Buồn lòng khi con nói dối nhem nhẻm

Phương Thảo,
Chia sẻ

Nếu một ngày nào đó, bỗng dưng “cục cưng” nói dối “nhem nhẻm” thì bạn cũng đừng quá ngạc nhiên.

Đây là biểu hiện tâm sinh lý hết sức bình thường trong quá trình phát triển của trẻ. Bạn nên nhớ rằng: trước đây, bạn cũng từng như vậy. Có rất nhiều lý do khiến bé nói dối. Đa phần những lý sự, câu nói dối này là do bé lo lắng bị trách phạt, bé muốn gây sự chú ý của bố mẹ... 

Con nói dối nhem nhẻm

Chị Nguyệt (Quận 1, TP HCM) rất bực mình vì mỗi khi bé Bo (5 tuổi) có lỗi, bé lại “đổ tội” cho thằng em 1 tuổi hết vì: “Em đổ mực lên áo con, em làm bẩn con gấu bông, em làm vỡ cốc”… trong khi em bé còn chưa biết đi. 

Nhắc nhở, trách móc con không được, chị quay ra đánh cho Bo mấy trận nhưng “chưa ra kết quả”. Chị lo lắng lắm: “Bo mới tí tuổi đầu đã không trung thực, mình rất ái ngại sau này không biết phải dạy con như thế nào đây?”. 

Cùng chung hoàn cảnh là chị Thái (Võ Thị Sáu, TP HCM). Một ngày, khi đi lên phòng, chị phát hiện chiếc điện thoại của mình nằm tơ hơ dưới sàn nhà, vỏ xước xát, tắt ngúm pin, hỏi cậu con trai tên Bí (5 tuổi) đang ngồi nghiêm chỉnh trên giường thì bé ngúng nguẩy: “Không phải con ạ”. 

Chị nhẹ nhàng nói: “Mẹ biết Bí ngoan không làm thế này đâu. Chắc con mèo hàng xóm làm hỏng điện thoại của mẹ rồi. Buồn thật! Thế này thì làm sao chụp ảnh Bí được nhỉ?”

Chị thắc mắc thêm: “Lạ ghê, vừa lúc nãy mẹ để điện thoại trong túi áo khoác cơ mà. Con mèo này ghê thật, lấy điện thoại của mẹ rồi ném linh tinh. Chốc mẹ phải ‘chừa’ bạn mèo thôi”. 

Buồn lòng khi con nói dối nhem nhẻm 1
Cha mẹ nên biết rằng, một thái độ tích cực bao giờ cũng được bé “hợp tác” (Ảnh minh họa)

Thấy mẹ tỉ mẩn lắp lại rồi khởi động điện thoại, cu Bí mới lí nhí: “Tại con đấy mẹ ạ, không phải tại bạn mèo đâu. Con định mở ra chơi thì lỡ tay làm rơi”. Chị nhìn con âu yếm: “Bí ngoan lắm, con đã thành thật với mẹ. Lần sau con muốn chơi thì con phải bảo mẹ nhé”. 

Chị Lâm Thu Hằng (Yên Ninh, Hà Nội) cũng có chiêu dậy con sửa tật nói dối rất hữu hiệu.

Một lần chị nhờ Bống (6 tuổi) – con gái lớn gấp quần áo cho em (4 tuổi). Khi vào phòng, chị thấy bim bim, bánh kẹo vương vãi đầy phòng. Hỏi thì Bống chối đây đẩy: “Con không ăn, con không vứt”. 

Chị chép miệng: “Chắc Cún làm rồi, Cún đi học về mẹ sẽ đánh cho em một trận”. 

Biết thừa là Bống nhưng khi bé không chịu nhận lỗi, chị khơi đi khơi lại chuyện này để Bống nhận ra lỗi của mình. Biết mẹ có ý định đánh em thật, Bống mới thành thật nhận lỗi. 

Sửa tật nói dối cho con

Chị Lâm Thu Hằng chia sẻ rằng, khi biết bé nói dối, vợ chồng chị thường tạm thời lờ đi, coi như là đang rất tin bé. Chị không đồng ý với phương án chì chiết, quát mắng thậm chí là đánh con. Điều này vô tình sẽ khiến bé càng thêm sợ hãi, có thể vài lần đầu bé sẽ cúi đầu nhận tội nhưng những lần sau bé sẽ “nêu cao cảnh giác” giấu tội triệt để vì sợ hãi. 

Nếu mắng, đánh con nhiều, con sẽ dần dạn đòn và điều này vô cùng nguy hiểm, ảnh hưởng tới tính cách của con sau này. Thay vào đó, cách làm của chị đó là luôn cố gắng khuyên nhủ, nhẹ nhàng, tạo tâm lý thoải mái để bé chia sẻ “hết mình”. 

Cách chị “trị” Bống đó là hỏi, nếu đã hỏi mà bé vẫn một mực từ chối thì cha mẹ có thể nhấn mạnh là bố mẹ rất tin tưởng bé, bé là bé ngoan nên sẽ không nói dối mẹ (dù chị biết chắc mười mươi là con đang nói dối). Sau đó, có thể tìm cách để khơi gợi cảm giác “có lỗi” ở bé. Điều này chị áp dụng lần nào, Bống cũng nhận lỗi. 

Chị Tuyết Mai (Lĩnh Nam, Hà Nội) giãi bày một quan điểm rất rõ ràng rằng, nếu như bé đã biết nhận lỗi, cha mẹ tuyệt đối không nên: “Đấy, biết ngay mà, con với cái, làm sao qua được mắt mẹ”… mà phụ huynh nên khen ngợi vì con đã dám “đương đầu” và nhận khuyết điểm. Đồng thời, cha mẹ nên hướng bé tới những cách để khắc phục lỗi của bé.

Chuyên gia tâm lý Hồng Hà (Chuyên viên tư vấn tâm lý trẻ em ở đường dây nóng 1088) cho rằng khi biết bé nói dối, trước tiên, bậc phụ huynh hãy nghĩ thật nhanh xem tại sao con lại như thế này. Liệu có phải vì mỗi lần bé làm sai điều gì, bạn đều mắng mỏ, đánh con?

Tóm lại, việc đầu tiên bạn nên làm là tìm hiểu "động cơ" chính xác của con và tháo gỡ nó.

Một khi đã tìm ra được nguyên nhân con nói dối, bạn hãy phân tích thật nhẹ nhàng, dễ hiểu, tích cực để con hiểu rằng nói dối là điều không nên. Việc quy kết và trách phạt sẽ khiến tình hình trở nên tồi tệ, điều này sẽ làm con bị mặc cảm. 

Cha mẹ nên biết rằng, một thái độ tích cực bao giờ cũng được bé “hợp tác”. Một điều quan trọng đó là cha mẹ phải làm gương, việc nói dối trước mặt con sẽ vô cùng "không ổn".



Theo bố Thảo, nguyên tắc giúp con thành công là rèn cho con phát huy 3T
Buồn lòng khi con nói dối nhem nhẻm 2
Chia sẻ