Bồi bổ quá mức khi mang thai, người phụ nữ và chồng “rủ nhau” cùng bị sỏi mật

PHAN HIỀN,
Chia sẻ

Cặp vợ chồng này duy trì thói quen ăn uống không hợp lý trong thời gian dài đã dẫn tới tình trạng bị sỏi mật.

Bị sỏi mật là một tình trạng tuy không quá nguy hiểm tới tính mạng nhưng phụ nữ mang thai tuyệt đối không được chủ quan. Có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng này nhưng điển hình nhất có liên quan tới thói quen ăn uống.

Ngày 6/1, đài CCTV News đưa tin, một cặp vợ chồng giấu tên ở thành phố Vũ Hán, Trung Quốc cùng bị sỏi mật sau khi người vợ mang thai. Nguyên nhân được xác định là do những bữa ăn bồi bổ của người vợ, nó quá nhiều chất béo, nhiều đạm... khiến cơ thể dư thừa chất dinh dưỡng.

Được biết, sau khi gia đình có tin vui, cặp vợ chồng này rất tích cực mua đồ ăn ngon. Họ hy vọng rằng, nếu người vợ ăn nhiều đứa trẻ sẽ sinh ra khỏe mạnh. Không chỉ riêng người vợ mà cả anh chồng cũng rất hưởng ứng việc ăn uống. Tuy nhiên, sau gần 1 năm, trong một cuộc kiểm tra sức khỏe, bác sĩ phát hiện 2 vợ chồng đều bị sỏi mật.

Bồi bổ quá mức khi mang thai, người phụ nữ và chồng “rủ nhau” cùng bị sỏi mật - Ảnh 1.

Người phụ nữ bị sỏi mật khi mang thai.

Bác sĩ Vũ Giai, phó trưởng khoa Phẫu thuật Gan mật, Bệnh viện Nhân dân Đại học Vũ Hán cho biết: "Có nhiều nguyên nhân gây ra sỏi túi mật, bao gồm chế độ ăn nhiều chất béo, béo phì, giảm cân quá nhanh, viêm gan, xơ gan, tiểu đường. Trong đó, chế độ ăn uống giàu chất béo, nhiều cholesterol sẽ thúc đẩy nhanh quá trình hình thành sỏi túi mật".

Bị sỏi mật khi mang thai ảnh hưởng rất lớn đến cơ thể người mẹ và em bé. Trong quá trình mang thai, nếu người mẹ không có chế độ ăn uống khoa học và hợp lý, không kiểm soát cân nặng, nó dễ gây ra những bất thường về lipid máu, cholesterol, triglycerid và các chỉ số khác.

Đối với nam giới, làm việc căng thẳng, ít vận động, ăn uống vô tội vạ, mỡ sẽ dễ tích tụ, đẩy nhanh quá trình hình thành sỏi mật.

Bị sỏi mật nguy hiểm như thế nào?

Về mặt y học, sỏi mật bao gồm sỏi túi mật, sỏi ống mật trong gan và sỏi ống mật ngoài gan.

Chức năng chính của túi mật là cô đặc và lưu trữ mật. Khi thức ăn vào cơ thể, mật sẽ được giải phóng xuống tá tràng qua đường mật để hỗ trợ quá trình tiêu hóa thức ăn, đặc biệt là tiêu hóa chất béo. Tuy nhiên, đôi khi do chế độ ăn uống không điều độ, lười vận động… mà túi mật có thể bị cô đặc, chức năng bài tiết mật bất thường, dẫn tới bị sỏi mật.

Bồi bổ quá mức khi mang thai, người phụ nữ và chồng “rủ nhau” cùng bị sỏi mật - Ảnh 2.

Bị sỏi mật khi mang thai rất nguy hiểm.

Các nghiên cứu khảo sát đã chỉ ra rằng, 70%-80% bệnh nhân không có triệu chứng khi bị sỏi mật trong thời gian từ 10-15 năm.

Theo bác sĩ Vũ Giai: "Nếu sỏi mật không được phát hiện và điều trị kịp thời, nó sẽ dẫn tới những hậu quả nguy hiểm. Một số người bệnh sẽ bị viêm phúc mạc, sỏi ống mật, viêm tụy, thậm chí thủng túi mật. Ngoài ra, người bệnh có thể mắc hội chứng Mirizzi, lúc này những viên sỏi lớn trong túi mật sẽ chèn ép ống mật, gây vàng da và sốt".

Vì vậy, khi được chẩn đoán bị sỏi mật, cần tích cực điều trị để tránh những biến chứng nguy hiểm.

Khi bị sỏi mật cần xử lý như thế nào?

Không phải tất cả bệnh nhân bị sỏi mật đều cần phẫu thuật. Nếu sỏi túi mật nằm trong cơ thể lâu ngày nhưng không có yếu tố nguy cơ, không có triệu chứng nặng, người bệnh cần theo dõi thường xuyên. Tuy nhiên, nếu người bệnh thuộc những trường hợp sau, bác sĩ sẽ cân nhắc đến việc phẫu thuật.

Bồi bổ quá mức khi mang thai, người phụ nữ và chồng “rủ nhau” cùng bị sỏi mật - Ảnh 3.

Người bị sỏi mật thường xuất hiện những cơn đau bụng. (Ảnh minh họa)

- Cơn đau xuất hiện ở giữa vùng bụng trên, bên phải bụng, vai phải và lưng. Đây đều là những triệu chứng đau do bị viêm túi mật.

- Những người trung niên, cao tuổi đang mắc các bệnh cơ bản như tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh tim mạch vành. Lúc này, nếu bị sỏi mật sẽ khiến tình trạng nặng thêm, nguy cơ bị tai biến tim mạch và mạch máu não cao.

- Người có tiền sử gia đình mắc bệnh u bướu.

Muốn phòng tránh bị sỏi mật cần làm như thế nào?

Nhiều bệnh lý về túi mật liên quan mật thiết đến chế độ ăn uống, thói quen làm việc và nghỉ ngơi.

Ví dụ, polyp túi mật không chỉ liên quan đến đột biến gen KRAS mà còn liên quan chặt chẽ đến thói quen thức khuya, uống rượu và chế độ ăn nhiều cholesterol. Các yếu tố như áp lực cuộc sống cao, thay đổi tâm trạng, hay lo lắng, bị trầm cảm, không tập thể dục và béo phì cũng có thể gây sỏi mật.

Vì vậy, để tránh tình trạng bị sỏi mật, chúng ta cần phải biết cách phòng tránh. Việc duy trì một chế độ ăn uống điều độ và lành mạnh, ngủ sớm dậy sớm, tập thể dục thường xuyên, duy trì cân nặng hợp lý sẽ rất tốt trong việc phòng bệnh. Ngoài ra, nếu là người có tiền sử bị viêm gan cần khám sức khỏe định kỳ thường xuyên.

Nguồn: Sohu

Bồi bổ quá mức khi mang thai, người phụ nữ và chồng “rủ nhau” cùng bị sỏi mật - Ảnh 4.

Chia sẻ