Cách dạy trẻ yêu việc nhà từ rèn luyện kỹ năng... nội trợ

Vân Huyền,
Chia sẻ

Thay vì ép buộc, cha mẹ nên giúp trẻ hiểu được ý nghĩa khi được giao việc nhà. Đó là phụ huynh muốn cho con cơ hội rèn luyện, học hỏi.

Thực tế, nếu giao việc đúng cách, những công việc nhỏ trong gia đình đều có ý nghĩa đối với trẻ. Ngoài những nhu cầu về tình cảm, tình yêu thương và sự quan tâm của bố mẹ, trẻ cũng muốn mình là những người có ích với gia đình và bạn bè.

Giao việc chưa đúng cách

Ngày nay, phụ huynh ngày càng quan tâm đến vấn đề giáo dục và phát triển toàn diện từ sớm cho trẻ. Cha mẹ thường muốn con mình biết tự lập sớm và phát triển các kỹ năng sống. Vì vậy, không ít phụ huynh “chăm” giao việc cho các bé.

Tuy nhiên, một số trường hợp, cha mẹ giao việc nhà cho bé chưa đúng cách. Thậm chí, một số nhầm tưởng, khiến việc rèn luyện cho trẻ không đạt hiệu quả như mong đợi.

Được tự tay thực hiện những công việc nhỏ trong gia đình sẽ giúp trẻ cảm thấy mình có thẩm quyền. Đồng thời, cho trẻ hiểu những công việc cần có trong một gia đình. Trẻ cũng sẽ hình thành những thói quen tốt về thái độ đối với công việc.

Thực tế, không ít ông bố, bà mẹ từng rơi vào cảnh “vò đầu, bứt tai” khi giao việc cho con, nhưng trẻ không mảy may bận tâm. Trong khi đó, một số phụ huynh cho rằng, trẻ chưa thể tự thực hiện những việc được giao do còn nhỏ. Cha mẹ cũng cảm thấy rằng, trẻ chưa đủ lớn để thực hiện những công việc đó và luôn cảm thấy mọi việc con làm “không vừa mắt”.

Chính yêu cầu khắt khe này từ cha mẹ khiến trẻ e dè mỗi khi được giao việc trong gia đình. Đó cũng là một trong những nguyên nhân khiến trẻ sinh tâm lý trì hoãn làm việc được giao.

Ví dụ, khi thấy bé lau gương còn vài vết bẩn, đồ chơi còn chưa gọn gàng, nhiều mẹ lại tâm sự rằng: “Làm như thế thì thà mình làm vài phút cho xong”. Sau những lần như vậy, cha mẹ quyết định không cho con làm nữa. Thực tế, trẻ có thể làm được nhiều việc hơn phụ huynh nghĩ, từ quét nhà, tưới cây, phơi/gấp quần áo hay rửa bát, lau bếp... Tuy nhiên, các cha mẹ vẫn cho rằng, trẻ chưa thể làm việc “lúc này”.

Không ít cha mẹ không ca ngợi hay khuyến khích con nếu bé làm việc được giao chưa đúng ý. Các chuyên gia cho rằng, đó là một sai lầm phổ biến. Vì sau mỗi lần cảm thấy bản thân không “được việc”, trẻ sẽ dần mất hứng thú. Từ đó, sinh tâm lý ỷ lại, phớt lờ yêu cầu từ cha mẹ.

Thay vì phê bình hoặc ra lệnh, phụ huynh có thể nói với trẻ rằng: “Cha/mẹ cần sự giúp đỡ của con”. Trẻ em có nhiều khả năng để giúp đỡ gia đình. Đồng thời, trẻ sẽ trở nên có trách nhiệm, nhất là khi nhận thấy những yêu cầu của cha mẹ không phải là áp đặt.

Tuy nhiên, cha mẹ cần chấp nhận sự thật rằng, trẻ vẫn còn nhỏ, luôn hiếu động và hay quên việc. Trong những trường hợp như vậy, phụ huynh hãy kiên nhẫn nhắc nhở, thay vì trách mắng trẻ. Cha mẹ cần kiên nhẫn với con cho đến khi trẻ hình thành thói quen tốt.

Cách dạy trẻ yêu việc nhà từ rèn luyện kỹ năng... nội trợ - Ảnh 1.

Trẻ sẽ trở nên có trách nhiệm hơn khi được giao việc. Ảnh minh họa.

Rất nhiều mẹ đã chia sẻ rằng, “Bảng Sticker việc nhà” là một công cụ hữu ích để giới thiệu cũng như là lời nhắc nhở trực quan cho trẻ về sự đóng góp của con trong gia đình. Trẻ sẽ thích thú với hình ảnh hơn là câu chữ. Do đó, cha mẹ có thể sử dụng bảng này gắn với hình ảnh của các công việc trong nhà.

Đặc biệt, cha mẹ nên sử dụng sticker phần thưởng dán lên bảng để trẻ có thêm động lực. Ví dụ như mỗi việc nhà hoàn thành, con sẽ nhận được một nhãn dán. Sau đó, cha mẹ quy đổi số nhãn dán trẻ thu được thành những phần thưởng nhỏ.

Để giao việc cho trẻ thuận lợi hơn, không ít phụ huynh sử dụng danh sách nhiệm vụ và bàn giao trách nhiệm cho các thành viên một cách công bằng.

Chị Đỗ Thu Hương (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ: “Do gia đình có hai cháu, vợ chồng tôi luôn chia việc một cách công bằng. Như vậy, các bé sẽ không tị nhau. Hãy để trẻ tự lựa chọn những công việc mà con thích nhất. Hoặc, ngược lại, hãy bỏ qua những công việc mà các bé ghét nhất”.

Cũng theo nữ phụ huynh này, cha mẹ hãy chắc chắn rằng, các việc được giao nằm trong tầm kiểm soát của trẻ. Chị Hương gợi ý, mọi người có thể tạo một biểu đồ với ba cột: Danh sách công việc, thời hạn kết thúc, ghi chú đã hoàn tất hay chưa. Bên dưới danh sách công việc có thể là chia làm hai loại, việc hằng ngày và hằng tuần.

Trong khi đó, với chị Nguyễn Minh Trang (Hai Bà Trưng, Hà Nội) - phụ huynh có hai con, cha mẹ phải bảo đảm tất cả thành viên trong gia đình thoải mái khi làm việc được giao. Tuy nhiên, trẻ cần có sự cam kết. Chị Trang cho biết luôn giao việc cho con trai lớp 7 rửa bát sạch buổi tối. Trẻ có trách nhiệm hoàn thành công việc trước 19 giờ để dành thời gian học bài. Nếu thực hiện muộn hơn, việc học của con có thể bị ảnh hưởng.

Ngoài ra, nữ phụ huynh này cũng gợi ý, cha mẹ nên giao việc cụ thể. Ví dụ, khi yêu cầu trẻ “dọn phòng ngủ của con”, các bé có thể ngụy biện theo nhiều cách. Thay vào đó, cha mẹ nên ghi rõ bằng những hành động cụ thể như: “Cất quần áo vào tủ, đặt sách lên kệ, cất hết đồ chơi vào đúng vị trí...”. Như vậy, yêu cầu sẽ được thực hiện hiệu quả hơn.

Các chuyên gia cho biết, ép trẻ làm bất cứ điều gì đều không phải là cách tốt để dạy con. Ép buộc đồng nghĩa với xung đột. Trong khi đó, xung đột thường dẫn đến các phản ứng tiêu cực. Những cảm xúc tiêu cực sẽ là nguồn gốc cho những hành động thiếu tôn trọng ở trẻ. Thay vào đó, cha mẹ nên giúp trẻ hiểu được ý nghĩa của việc giao việc nhà. Đó là phụ huynh muốn cho con cơ hội rèn luyện, thay vì ép buộc.

Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là nếu không thích thì trẻ sẽ không phải làm việc nhà. Do đó, phụ huynh nên khéo léo và thay đổi cách yêu cầu con làm việc. Ví dụ, cha mẹ có thể biến việc nhà thành một nhiệm vụ để trẻ vượt qua, hay học hỏi điều mới.

Cách dạy trẻ yêu việc nhà từ rèn luyện kỹ năng... nội trợ - Ảnh 2.

Cha mẹ nên có những món quà nhỏ động viên khi trẻ chăm làm việc nhà. Ảnh minh họa.

Có nên trả công cho trẻ?

Để khích lệ trẻ làm việc được giao, không ít phụ huynh chọn cách trả tiền cho con. “Có nên trả tiền khi con làm việc nhà?” là câu hỏi được nhiều phụ huynh băn khoăn.

Chia sẻ về vấn đề này, giáo viên Ngô Thị Thu Hiền – Hệ thống giáo dục kỹ năng sống Cara - cho biết, trẻ từ 8 - 12 tuổi bắt đầu hiểu được ý nghĩa của đồng tiền và học cách tiêu tiền. Đây cũng là vấn đề nhiều phụ huynh lo lắng. Vì vậy, cha mẹ cần dạy để con hiểu đúng giá trị của đồng tiền và biết cách tiêu, cũng như quản lý tài chính.

Nhiều phụ huynh có cách dạy giúp con tự hiểu ý nghĩa của đồng tiền nhờ công sức lao động, thay vì chủ động cho trẻ tiền tiêu. Đặc biệt, nhiều phụ huynh đã “trả công” khi trẻ làm việc nhà. Theo giáo viên Thu Hiền, cách làm này giúp trẻ chăm làm việc nhà hơn. Bởi, trẻ sẽ cảm nhận được giá trị của công sức lao động mà mình bỏ ra. Từ đó, có hứng thú, thích và làm việc nhà chăm chỉ hơn.

Trẻ nhỏ cũng có quyền được nhận thù lao khi bỏ sức lao động ra để làm một việc gì đó. Làm việc nhà và nhận thù lao ngoài ra còn giúp trẻ học được thêm nhiều bài học từ công việc nhà. Đồng thời, rèn luyện thêm nhiều kỹ năng khác như: Cẩn thận, chu đáo, quản lý tài chính…

Trái lại, không ít phụ huynh từ chối “trả công” khi trẻ làm việc nhà. Họ cho rằng, làm việc nhà là trách nhiệm của trẻ. Vì vậy, trẻ phải tự ý thức, thay vì để cha mẹ trả tiền thì mới làm. Nhiều phụ huynh cho rằng, việc trả công mỗi khi con làm việc nhà sẽ khiến trẻ ỷ lại. Sau này, nếu như không được trả tiền, rất khó để trẻ làm một việc gì đó khi được yêu cầu.

Nhiều phụ huynh cho rằng, không cần thiết phải trả tiền cho con để trẻ tự gấp quần áo, tự buộc dây giày của mình… Với nhiều phụ huynh, đây là trách nhiệm của trẻ, chứ không phải những việc cần được trả công.

Giáo viên Thu Hiền cho rằng, trong trường hợp trả công cho trẻ, các phụ huynh cần công bằng, trả đúng người, đúng việc và thời gian. Phụ huynh cần lưu ý tuân thủ cam kết. Đây là giao kèo giữa phụ huynh và các con. Cha mẹ đồng ý trả tiền khi con làm việc nhà. Tuy nhiên, kết quả lao động của trẻ cần đạt yêu cầu đề ra của phụ huynh. Ví dụ, nếu lau nhà bẩn, con sẽ không được trả công.

“Có thưởng, có phạt là phương pháp nuôi dạy con rất hay. Nó không chỉ giúp trẻ tự tin, mà còn tự lập hơn. Mọi phần thưởng đưa ra phải xứng đáng và phù hợp với thành quả lao động của con. Với những công việc nặng hơn, mất nhiều thời gian hơn thì có thể nhận thù lao cao hơn… Tuy nhiên, bố mẹ cũng đừng quên có thêm những món quà nhỏ động viên khi các con chăm chỉ làm việc nhà”, giáo viên Thu Hiền gợi ý.

Tuy nhiên, cũng có một số công việc mà phụ huynh không nên trả công cho con.

Trong đó, bao gồm việc trẻ rửa bát khi ăn một mình, dọn dẹp đồ chơi, gấp quần áo, chăn gối của mình, hoặc rót nước, mời hoa quả ông bà, cha mẹ…

“Mỗi gia đình sẽ có cách dạy và cho con tiếp cận với tiền bằng những cách khác nhau. Điều quan trọng là giúp con nhận ra giá trị của đồng tiền và biết cách quản lý tài chính. Hãy rèn luyện để trẻ tiếp tục lao động, làm việc nhà mà không mong đợi phải được trả công”, nữ giáo viên chia sẻ.

Cách dạy trẻ yêu việc nhà từ rèn luyện kỹ năng... nội trợ - Ảnh 3.

 

Chia sẻ