Cách dạy tự nhiên của bà mẹ không sợ con thua từ vạch xuất phát
Rất nhiều cha mẹ lo sợ con cái họ sẽ thua từ vạch xuất phát, nhưng với bà mẹ này, việc nuôi dạy con phải thuận theo tự nhiên, bình tĩnh và không gò ép.
Một bà mẹ Trung Quốc tên Li Wei mới đây đã chia sẻ bài viết bày tỏ quan điểm về cách nuôi dạy con cái theo kiểu tự nhiên. Con trai chị năm nay lên 5 tuổi. Người mẹ này quan niệm, 4 chữ cần phải ghi nhớ trong quá trình dạy con là “Hãy để tự nhiên”.
"Nuôi con thuận theo tự nhiên". Điều này nghe tưởng dễ, nhưng làm lại rất khó. (Ảnh minh họa).
Là một người mẹ, tôi đã tham gia nhiều khóa học khác nhau, đọc vô số các loại sách liên quan đến việc nuôi dạy con cái. Quá trình tiếp nhận đó đã giúp tôi học thêm được nhiều điều. Nhưng chính lúc ấy cũng giúp tôi nhận ra rằng, không có một công thức chung nào cho việc nuôi dạy một đứa trẻ. Tốt nhất, hãy để trẻ được phát triển theo tự nhiên.
Tôn trọng sự trưởng thành và phát triển của trẻ
“Nuôi con thuận theo tự nhiên”. Điều này nghe tưởng dễ, nhưng làm lại rất khó. Khi đứa trẻ chưa biết bò, chúng ta đã đòi hỏi chúng phải học đi. Rất nhiều cha mẹ làm như vậy vì lo sợ con mình sẽ thua từ vạch xuất phát.
Nhưng cuộc sống không phải một cuộc đua. Mà cho dù là một chặng đua đi chăng nữa thì cũng không phải cuộc đua chạy nước rút. Đó phải là kiểu chạy đường trường; không nhất định phải chạy thật nhanh để về đích mà quan trọng là việc hưởng thụ quá trình.
Tôi đã đặt ra 4 từ trong suốt quá trình dạy con, đó là “Hãy để tự nhiên”. Phải học cách chờ đợi: chờ đợi con mọc răng, chờ đợi con học nói,… Cứ kiên trì như thế, cha mẹ cùng con trải qua quãng thời gian vui vẻ nhất cuộc đời, không vội vàng mà từ từ chờ “hoa nở”.
Bảo vệ sự hứng thú học tập của con
Từ khi lên 1 tuổi, con tôi đã nói rất nhiều chuyện. Lên 14 tháng, thằng bé có thể học thuộc thơ Đường. Điều này khiến nhiều người cảm thấy kinh ngạc, nhưng thực tế điều đó diễn ra rất tự nhiên. Trong nhà tôi có treo một bức tranh thơ Đường. Thi thoảng tôi thường đọc cho con nghe vài câu thơ.
Vì những vần thơ có âm điệu rất hay nên khi lắng nghe, thằng bé tỏ ra rất thích thú. Một hôm, bất chợt tôi nhắc đến cậu bé mục đồng, thằng bé nói ngay: "Làng Hạnh Hoa" – nơi ở của cậu bé mục đồng.
Tôi nghĩ rằng, nếu tôi cứ dạy cho con những thứ tôi muốn và không phải điều con thích, chúng sẽ không hào hứng và cũng không có động lực để học. Do vậy, bảo vệ hứng thú học tập của con là quan trọng hơn bất cứ điều gì khác.
Không so sánh với những đứa trẻ khác
Nhiều người nhìn con tôi giống như một đứa trẻ hoàn hảo vì con không kén ăn, không bệnh tật, hay cười nói,… Tuy nhiên, thực tế những gì họ nhìn thấy chưa thấu rõ hết.
Nửa đêm, con tôi có thể khóc rất to khiến mẹ không thể ngủ hay thức ăn cũng có thể trở thành một món đồ chơi.
Tuy nhiên điều đó không làm tôi lo lắng. Trong khi người lớn cũng không thể hoàn hảo, làm sao chúng ta có thể yêu cầu một trẻ em phải hoàn hảo được? Tôi chưa từng so sánh con cái mình với con gia đình khác. Trẻ em là những cá thể độc lập và không thể so sánh được. Nếu cha mẹ luôn so sánh những thiếu sót của con mình với những lợi thế của những đứa trẻ khác thì chỉ làm đứa trẻ trở nên yếu kém.
Nuôi con là quá trình tự tu luyện của cha mẹ
Khi đọc một số lượng lớn sách, cha mẹ có thể tìm thấy một phương pháp nuôi dạy con phù hợp với mình. Tuy nhiên, không có cuốn sách nào là “Kinh thánh” khiến mọi người trên khắp thế giới có thể dựa vào đó để nuôi dạy một đứa trẻ hoàn hảo.
Nuôi dạy con cái cũng là lúc cha mẹ giáo dục chính mình. Cha mẹ muốn con trở thành người như thế nào thì chính cha mẹ cũng cần phải là tấm gương. Phụ huynh không thể ngồi trước TV và nói con cần phải đọc sách. Thực ra, trẻ không thức đọc vì cha mẹ cũng không lấy sách ra đọc để tạo không khí cho con.
Một khi có kiến thức, cho dù ngay cả khi chúng ta đi đường vòng, đi sai đường thì cuối cùng chúng ta cũng sẽ đi đúng hướng. Nuôi dạy con cái là để giáo dục chính mình, bạn muốn đào tạo con bạn như thế nào thì hãy trở thành thành tấm gương như thế.
(Theo Sohu)