Bỏ tiền triệu "nặn" thiên tài từ trong bụng mẹ
Thai phụ ăn trứng ngỗng, cho thai nhi nghe nhạc cổ điển hoặc đo IQ khi trẻ còn nhỏ... là xu hướng mà các bậc phụ huynh đang sính với mong muốn con họ sẽ trở thành... thiên tài.
"Dụ" thiên tài từ trong bụng mẹ
Theo chân chị Nguyễn Mai Hương (Mỹ Đình, Hà Nội) đi sắm sửa đồ chuẩn bị cho sự ra đời đứa con đầu lòng mới thật cầu kỳ, vất vả. Chị lên danh sách các vật dụng, kế hoạch ăn uống một cách tỉ mỉ.
Đáng chú ý là mọi điểm lưu ý đều hướng tới mục đích cho thai nhi phát triển tốt trí não từ trong bụng mẹ. Chị Hương sắm cả máy nghe nhạc cho thai nhi thông minh kiểu đai đeo, đĩa nhạc cổ điển, tai nghe nhạc cho mẹ, danh sách những sách cần mua để cho bà bầu đọc.
Tin theo quảng cáo của nhà sản xuất, những sản phẩm này giúp em bé phát triển trí tuệ từ trong bụng mẹ và sau này sẽ thông minh, hoạt bát hơn, nhiều bậc phụ huynh đã làm theo một cách không đắn đo.
Chị Hương cho biết: "Đến hoa nghe nhạc còn phát triển tốt nên chắc chắn thai nhi cũng vậy".
Theo chị Hương, nếu chỉ quan tâm đến thai nhi là chưa đủ. Muốn cho thai nhi thông minh còn phải kết hợp với ăn uống. Chồng chị, từ khi chị vừa mang thai mỗi tháng đều phải nhờ anh em bạn bè đi tìm mua trứng ngỗng. Mỗi tháng chị ăn 2 quả.
Các bà mẹ không những lo cho bé từ trong bụng mẹ mà công cuộc nuôi dưỡng "thiên tài" còn cả một quá trình dài đằng đẵng nhiều năm sau đó.
Quan tâm thái quá có thể gây hại
Thạc sỹ Bùi Hồng Ngân, Bệnh viện Bạch Mai cho biết: "Thai nhi ngủ phần lớn thời gian trong bụng mẹ. Nếu bật nhạc cho bé nghe nhiều sẽ làm gián đoạn giấc ngủ, ảnh hưởng đến nhịp sinh học của bé. Ngoài ra, nước ối có khả năng khuếch đại rất tốt những âm thanh trầm (như tiếng guitar bass) và tiếng nói của người mẹ. Đặc biệt nếu bật nhạc to có thể ảnh hưởng đến thính giác non nớt của bé. Nếu nghe nhạc các bà mẹ hãy để ở mức độ nhẹ nhàng, du dương, không quá 70dB và không quá một tiếng /ngày".
Chị Nguyễn Thị Giang, chuyên nghiên cứu về ngôn ngữ cho trẻ tự kỷ, Viện Ngôn ngữ chia sẻ: "Cha mẹ nào cũng mong con mình là thần đồng đó là hy vọng hoàn toàn chính đáng. Tuy nhiên, với nhiều cha mẹ có con sinh ra bị mắc một số khiếm khuyết ngôn ngữ hoặc trí tuệ thì cha mẹ cũng không nên tuyệt vọng. Trong quá trình tiếp xúc với những trẻ tự kỷ, chậm nói chúng tôi thấy không phải các em không có những ưu điểm. Nhiều trẻ chậm nói nhưng vẽ và làm toán rất tốt. Tuy nhiên chúng lại hạn chế về khả năng giao tiếp ngôn ngữ. Nếu các bậc cha mẹ quan tâm, được sự hỗ trợ từ các chuyên gia tâm lý, ngôn ngữ chắc chắn sẽ giúp các em khắc phục được hạn chế phát huy thiên hướng của mình".