Cách tập cho trẻ đi vệ sinh của các bà mẹ trên khắp thế giới
Không giống như ở Mỹ và Châu Âu, các mẹ ở nhiều nước khác trên thế giới lại luyện cho trẻ đi vệ sinh từ rất sớm. Phương pháp của họ có thể gây sốc cho người phương Tây.
Trung Quốc: Rèn trẻ đi vệ sinh bằng quần xẻ đũng
Ở một số vùng của Trung Quốc, bí quyết rèn trẻ tự đi vệ sinh là ở chiếc quần "độc nhất vô nhị" được gọi là "kai dang ku", nghĩa là quần xẻ đũng. Những chiếc quần xẻ đũng này để hở toàn bộ bộ phận sinh dục và phần mông của trẻ. Khi trẻ muốn đi vệ sinh là có thể đi ngay. Tuy nhiên, bố mẹ quy định khi trẻ muốn đi vệ sinh thì trẻ sẽ tạo ra một âm thanh như tiếng rít nước để làm tín hiệu thông báo.
Chiếc quần xẻ đũng chính là "bảo bối" của các mẹ Trung Quốc (Ảnh minh họa).
Trẻ đi vệ sinh ở đâu? Thường là nhà vệ sinh công cộng. Nếu không có, trẻ có thể sử dụng một thùng đựng rác hoặc một chậu cây. Cuối cùng nếu trẻ "buồn" quá thì có thể đi ở bất cứ nơi nào rồi sau đó bố mẹ sẽ làm sạch.
Điều tuyệt vời nhất mà phương pháp này mang lại là sẽ giảm được số lượng bỉm đóng cho trẻ cũng như rèn luyện cho trẻ sự tự giác, lúc nào có nhu cầu là có thể tự đi không cần nhờ đến bố mẹ. Cũng có nhiều sự bất lợi từ chiếc quần này, nhiều người lo ngại về việc trẻ sẽ bị lạnh khi để hở toàn bộ phần mông như vậy.
Vượt qua nhiều ý kiến trái chiều thì phương pháp này vẫn được rất nhiều mẹ thấy hợp lý và áp dụng. Những đứa trẻ thường được rèn luyện đi vệ sinh vào ngày sinh nhật đầu tiên.
Digo: "Cai bỉm" từ khi lọt lòng
Một bộ lạc ở châu Phi có cách làm tương tự với Trung Quốc. Nhưng khác với các bà mẹ Trung Quốc bắt đầu rèn luyện cho trẻ đi vệ sinh khi trẻ bắt đầu biết đi thì những người Digo bắt đầu tập luyện từ ngay khi trẻ mới sinh.
Các bà mẹ Digo rèn trẻ đi vệ sinh từ khi lọt lòng (Ảnh minh họa).
Sau khi đứa trẻ chào đời, người mẹ Digo thường địu con trước ngực. Họ sẽ dựa vào các biểu hiện của con để nhận biết thời điểm nên cho bé đi vệ sinh. Mẹ sẽ quyết định một ám hiệu dùng để cho trẻ đi vệ sinh. Khi đứa trẻ muốn đi vệ sinh, mẹ sẽ vừa cho trẻ đi vệ sinh vừa tạo ra một âm thanh êm dịu và nhẹ nhàng. Lâu dần hình thành thói quen cho trẻ, bé sẽ đi vệ sinh khi chúng nghe những âm thanh đó.
Kết quả cuối cùng là một đứa trẻ được đào tạo đi vệ sinh từ rất sớm, trong 6 tháng đầu đời thì bé đã không còn phải dùng đến bỉm và có thể đi vệ sinh theo lịch trình do mẹ đặt ra.
Việt Nam: Tiếng "xi xi" thần thánh
Các mẹ Việt Nam ở nông thôn thường được coi là tiêu chuẩn vàng của việc rèn luyện cho trẻ đi vệ sinh từ rất sớm. Các mẹ cũng sử dụng một phản ứng có điều kiện để rèn luyện việc tự đi vệ sinh cho trẻ trong 6 tháng đầu đời.
Tiếng xi xi đã trở nên rất quen thuộc với hầu hết trẻ em Việt (Ảnh minh họa).
Không giống như Digo, các bà mẹ Việt Nam thường xuyên không mặc quần cho trẻ. Các mẹ luôn kè kè bên cạnh và chú ý quan sát trẻ. Sau khi họ hiểu được dấu hiệu của trẻ muốn đi thì các mẹ Việt Nam thường ôm con và giúp con đi vệ sinh bằng những tiếng "xi xi" nho nhỏ và từ đó hình thành nên một thói quen của trẻ, khi nào nghe tiếng "xi xi" thì bé mới đi vệ sinh.
Ở các nước phương Tây, các bà mẹ không quá sát sao với con. Vì vậy, họ sẽ mất nhiều thời gian hơn trong việc rèn luyện kĩ năng này cho trẻ, nhưng thời gian trung bình cho những người sử dụng phương pháp rèn trẻ tự đi vệ sinh này là sau 12 tháng trẻ có thể bỏ được bỉm. Đó cũng là khoảng thời gian chấp nhận được.
Chiến thuật 3 bước giúp bố mẹ rèn con tự đi vệ sinh
Dựa trên tất cả những cách rèn trẻ đi vệ sinh trên, chúng ta đúc rút được một công thức rất ngắn gọn gồm 3 bước mà mọi bà mẹ có thể áp dụng với trẻ nhà mình trong việc rèn luyện thói quen tự đi vệ sinh. Nhưng bạn sẽ phải tập trung vào con của bạn, do đó hãy tạm quên những trò chơi điện tử trong một thời gian:
- Theo dõi các dấu hiệu của con bạn. Chúng có thể bao gồm các biểu hiện trên khuôn mặt, cơ thể, ngay cả việc trẻ rên rỉ, rùng mình, thay đổi nhịp thở của bé.. Đơn giản nhất là bạn để bé cởi truồng, như thế bạn sẽ dễ nhận biết khi nào bé buồn đi vệ sinh hay đơn giản chỉ là bé muốn xì hơi.
- Khi bạn nhìn thấy các dấu hiệu trên thì hãy sử dụng một âm thanh để làm ám hiệu. Ví dụ như tiếng "xì xì", "Omaha"…
- Cho trẻ ngồi vào bô và sử dụng ám hiệu đó.
Nguồn: Fatherly