Cách chọn chỗ an toàn và phù hợp cho trẻ khi đi máy bay

Bana Houz (Tổng hợp),
Chia sẻ

Những sự chuẩn bị dưới đây sẽ giúp bố mẹ yên tâm hơn và biết cách xử lý tốt nhất trong những tình huống nguy hiểm khi đi máy bay cùng các con.

Trước hết bạn nên tham khảo cách chọn một chỗ ngồi an toàn và phù hợp với nhu cầu của trẻ trên một chuyến bay theo hướng dẫn trong infographic dưới đây:

* Click vào hình để xem ảnh kích thước lớn

Cách chọn chỗ an toàn và phù hợp cho trẻ khi đi máy bay 1

Ngoài ra, một số lưu ý dưới đây sẽ giúp bố mẹ chuẩn bị cho chuyến bay cùng con chu đáo hơn:

1. Lập kế hoạch trước và lên danh sách những vật dụng cần mang theo

Lên kế hoạch cho những việc cần làm cho chuyến đi và đặc biệt là danh sách những đồ dùng cần thiết cho bé. Mặc dù trên các chuyến bay có nhiều quy định về những loại hành lý được phép mang và không được phép đưa lên máy bay, bạn hãy kiểm tra kỹ thông tin để đảm bảo không vi phạm bất kỳ quy chế nào. 

Hãy đảm bảo những vật dụng tối cần thiết được chuẩn bị đầy đủ trước chuyến đi ít nhất một ngày trước đó. Dưới đây là danh sách để bạn tham khảo: 

- Tã và khăn lau (đủ cho thời gian đi lại và khoảng 24 giờ tiếp theo trong trường hợp chuyến bay bị chậm trễ).

- Chăn nhỏ hoặc áo khoác thêm nếu bé lạnh.

- Một hoặc 2 bộ quần áo để bé thay nếu cần.

- Miếng lót và dụng cụ cần thiết nếu bạn đang trong giai đoạn cho bé bú. 

- Chuẩn bị sẵn những lọ thức ăn công thức đủ cho bé có thể dùng trong khoảng 24 giờ. Hãy đong sẵn và cho chúng vào các chai/túi nhỏ, bạn hoàn toàn có thể yêu cầu nước ấm để pha chế cho bé ăn trên máy bay.

- Ti giả (nếu cần).

- Một vài quyển truyện hoặc đồ chơi đơn giản và an toàn - giúp bé giải trí & ngồi ngoan.

- Dây đeo hoặc địu.

- Một chút đồ ăn vặt cho bé. Lưu ý chọn những loại đồ ăn có gói bóc để tiện dùng và cất giữ nếu bé không ăn hết. 

- Một vài chiếc túi Ziploc - để đựng đồ ăn hoặc quần áo/tã bẩn.

- Món đồ công nghệ (tablet, điện thoại - ở chế độ “Trên máy bay”) – cho bé giải trí và hạn chế quấy nhiễu trong chuyến đi. Đây cũng là vật dụng giúp bạn tránh tình trạng ngủ gật khá hiệu quả. 

2. Chuẩn bị cho những trường hợp khẩn cấp có thể xảy ra

Bạn cần tìm hiểu và nhận thức đầy đủ về các tình huống khẩn cấp khi tham gia một chuyến bay. 

- Đọc và lắng nghe hướng dẫn trong những trường hợp khẩn cấp trước khi bay.

- Hỏi và yêu cầu tiếp viên giải đáp các thắc mắc về vấn đề an toàn cho bé để đảm bảo bé được cung cấp đầy đủ những dịch vụ cần thiết. 

- Nếu con bạn đang trong thời gian điều trị bệnh, bạn hãy trao đổi với tiếp viên hoặc đại diện của hãng về tình trạng của bé và những lưu ý trong suốt quá trình bay. 

- Luôn nhớ rằng, trong các tình huống xấu, bạn cần đeo mặt nạ dưỡng khí cho bé trước tiên để đảm bảo an toàn. 

3. Những lưu ý về hành lý mang theo

- Mang tất cả các món đồ thiết yếu cho con bạn trong hành lý xách tay. Sẽ rất bất tiện nếu như bạn cất những đồ dùng cất thiết cho bé vào hành lý ký gửi. 

- Hành lý gọn gàng và chỉ nên mang một túi hành lý xách tay lên máy bay. Thông thường các hãng máy bay cho phép bạn mang một túi hành lý và một túi phụ như là ví, bóp khi lên máy bay, nhưng để tránh bị thất lạc hay để quên đồ trên máy bay thì bạn nên gói gọn tất cả mọi thứ trong một túi duy nhất.

- Bạn cũng nên mang theo xe đẩy cho bé. Nó vừa thuận tiện lại vừa khiến bé thoải mái. Ngoài ra, bạn có thể dễ dàng gửi xe đẩy vào khoang hành lý thông qua tiếp viên và lấy lại nó sau khi hạ cánh. Bạn nên chọn loại xe đẩy dễ gập và không quá cồng kềnh. 

- Ở nhiều hãng hàng không, trẻ em dưới 2 tuổi sẽ được miễn phí vé. Trong trường hợp này bé sẽ ngồi trong lòng bạn trong suốt chuyến bay. Nếu như bạn mua vé riêng cho bé hoặc có chỗ ngồi dư bên cạnh thì bạn có thể mang theo ghế ngồi trẻ em lên máy bay và sử dụng nó giống như khi bé ngồi trên ô tô. 

Đây là cách an toàn nhất khi bay cùng em bé. Nhưng mang theo ghế ngồi cho bé có thể sẽ rất bất tiện bởi vì bạn phải cầm theo nó trong suốt chuyến bay, nên thay vì ghế ngồi, bạn có thể dùng địu em bé. Đây cũng là lựa chọn thuận tiện khi cho bé bú trên máy bay.

4. Cho bé mặc những bộ đồ gọn gàng, tiện thay cởi khi cần

- Với các bé còn phải mặc bỉm/tã, bạn nên chọn những bộ đồ áo liền quần hoặc kết hợp áo với leggings, bạn có thể nhanh chóng thay bỉm mà không cần tháo tất, giầy dép của bé.

- Để tránh những phiền toái khi đi qua cửa kiểm tra an ninh, bạn nên mặc cho mình và bé mặc thật đơn giản vì sẽ phải cởi bỏ hầu hết đồ đạc trên người để nhân viên an ninh kiểm tra và mặc lại sau đó. Do đó, mặc quá cầu kỳ sẽ khiến bạn mất nhiều thời gian và cảm thấy bất tiện, đặc biệt là khi bạn bay một mình với bé.

5. Kiểm tra các thông tin quan trọng về chuyến bay trước khi khởi hành

- Gọi điện thoại cho hãng để chắc chắn về giờ bay, vé và các dịch vụ hỗ trợ cho trẻ em (nếu có – đặc biệt với trẻ dưới 2 tuổi). 

- Chuẩn bị sẵn giấy khai sinh, giấy khám sức khoẻ trong trường hợp bé đang phải điều trị bệnh.

- Đảm bảo rằng bạn cần có mặt tại sân bay trước giờ bay ít nhất 90 phút để làm thủ tục và bạn đủ thời gian để xử lý những nhu cầu cá nhân của bé phát sinh trước khi bay. 

6. Luôn để bé trong tầm kiểm soát của bạn đối với mọi tình huống

Luôn giám sát và để mắt đến bé tại mọi thời điểm. Nếu bạn vô tình lơ là, bé có thể gặp phải những tình huống khó lường trước hoặc nghịch ngợm, tò mò gây nguy hiểm. Hãy đảm bảo cả bé và bạn cùng ngủ một lúc, trong trường hợp lo ngại ngủ gật, bạn hãy nhờ nhân viên ở sân bay hoặc tiếp viên trên máy bay lưu ý giúp. 

7. Không để bé ngồi gần lối đi

Vì trẻ nhỏ rất tò mò, thích tiếp cận và khám phá những thứ mới. Nên việc để bé ngồi gần lối đi có thể gây mất an toàn cho bé và cả với những người đi lại trên khoang. Vị trí lý tưởng nhất cho bé là ngồi giữa 2 người lớn. 

8. Luôn thắt dây an toàn cho bé trong suốt chuyến đi

Bên cạnh đó. các tiếp viên trên máy bay sẽ nhận biết được những dấu hiệu không an toàn trong trường hợp bé bị tuột dây an toàn hoặc bạn quên chưa đeo cho bé. 

9. Lưu ý khi máy bay cất cánh và hạ cánh

Lúc máy bay cất cánh hay hạ cánh, việc thay đổi độ cao và áp suất có thể khiến cho trẻ rất khó chịu. Với những bé còn nhỏ, biện pháp tốt nhất trong các tình huống này là cho bé bú hoặc ngậm vú giả hay tu sữa. Khi bé ngậm, mút, nhai, sẽ làm giảm áp lực giúp bé không bị ù tai mà còn giúp bé cảm thấy dễ chịu, thoải mái. Các bé lớn hơn có thể nhai kẹo cao su, kẹo dẻo, ăn bánh, uống nước. 

10. Thân thiện với những hành khách cùng đi trên chuyến bay

- Việc cư xử thân thiện, tôn trọng và cố gắng không gây ảnh hưởng đến các hành khách khác sẽ khiến không khí quanh khu vực bạn ngồi thoải mái, dễ chịu hơn. Bên cạnh đó, họ cũng sẽ sẵn sàng giúp đỡ bạn khi cần. 

- Bạn cũng nên để mắt đến bé để tránh làm phiền đến người ngồi cạnh. Ví dụ nếu bé cần thay tã, bạn hãy thay cho bé trong phòng vệ sinh thay vì ngay tại ghế ngồi. Các máy bay thường có bàn thay tã cho bé trong phòng vệ sinh trên máy bay. Bạn cũng chỉ nên mang theo 1 chiếc tã để thay cho bé bởi vì mang theo cả bịch tã vào phòng vệ sinh sẽ khiến nó trở nên chật chội hơn. 
Chia sẻ