Cách trả lời câu hỏi hóc búa của con
“Sao lại có những người ngủ ngoài đường hả mẹ?”, “Tại sao bố mẹ không ở với nhau?” Những câu hỏi vì sao, tại sao của trẻ thơ đôi khi không dễ trả lời.
Còn quá bé để có thể hiểu được những vấn đề của người lớn, nhưng con cũng đủ lớn để không bị “đánh lừa” bởi những việc khác hay những câu trả lời đại khái. Vậy chìa khóa để bạn có thể trả lời những câu hỏi khó của con thật thỏa đáng nằm ở đâu?
Tại sao bố mẹ luôn cảm thấy thật khó khăn mỗi khi phải trả lời những câu hỏi của con trẻ?
Sở dĩ có sự lo lắng này bởi các ông bố, bà mẹ luôn muốn tìm ra câu trả lời tốt nhất hoặc cách hợp lý nhất để giải đáp cho câu hỏi con đặt ra. Tuy nhiên lại không hề biết rằng, đối với trẻ thơ, việc bạn trả lời câu hỏi đó trơn tru thế nào hoặc logic đến đâu lại không quan trọng bằng việc bạn lắng nghe và dành chút thời gian để suy nghĩ và trả lời những câu hỏi của bé.
Khi bắt đầu biết nói chuyện, bé thường đặt câu hỏi về bất kỳ điều gì mà mình cảm thấy bận tâm. Những câu hỏi của bé thường đơn giản chỉ là những từ đầu tiên hiện ra trong óc, những câu hỏi ngây thơ vụng về mà có thể bản thân bé cũng không hiểu. Tuy nhiên, khi đã đưa ra câu hỏi, bé thường lắng nghe câu trả lời của người lớn một cách rất nghiêm túc.
Đúng vậy, bạn nên đề nghị con “bật mí” cho mình những gì bé nghĩ. Ví dụ trong thời điểm hiện tại, bé đang nghe thấy gì? Bé đang tưởng tượng đến điều gì? Hôm nay đi học, bé nói chuyện gì cùng các bạn ở trường? Hiểu được những suy nghĩ diễn ra trong đầu óc trẻ thơ của con, bạn sẽ biết cách để đưa ra những câu trả lời hợp lý, không bị trái ngược hoàn toàn với suy nghĩ của bé bởi trẻ thơ luôn muốn những điều mình biết và tin tưởng là đúng.
Khi trả lời bất kỳ một câu hỏi nào của con trẻ, bạn cũng nên nhớ nguyên tắc bình đẳng. Không nên tỏ vẻ người lớn và coi nhẹ những câu hỏi của bé, điều này sẽ khiến bé cảm thấy hụt hẫng. Tuy nhiên, trả lời cho bé y như người lớn cũng không phải là một giải pháp hay bởi như thế sẽ vô tình dựng lên ảo tưởng mình đã lớn và không cần phải làm những việc của trẻ con như học đọc, học viết... Tốt nhất là làm thế nào để bé cảm thấy câu hỏi mình đặt ra vẫn được bố mẹ quan tâm trả lời trong khi không quên rằng mình vẫn còn bé. Vì vậy, bố mẹ hãy nhớ trả lời những câu hỏi của bé một cách chân thực, đơn giản mà tinh tế, khéo léo sao cho bé có thể hiểu đúng vấn đề ở mức phù hợp với độ tuổi của mình.
Luôn trả lời mọi câu hỏi, cách tốt nhất để đảm bảo sự trong sáng của trẻ thơ
Tất nhiên, luôn trả lời tất cả các câu hỏi không đồng nghĩa với việc bạn phải nói tất cả mọi thứ, hãy chỉ nói về những gì liên quan, những vấn đề mà bé có thể hiểu được: các khái niệm đơn giản, các chuyện kể trẻ thơ, sự vận hành của trái đất hay những thay đổi vẫn diễn ra trong cuộc sống...
Ví dụ khi nói về một vấn đề nhạy cảm như bố mẹ ly hôn, điều quan trọng là cho bé hiểu rằng trước đây những ông bố bà mẹ đó cưới nhau, sau đó chia tay vì không còn yêu nhau nữa nhưng họ vẫn là bố mẹ, họ yêu con cái mình và rằng họ luôn chăm sóc con mình chu đáo: con cái có thể ở với bố lúc này, sau đó sống với mẹ lúc khác. Khi giải thích như vậy, những vấn đề thường gặp trong những cuộc ly dị như bất đồng, mâu thuẫn, lừa dối, tranh cãi... sẽ hoàn toàn ở lại sau lưng. Con trẻ không hiểu được chuyện của người lớn, đối với bé, đó không khác gì một thứ ngôn ngữ hoàn toàn mới.
Mẹ tham gia trò chơi, rinh quà về cho bé!
Phần thưởng của tuần này là một phần quà trị giá 500 nghìn đồng, gồm 02 gối trái tim và 01 gối vuông xinh xắn cho cha mẹ và con. |