Cách nuôi trẻ khi mẹ mất sữa

,
Chia sẻ

Vì nhiều lý do, người mẹ có thể bị mất sữa. Để trẻ khỏe mạnh, các bà mẹ cần có những hiểu biết nhất định về cách nuôi trẻ bằng sữa ngoài.

Trẻ phải "ăn no"

Sữa tốt nhất cho trẻ nhỏ (dưới 6 tháng tuổi) là các loại sữa hộp được sản xuất theo công nghệ làm các thành phần của sữa bò đã được thay đổi sao cho giống thành phần của sữa mẹ nhất. Trên thị trường có nhiều sản phẩm này, gọi là sữa công thức 1, sữa dùng cho trẻ dưới 6 tháng tuổi. Khi pha đúng nồng độ thì sữa sẽ có thành phần đạm, đường, béo tương đương với sữa mẹ về số lượng. 

Các hãng sữa thường bổ sung thêm các chất dinh dưỡng vi lượng vào sản phẩm của mình để cải thiện tình trạng dinh dưỡng cho trẻ (bổ sung sắt, vitamin, Taurine, DHA, ARA, probiotic, prebiotic). Tuy nhiên, các chất này chỉ phát huy ưu điểm khi bé bú đủ số lượng sữa. Không nên cố mua một loại sữa quảng cáo có bổ sung các chất trên với giá đắt, vượt quá khả năng kinh tế. Nhưng trung bình trong 6 tháng đầu phải cho trẻ ăn đủ 44 hộp (loại 400g). Vì trẻ phải "ăn no" trước rồi mới đến "ăn ngon".

Trung bình trẻ cần 150ml sữa/kg cân nặng. Tổng số sữa sẽ được chia làm 8 - 10 cữ/ một ngày đêm (bú 8 lần thì lượng sữa 75ml/lần, bú 10 lần thì lượng sữa 60ml/lần). Phụ thuộc vào nhu cầu riêng của từng trẻ. Pha sữa bằng nước ấm khoảng 400 - 500C.

Sữa pha xong phải dùng ngay không để lâu, vì để quá 2 giờ sữa sẽ bị nhiễm khuẩn làm cho trẻ bị ói và tiêu chảy. Một hộp sữa khi bị mở nắp ra nên sử dụng trong 15 ngày vì để lâu dễ bị nhiễm khuẩn, mất chất dinh dưỡng, vón cục khó tan.

Mỗi tháng phải theo dõi cân nặng của trẻ để điều chỉnh lượng sữa cho phù hợp. Trẻ bú bình cần uống nước theo nhu cầu vì sữa bình nhiều chất khoáng hơn sữa mẹ. Khi được 1 tháng tuổi, mỗi ngày cho trẻ ăn 2-4 muỗng trái cây nạo (chuối chín, đu đủ chín...) và phơi nắng 5 - 10 phút để cung cấp thêm vitamin.

Những sai lầm nuôi con bằng sữa hộp

Không nên thay đổi sữa không rõ lí do. Vì các loại sữa cùng công thức của các công ty sữa khác nhau đều có thành phần tương tự nhau. Bé không lên cân do bú ít chứ không phải vì sữa này tốt hơn sữa kia. Không trộn nhiều loại sữa với nhau vì làm mất đi tính cân đối của mỗi loại sữa, thời gian mở hộp lâu hơn, sữa dễ bị nhiễm khuẩn.

Không dùng nước rau củ (củ dền, cà rốt) pha sữa vì bé dễ bị ngộ độc do chất nitrat có ở nước rau củ. Không dùng nước cháo để pha sữa vì dễ bị tiêu chảy (trước 4 tháng tuổi bé chưa có khả năng tiêu hóa được bột). Không nên pha sẵn sữa để bú đêm, mang đi xa hay cất tủ lạnh.

Trẻ bú bình hay gặp những biến chứng (tiêu chảy, ho) do vệ sinh bình không sạch và sữa bò không có chất kháng khuẩn như sữa mẹ. Trẻ dễ bị dị ứng sữa bò (khò khè, suyễn, chàm, xuất huyết tiêu hóa, thiếu máu) vì chất đạm của sữa bò là chất lạ với cơ thể trẻ.

Không được dùng sữa đặc có đường để nuôi trẻ vì sữa này thiếu chất đạm làm trẻ dễ bị suy dinh dưỡng thể phù. Tất cả các loại sữa đặc biệt, loại dùng để điều trị cho các trẻ có bệnh lý nào đó, phải được dùng theo chỉ định của bác sĩ và tập cho trẻ ăn dặm lúc 4 tháng tuổi.

 
 
 
 
Theo BS.CKII Nguyễn Thị Hoa 
KHĐS
Chia sẻ