Cảm xúc của trẻ: Bố mẹ nên bao dung đến đâu là đủ?
Nuôi dạy con bằng sự thấu hiểu đang là xu hướng được nhiều bậc cha mẹ áp dụng. Tuy nhiên, liệu có nên bao dung với mọi cảm xúc của trẻ, hay đôi khi cần phải uốn nắn chúng?

Trẻ con thường trải qua những cảm xúc rất mãnh liệt, hỗn loạn và thay đổi chóng mặt. Việc chấp nhận thực tế này là một phần tất yếu trong hành trình nuôi dạy con cái. Những năm gần đây, quan điểm “mọi cảm xúc đều chính đáng” đã trở thành kim chỉ nam trong phong cách nuôi dạy con nhẹ nhàng. Nhưng liệu quan điểm này có hoàn toàn đúng?
Một bài đăng trên TikTok của người dùng @baimcpher đã tạo nên làn sóng tranh luận sôi nổi xoay quanh chủ đề này. Trong video, cô chia sẻ thẳng thắn:
“Tôi không tin rằng mọi cảm xúc đều chính đáng. Cảm xúc đôi khi lừa dối chúng ta. Một đứa trẻ 4 tuổi mè nheo cần được bảo rằng: con phải dừng lại. Tôi sẽ không vỗ về khi con cư xử như một đứa trẻ hư – vì đôi khi bọn trẻ thật sự cư xử như vậy. Tôi sẽ không ngồi xuống an ủi và nói rằng cảm xúc đó là ổn… đôi khi con cần được nhắc nhở phải ngừng lại. Kiện tôi đi!”.

Dù mang tính khiêu khích, phát ngôn này đã chạm đến một chủ đề sâu sắc – đâu là ranh giới giữa việc tôn trọng cảm xúc của trẻ và việc nuông chiều?
Nhiều người cho rằng bài đăng đã hiểu sai tinh thần câu nói “mọi cảm xúc đều chính đáng”. Thực tế, câu này thường đi kèm phần tiếp theo: “… nhưng không phải mọi hành vi đều được chấp nhận”. Nói cách khác, cha mẹ nên công nhận cảm xúc của con, nhưng đồng thời giúp con học cách kiểm soát hành vi. Thay vì nói “con không nên cảm thấy như vậy”, việc thừa nhận cảm xúc – dù có vẻ vô lý – lại giúp trẻ học được cách xử lý nó.

Tác giả bài viết chia sẻ kinh nghiệm cá nhân: con út của cô từng tỏ ra cáu kỉnh chỉ vì máy bay không hạ cánh đủ nhanh. Nghe thì vô lý, nhưng khi cô công nhận sự thất vọng đó, bé đã bình tĩnh lại nhanh hơn.
Trẻ em thường có những phản ứng mà người lớn – với vùng não trước trán đã phát triển đầy đủ – cho là không hợp lý. Cô kể thêm: con trai lớn từng òa khóc vì không được chui vào… ngôi nhà búp bê – vốn còn không vừa với một con Barbie. Nhưng vấn đề không nằm ở chỗ cảm xúc có lý hay không, mà là cách người lớn phản hồi những cảm xúc đó.

Phía dưới bài đăng, cộng đồng mạng đưa ra nhiều luồng ý kiến. Có người viết: “Con được phép buồn, nhưng chúng ta không mè nheo. Có nhiều cách giao tiếp tốt hơn”. Một người khác bày tỏ: “Trẻ con không cần được trị liệu cảm xúc từng giây từng phút. Đôi khi cảm xúc rất sâu, nhưng đôi khi chỉ là thoáng qua”. Có người lại phản đối: “Tôi phát ngán với cụm từ ‘cảm xúc mạnh mẽ’ được dùng để bao biện cho hành vi tồi tệ”. Một bình luận hài hước chốt lại: “Tôi biết vài người lớn cũng nên nghe điều này đấy”.
Tựu trung, vấn đề nằm ở sự cân bằng: tôn trọng cảm xúc của trẻ – kể cả những cảm xúc ngây ngô, bốc đồng – nhưng vẫn cần dạy trẻ cách thể hiện phù hợp. Cha mẹ không cần phủ nhận hay đàn áp cảm xúc “vô lý”, mà nên đồng hành cùng con trong việc hiểu và điều tiết cảm xúc. Bởi nếu không, trẻ sẽ lớn lên trong hỗn độn cảm xúc mà không biết cách quản lý chính mình.
Nguồn: Scarymommy