Cả nhà náo loạn vì mỗi người chăm con một phách
Chị Lành và mẹ chồng mâu thuẫn trong cách chăm con, mặc dù chị có rất nhiều sữa nhưng bà nội cứ nằng nặc cho cháu ăn cháo để “đổi món và cứng cáp nhanh”.
Đại náo gia đình chỉ vì chăm con
Từ khi biết con dâu là chị Lành có bầu, mẹ chồng tất tả từ dưới quê lên mang theo nào là thuốc bắc, nào là canh xương bò hầm rồi một cái túi nho nhỏ, bà bảo đó là “bùa hộ mệnh cho thằng chó con của bà".
Biết mẹ chồng thương con yêu cháu nhưng vì ốm nghén nên chị chẳng thể nào ăn nổi thứ gì đặc biệt là thuốc bắc. Để vui lòng bà, chị đeo bùa bên mình coi như "có kiêng có lành".
Sau khi bé Bu ra đời, cả nhà chị náo loạn cả lên, đặc biệt từ đó, gia đình chị nảy sinh mâu thuẫn mẹ chồng – nàng dâu. Lúc nào bà cũng giằng lấy việc bế cháu, còn đâu toàn bảo chị đi làm việc này việc nọ.
Ban đầu chị cứ nghĩ rằng bà yêu cháu nên thế nhưng đó chưa phải là toàn bộ lý do. Lý do chủ yếu là bà sợ chị lần đầu làm mẹ lóng ngóng, không quen, ảnh hưởng tới sức khỏe của cháu bà.
Cứ thấy con dâu mở cửa phòng là bà lại ra đóng lại: “Cái nhà chị này, làm mẹ lần đầu có khác, mở cửa ra thông thống gió như thế, khác nào mong con ốm”.
Chị lý luận với mẹ chồng rằng, trẻ con sẽ phát triển tốt hơn cả khi sống trong môi trường thoáng mát, sạch sẽ. Thế nhưng mặc chị nói gì thì nói bà chẳng quan tâm.
Chị Lành và mẹ chồng mâu thuẫn trong cách chăm con, mặc dù chị có rất nhiều sữa nhưng bà nội cứ nằng nặc cho
cháu ăn cháo để “đổi món và cứng cáp nhanh” (Ảnh minh họa)
Ngày đó, chị học theo các bác sĩ ở bệnh viện là hàng ngày mát-xa nhẹ nhàng cho con. Bởi chính mát-xa sẽ khiến con nhanh cứng cáp, trộm vía. Nhưng vừa nhìn thấy con dâu đang loay hoay bóp vai cho cháu, bà đã la toáng cả lên: “Ối dời ôi, sao cô nhẫn thâm thế, nỡ lòng nào vật thằng bé ra thế, cô vặn xương cháu tôi đó phỏng?”.
Cả lần này, chị giải thích gì bà cũng không nghe, bà cứ ôm rịt lấy cháu cứ như chị vừa làm gì không phải với con vây.
Dù chị có rất nhiều sữa, nhưng bà vẫn lắc đầu chê: “Nhìn sữa trong leo lẻo thế này chẳng có chất gì”. Thế là khi Bu tròn 1 tháng tuổi, bà hì hụi dưới bếp làm một nồi cháo to đùng rồi bưng lên cho cháu ăn nước cháo.
Chị phản đối gay gắt vì 2 lẽ: thứ 1 là chị có rất nhiều sữa, thứ 2 là bé chưa đến tuổi ăn dặm.
Nhưng cũng như mọi lần, con dâu nói gì là việc của con dâu, bà cứ làm, bà bảo: “sữa nhà cô trong thế kia, bảo sao nó 1 tháng rồi mà còi dí dị như thế này chứ. Thêm vào đó, trước tôi nuôi chồng cô bằng những cách này đấy”.
Anh Toàn – chồng chị nói khéo với mẹ thì mẹ anh lại giận dỗi bảo: “Anh chỉ được cái bám váy vợ thôi”. Về tới nhà phải sống trong cảnh 2 làn đạn, anh mệt mỏi chẳng biết nên giảng hòa như thế nào.
Mâu thuẫn gia đình nảy sinh chỉ vì chăm con là một đề tài khá nóng. Chị Hằng (Quận 7, TP HCM) cũng dở khóc dở mếu khi càng ngày càng bị mẹ chồng ghét vì mâu thuẫn trong cách chăm con.
Bé Thu ra đời, vì là con đầu cháu sớm nên bé rất được chiều chuộng, ông bà đi Tây về là mua biết bao đồ ăn, thức uống ngon, tốt cho cháu. Những tưởng bà đi Tây nhiều thì tân tiến thế nào nhưng trong cách chăm cháu, bà vẫn vô cùng cổ hủ.
Thấy Thu khóc ngằn ngặt, dù chị đang dỗ con bằng ti mẹ nhưng bà giằng ra, hết ôm rồi rung cháu bần bật trên tay. Bé ngừng khóc, thấy chiêu này hiệu quả, thế là cứ khi nào cháu khóc bà lại nhiệt tình rung.
Nhìn thấy, chị Hằng hết hồn giảng giải: “Mẹ ơi, rung thế này là hại thần kinh trẻ con lắm đấy”.
Chưa giải thích hết câu, bà mắng con dâu tới tấp: “Ý cô là thằng con tôi – chồng cô bị thần kinh? Từ bé tôi rung lắc nó suốt, có làm sao đâu?”.
Rồi cứ khi nào bé khóc mà anh chị không bế, bà lại chạy vào bế xốc cháu lên.
Chị thỏ thẻ: “Mẹ cứ để kệ cháu, cháu khóc rồi nín ngay, bế nhiều là bện hơi sau này bám bố bám mẹ thì cháu sẽ không tự lập được đâu ạ”.
Nghe xong, bà mắng: “Mẹ hổ không nỡ ăn thịt con, bọn con không bằng con hổ, thấy con khóc mà đứa nào đứa nấy mặt lạnh te, trơ mắt ếch lên nhìn, điếc hết cả lượt hả con?”.
Rồi khi Thu đến tuổi ăn dặm, biết rằng không nên tạo gia vị quá nhiều cho con, không tốt cho sức khỏe của con nên những bữa ăn dặm, chị nêm nếm rất ít nước mắm.
Thế nhưng, lần nào nấu xong bà cũng ý kiến: “Ăn là cả một nghệ thuật, sao cô nấu nhạt hoen hoét thế này, ma nào ăn được”. Miệng nói, tay bà đổ cả thìa mắm vào nồi cháo của con.
Chị khổ tâm vô cùng, chẳng biết nên làm thế nào...
Giải quyết mâu thuẫn gia đình
Mâu thuẫn trong cách chăm con của các bà (theo kiểu truyền thống) và của các mẹ (theo kiểu hiện đại) là khá phổ biến. Đúng là hiện nay, bố mẹ trẻ hầu như không tìm được tiếng nói chung trong cách chăm sóc và nuôi dạy con cái với ông bà hai bên nội, ngoại. Họ cho rằng cách chăm sóc của ông bà đã lạc hậu, lỗi thời. Ông bà lại tuyên bố chăm cháu theo cách truyền thống bởi “đó là tốt nhất”.
Những mâu thuẫn này cứ ngày một phát triển, ảnh hưởng tới hòa khí trong gia đình nếu không có cách thích hợp ngăn chặn. Nguyên nhân chủ yếu của những mâu thuẫn, xung đột này chỉ vì ông bà mong điều tốt nhất cho con, cho cháu.
Để giải quyết vấn đề này, các bà mẹ trẻ cũng nên lắng nghe, nghiên cứu và cùng thảo luận với các thành viên trong gia đình về các cách chăm con truyền thống bởi không phải kinh nghiệm nào cũng sai, cổ hủ.
Để từ đó, cảm thông hơn với cha mẹ mình. Bên cạnh đó, bạn nên đưa cha mẹ tới những trung tâm y tế về trẻ em. Tại đây, các bác sĩ hoặc chuyên gia y tế sẽ hướng dẫn, giải thích khoa học để ông bà hiểu.
Thêm vào đó, các bạn trẻ nên chọn lúc các cụ vui, lựa lời tâm sự với các cụ. Đưa các bài báo về cách chăm sóc con khoa học để các cụ xem, hiểu.
Có những bà mẹ chăm con thái quá, con chỉ khịt khịt mũi thôi là bắt
con nằm im trên giường chờ bác sĩ đến kiểm tra sức khỏe.