậy trong bữa ăn, thỉnh thoảng đang ăn bố cũng vứt hết bát đũa và mâm cơm ra ngoài. Không chỉ từ bố mình, mà cả mẹ lẫn anh trai đều bất ổn như thế. Đến bây giờ mình thật sự không hề hận bố mẹ, chỉ là quãng thời gian không thể nào bù đắp được. Mình đã đi chữa lành nhiều lần, tập sống buông bỏ nhưng điều đó cũng khiến mình sợ hãi và không dám bước vào hôn nhân, sợ đẻ ra rồi không chăm được con cái".
- "Chồng mình chưa bao giờ đánh mắng hay to tiếng với con, chứ đừng nói là đánh thế này. Nhìn cảnh này thấy đau lòng lắm ".

Em trai tiến đến ôm chị gái đang trong tình trạng hoảng loạn.
Cha mẹ đánh mắng con cái ảnh hưởng đến các con thế nào?
Ngày nay, nhiều bậc phụ huynh vẫn tin rằng "thương cho roi cho vọt". Tuy nhiên, việc đánh mắng con cái sẽ để lại những hậu quả to lớn cho trẻ nhỏ, mà đến chính người lớn cũng không nhận biết được.
1. Tổn thương tâm lý sâu sắc
Khi trẻ thường xuyên bị đánh mắng, chúng dễ rơi vào trạng thái tự ti, lo lắng và trầm cảm. Theo một nghiên cứu của Hiệp hội Tâm lý học Mỹ (APA), có đến 75% trẻ em từng bị la mắng hoặc bạo hành cảm xúc cho biết chúng cảm thấy bị cô lập, mất tự tin và có xu hướng thu mình lại.
Những câu nói xúc phạm như "Mày thật ngu ngốc!" hay "Mày làm hỏng mọi thứ!" có thể khiến trẻ dần đánh mất lòng tự trọng và có tâm lý sợ sai, sợ bị phán xét, từ đó ảnh hưởng đến khả năng giao tiếp và xây dựng các mối quan hệ xã hội sau này. Đáng lo ngại hơn, những trẻ này có nguy cơ bị rối loạn lo âu và trầm cảm cao hơn gấp 2 lần so với trẻ được giáo dục bằng phương pháp tích cực.

Ảnh minh hoạ.
2. Gia tăng hành vi bạo lực
Trẻ em học hỏi từ môi trường xung quanh, đặc biệt là cha mẹ – những người gần gũi nhất. Khi cha mẹ sử dụng bạo lực để giải quyết vấn đề, trẻ có thể cho rằng đó là cách hành xử bình thường và tự nhiên áp dụng vào cuộc sống.
Một nghiên cứu của Tổ chức Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) cho thấy, 60% trẻ bị bạo lực gia đình thường xuyên có xu hướng sử dụng hành vi bạo lực để giải quyết xung đột ở trường học và các môi trường xã hội khác. Những trẻ này cũng có nguy cơ tham gia các hành vi chống đối xã hội và thậm chí có khả năng cao phạm tội trong tương lai.
3. Suy giảm khả năng học tập
Nghiên cứu của Đại học Harvard về tác động của bạo lực gia đình lên não bộ cho thấy trẻ bị đánh mắng thường xuyên có sự suy giảm ở vùng hippocampus – khu vực chịu trách nhiệm về trí nhớ và học tập. Thậm chí, trẻ em bị bạo lực có thể giảm đến 20% khả năng tập trung và ghi nhớ thông tin, dẫn đến kết quả học tập kém và khó tiếp thu kiến thức mới.
Những tác động tiêu cực này không chỉ ảnh hưởng trong ngắn hạn mà còn kéo dài đến cả tuổi trưởng thành, khiến trẻ gặp khó khăn trong việc học tập và phát triển sự nghiệp sau này.