Cách nào ngăn ngừa dậy thì sớm ở trẻ?

An Khê,
Chia sẻ

Con dậy thì sớm là nỗi lo của nhiều gia đình. Bởi khi dậy thì sớm, trẻ có thể không đạt được chiều cao như mong muốn, cũng như phải đối mặt với một số vấn đề tâm sinh lý.

Dậy thì sớm là khi cơ thể trẻ bắt đầu thay đổi thành cơ thể người lớn quá sớm. Dậy thì sớm được coi là ở thời điểm trước 8 tuổi ở bé gái và trước 9 tuổi ở bé trai. Nguyên nhân gây dậy thì sớm thường không rõ ràng. 

Một số nguyên nhân xảy ra bao gồm: Nhiễm trùng, các vấn đề về hormone, khối u, vấn đề liên quan đến não hoặc chấn thương dẫn đến dậy thì sớm.

Bác sĩ Trương Phan Hồng Hà (Viện Y học ứng dụng Việt Nam) cho biết, không ai có thể tránh được một số yếu tố nguy cơ gây dậy thì sớm, chẳng hạn như giới tính và chủng tộc. 

Nhưng có những điều có thể làm giảm nguy cơ dậy thì sớm ở trẻ, như: Không cho trẻ sử dụng testosterone và estrogen dưới bất cứ hình thức nào, bao gồm cả thực phẩm chứa hormone, thuốc theo toa cho người lớn hoặc thực phẩm bổ sung. Khuyến khích trẻ em duy trì cân nặng khỏe mạnh.

Phân tích sâu hơn về các thể dậy thì sớm, bác sĩ Hồng Hà nhấn mạnh: "Có 2 loại dậy thì sớm, đó là dậy thì sớm trung ương và dậy thì sớm ngoại biên". Đối với dậy thì sớm trung ương, nguyên nhân không rõ ràng. Dậy thì bắt đầu quá sớm nhưng trẻ phát triển như bình thường. 

Đối với hầu hết trường hợp mắc tình trạng này, không có vấn đề y tế hoặc lý do nào khác được biết đến cho tình trạng dậy thì sớm. Tuy nhiên, trong một số trường hợp hiếm gặp, những nguyên nhân có thể gây dậy thì sớm trung ương như xuất hiện khối u ở não, tủy sống hoặc tích tụ dịch ở não từ khi mới sinh. 

Xạ trị vùng não hoặc tủy sống hoặc chấn thương tại não, tủy sống cũng có thể gây ra tình trạng dậy thì sớm. Một căn bệnh di truyền hiếm gặp ảnh hưởng đến xương và màu da, gây ra các vấn đề về nội tiết tố. Tình trạng này được gọi là hội chứng McCune-Albright. 

Ngoài ra, còn do một số vấn đề di truyền, được gọi là tăng sản tuyến thượng thận bẩm sinh, liên quan đến việc tuyến thượng thận sản xuất ra các hormone không điển hình; suy giáp, trong đó tuyến giáp không sản xuất đủ hormone.

Cách nào ngăn ngừa dậy thì sớm ở trẻ?- Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Với dậy thì sớm ngoại vi, estrogen hoặc testosterone được sản xuất quá sớm sẽ gây ra tình trạng dậy thì sớm. Những nguyên nhân có thể dẫn đến dậy thì sớm ngoại vi như có khối u ở tuyến thượng thận hoặc tuyến yên giải phóng estrogen hoặc testosterone. 

Có căn bệnh di truyền hiếm gặp ảnh hưởng đến xương và màu da, gây ra các vấn đề về nội tiết tố, tình trạng này được gọi là hội chứng McCune-Albright. Tiếp xúc với kem hoặc thuốc mỡ có chứa estrogen hoặc testosterone. 

Ở bé gái, dậy thì sớm ngoại vi cũng có thể liên quan đến u nang buồng trứng hoặc khối u buồng trứng. Ở bé trai, dậy thì sớm ngoại vi cũng có thể do khối u ở tế bào sản xuất tinh trùng hoặc ở tế bào sản xuất testosterone. Việc tăng cân quá mức làm tăng nguy cơ dậy thì sớm.

Bác sĩ Hồng Hà cho biết thêm, các bé gái có nhiều khả năng dậy thì sớm hơn các bé trai. Trẻ dậy thì sớm có thể phát triển nhanh lúc đầu và cao hơn những trẻ khác cùng tuổi nhưng xương của trẻ phát triển quá sớm.

Vì vậy, những trẻ này thường ngừng phát triển sớm hơn bình thường. Điều này có thể khiến chúng thấp hơn chiều cao trung bình khi trưởng thành.

Để phòng ngừa dậy thì sớm ở trẻ, cần cho trẻ thực hiện chế độ dinh dưỡng cân bằng, khoa học, phù hợp độ tuổi. Trẻ cần được bổ sung đầy đủ các dưỡng chất cần thiết để cơ thể phát triển một cách toàn diện. Bố mẹ nên tăng cường rau xanh, trái cây tươi trong các bữa ăn hàng ngày nhằm giúp trẻ khỏe mạnh hơn. 

Đặc biệt, trẻ nên hạn chế sử dụng các thực phẩm chế biến sẵn, đồ chiên rán nhiều dầu mỡ, đồ ngọt, thực phẩm chứa hormone tăng trưởng. Cùng với đó, cần xây dựng thói quen tập thể dục thể thao thường xuyên cho trẻ, từ đó, giúp cơ thể dẻo dai, khỏe mạnh, tăng sức đề kháng.

Chia sẻ