Bố mẹ ly hôn, con cái "chịu trận": Giằng co bên nội hay bên ngoại mệt mỏi đến mức chẳng còn muốn đến Tết
“Cảm giác mình như sợi dây ở giữa để 2 bên giằng co qua lại, không ai nhường ai còn mình là người đau nhất”, một bạn trẻ bình luận.
Tết Nguyên đán có lẽ là dịp quan trọng nhất của mỗi người trong năm. Khi Tết đến xuân về, dù đang ở đâu hay làm gì thì người ta cũng đều đếm ngược thời gian đến ngày được sum họp vui vẻ bên gia đình.
Với những người còn bố mẹ ở nhà, mong muốn được về quê ăn Tết lại càng mãnh liệt hơn. Vì không còn gì hạnh phúc hơn khi vẫn còn bố mẹ, còn mái ấm, còn được đón Tết cùng gia đình.
Tuy nhiên cũng có nhiều những trường hợp không may mắn khi phải chịu ảnh hưởng từ cuộc hôn nhân đổ vỡ của bố mẹ. Bởi bỗng dưng mỗi khi đến Tết, thay vì quây quần trong một gia đình êm ấm, họ lại phải lựa chọn năm nay ăn Tết bên nội hay bên ngoại. Hoặc nếu không, cũng phải “chia 5 xẻ 7”, mỗi nhà chạy qua một chút để hoàn thành nghĩa vụ gia đình. Điều này khiến không ít người trẻ cảm thấy mệt mỏi và phát chán khi luôn phải đứng ở giữa.
Mắc kẹt giữa hai bên nội - ngoại
Trên Threads mới đây, các bạn trẻ bàn tán xôn xao về một bài viết với nội dung về việc giữ liên lạc hai bên nội - ngoại sau khi bố mẹ đã ly hôn.
Chủ nhân bài đăng bày tỏ: “Mình thấy khó chịu với những vấn đề gia đình như này. Việc bố mẹ ly hôn, con cái vẫn giữ liên lạc giữa hai bên nội và ngoại thật sự phức tạp. Năm nào cũng phải nghĩ đến việc ăn Tết bên nào. Mình nhiều năm ăn Tết bên ngoại, năm nay ăn Tết bên nội thì bị chì chiết, nói rằng mình vô ơn, không nhớ cội nguồn…”.
Phía dưới bình luận, rất nhiều bạn trẻ đồng cảm vì cũng đang ở trong tình trạng mắc kẹt như vậy.
Nhiều người cho rằng luôn cảm thấy khó xử vì chọn bên nào cũng không vừa ý người lớn. Chỉ có vài ngày Tết như đêm giao thừa, mùng 1, mùng 2 nhưng ai cũng muốn phải ở trọn vẹn. Hay cho dù cả năm đã ở cùng bên nội hoặc bên ngoại nhưng Tết muốn sang ăn Tết với bên còn lại cũng vô tình nhận những lời chỉ trích, không đồng tình từ gia đình.
Chính vì vậy mà với nhiều người trẻ, Tết vô tình không còn vui vẻ hay đáng để mong chờ nữa. Bởi năm nào cũng phải chứng kiến những cuộc “giằng co”, không có cách giải quyết êm đẹp.
- “Đồng cảnh ngộ. Cảm giác mình như sợi dây ở giữa để 2 bên giằng co qua lại, không ai nhường ai còn mình là người đau nhất. Nên mình chẳng thấy vui khi Tết đến bởi năm nào cũng mắc kẹt giữa việc nên ăn Tết bên nào, làm sao để vừa lòng cả 2 bên”.
- “Mệt mỏi thật, nghĩ đến Tết mà nản lòng luôn. Cả năm mình ở cùng bên nội nên cũng xin phép năm nay một lần được ăn Tết bên ngoại. Nhưng gia đình cũng cấm cản, nói ra nói vào. Nhiều khi nghĩ người lớn họ có thương và hiểu cho cảm giác của mình không hay chỉ đang làm những gì họ thích? Và bên nào cũng có những sự ích kỉ riêng khiến con cái ở giữa bị giày vò, làm thế nào cũng thấy không vừa lòng”.
- “Mình thì rất lâu rồi không được ăn Tết bên ngoại vì năm nào cũng phải ở nhà nội. Một bên Hà Nội, một bên TP.HCM nên chẳng có cách nào cả. Tết nào cũng thấy nhớ mẹ với ông bà ngoại nhưng không thể gặp trực tiếp mà chỉ hỏi thăm qua điện thoại”.
Tết bận hơn gấp trăm lần vì phải “chia 5 xẻ 7”, chạy sô ăn Tết để cân bằng đôi bên
Không muốn để bản thân bị mắc kẹt, nhiều người chọn cách chia đều hai bên nội và ngoại. Nếu năm nay ăn Tết nội, năm sau sẽ ăn Tết ngoại và ngược lại. Còn nếu hai bên gia đình gần nhau, sẽ tranh thủ chia theo ngày hoặc theo buổi để “chạy qua chạy lại”.
Do đó, không ít bạn trẻ bày tỏ Tết còn bận rộn hơn ngày thường. Năm nào cũng sắm Tết nhân đôi, sáng đi cùng ba, chiều đi cùng mẹ. Hoặc mỗi ngày ở 1 bên như ăn tất niên nhà ngoại thì đón năm mới nhà nội, mùng 2 lại sang nhà mẹ rồi mùng 3 ngược về nhà bố.
- “Bố mẹ mình ly hôn 10 năm rồi. Ngày nhỏ thì mình nghe theo người lớn quyết định nhưng giờ lớn rồi, mình tự làm theo những gì mình muốn. May mắn là bố mẹ ly hôn không có hiềm khích quá lớn nên mình vẫn thoải mái ăn Tết ở 2 bên. Nhưng mình cũng phải chia đều ra, mỗi ngày ở một nơi. Nên thực sự đến Tết là bận tối mặt tối mũi, cứ loanh quanh bên nhà nội, bên nhà ngoại là cũng hết ngày nghỉ”.
- “Tôi đây năm nào cũng phải mua sắm nhân đôi. Chưa kể, tôi cũng đã lập gia đình riêng nên năm nào cũng theo một lịch trình giao thừa tới mùng 2 ăn Tết nhà chồng, mùng 3 sáng thăm bên nội, chiều đưa con sang bên ngoại. Đành phải tất bật chạy sô như vậy thôi”.
- “Mình cũng phải chia so le, luân phiên mỗi năm giữa 2 bên nội ngoại. Ai nói gì thì nói, mình lớn rồi nên làm thế nào thấy thoải mái và phù hợp thôi. Mà bố mẹ mình còn đều có gia đình riêng nữa nên gần như Tết đến mình như phân thân, chạy từ đầu thành phố đến cuối thành phố chỉ để cân bằng đôi bên”.
Song nhiều bạn trẻ cũng bày tỏ khi đã trưởng thành, chín chắn hơn thì có thể tự quyết định để có một cái Tết vui nhất, trọn vẹn nhất. Ngoài ra cũng có thể bày tỏ rõ mong muốn, quan điểm để người lớn có thể thấu hiểu và thông cảm.
- “Mình cứ làm như mình muốn thôi mấy bạn. 2 bên nhà mình cũng lục đục dữ lắm, xưa mẹ mình còn không cho ăn Tết nhà nội. Nhưng mình làm rõ quan điểm với mẹ, nói rằng mình hiểu những tổn thương mà mẹ phải chịu nhưng dẫu sao đó là chuyện của người lớn. Với mẹ, nhà nội có thể là người dưng sau ly hôn nhưng với mình, đó cũng vẫn là người thân. Giờ tâm lý của mẹ mình cũng thoải mái ra nhiều rồi nên Tết mình cứ chạy 2 nơi như mình muốn thôi”.
- “Cũng 2 cái Tết mà bố mẹ mình ly hôn rồi. Mình không chọn ăn Tết với bố vì bố đã có vợ mới, có thêm em và không khí bên nhà nội luôn căng thẳng. Nhưng bố cũng không trách, bố hiểu và cũng nhớ 2 chị em mình. Nên thường trước Tết hoặc sau Tết, 3 bố con sẽ đi ăn một buổi cùng nhau và mình chuẩn bị quà Tết để biếu bố cùng ông bà nội chứ không ăn Tết chung”.