Bố mẹ Hà Nội gốc nhưng con nói tiếng quê

,
Chia sẻ

Khi bà nội cháu đến chơi, bảo cháu gọi "bà" thì cháu gọi "bừa"; đi "ngủ" thành đi "ngũ"… "Cả hai vợ chồng tôi đều là người gốc Hà Nội, vậy mà con gái lại nói... giọng Thanh Hóa".

LTS: Cuộc sống thành thị bận rộn, nhiều ông bố - bà mẹ tìm người giúp việc và phó mặc việc nhà cho họ. Tưởng là đã tìm được cách “cứu vãn tình thế” nhưng rồi họ lại “bế tắc”. Nhân ngày Gia đình Việt Nam 28/6/2010, xin giới thiệu với bạn đọc một vài câu chuyện dở khóc, dở cười khi tổ ấm của những gia đình hiện đại đang do những bàn tay phụ nữ khác chăm lo.

“Mẹ phải cho cô giúp việc đi chơi cùng thì con mới đi cơ!”

Không giống như nhiều gia đình thay người giúp việc như thay áo, anh Nguyễn Anh Tuấn (khu đô thị mới Định Công, Hoàng Mai, Hà Nội) tìm được cô Xuyến ở Nông Cống, Thanh Hóa giúp đỡ việc nhà từ ngày vợ anh sinh cháu. Nay con gái anh đã được 3 tuổi.

“Cô Xuyến chăm nom việc nhà rất chu đáo và cẩn thận. Chúng tôi hoàn toàn yên tâm giao phó con gái nhỏ cho cô ấy để lo công việc” - anh tâm sự.

Sáng hai vợ chồng anh đi làm là khi con gái chưa dậy. Đến tối, vợ anh về nhà muộn nên mệt và ngủ sớm, còn anh đi học thêm ở trường Đại học Kinh tế Quốc dân đến 9 giờ về. Lúc đó, con gái cũng đã say giấc.

Có lần, vợ tôi phàn nàn: “Đưa con đi chơi siêu thị nhưng nó nhất quyết không đi, đòi phải có cô Xuyến đi cùng”. Ban đầu, tôi cũng không thấy có vấn đề gì, có cô Xuyến đi cùng xách đồ và trông cháu, kể cũng tiện.

Nhưng anh phát hoảng khi bà nội cháu đến chơi, bảo cháu gọi “bà” thì cháu gọi “bừa”…trời tối cháu gọi “túm”, đi “ngủ” thành đi “ngũ”…

“Cả hai vợ chồng tôi đều là người gốc Hà Nội, vậy mà con gái lại nói giọng Thanh Hóa” – anh Tuấn phàn nàn.

Mỗi lần đi chơi, con luôn khóc nếu bố mẹ không cho cô giúp việc đi cùng. Ảnh minh hoạ

Nhưng nói ra, sợ cô Xuyến phật ý, tự ái, vì mọi việc trong gia đình cô làm rất tốt, cô ấy quý con anh như cháu ruột của mình vậy.  Vợ chồng anh đành bí mật nhờ cô giáo ở trường mầm non dậy cháu phát âm chuẩn hơn.

Tương tự, chị Lành (Nguyễn Ngọc Nại, Thanh Xuân, Hà Nội) cũng phàn nàn với chúng tôi về việc con trai (5 tuổi) và con gái (4 tuổi) của chị thường xuyên nói chuyện với nhau bằng “tau - mi”. Mỗi khi vợ chồng chị có việc đột xuất phải ra ngoài thì bọn trẻ đồng thanh hỏi: “đi mô”. Chồng chị cằn nhằn bảo chị không chịu tiếp xúc với con cái, bỏ bê việc cho người giúp việc (quê Nghệ An) nên mới thế.

Chị Lành bực bội: “Biết là thế nhưng tôi không thể cho cô giúp việc nghỉ việc được. Thời buổi này kiếm giúp việc còn khó hơn kiếm chồng!”

Con trai 2 tuổi nghiện mắm tôm theo người giúp việc

Nghe câu chuyện của gia đình chị Lưu Hoàng Hà (ngõ Gốc Đề, Minh Khai, Hai Bà Trưng, Hà Nội) thì phải cười ra nước mắt. Gia đình chị Hà có một người giúp việc tên Nhâm (52 tuổi, ở Hải Hậu, Nam Định). Ngay trong ngày đầu bà Nhâm nấu ăn chị đã giật mình vì bất cứ món gì (trừ cơm) bà cũng cho mắm tôm. Chị nhắc nhở thì bà bảo cho vào cho mềm rau, mềm thịt, dễ ăn hơn.

Thấy vậy, chị chỉ nhờ bà Nhâm chăm con trai (2 tuổi), việc chợ búa, nấu nướng chị tự làm. Hôm nào bận về muộn, chị gọi điện về phải dặn bà thật kỹ không được cho mắm tôm vào canh, rau… 

Mọi ăn uống của con chị Hà đều do người giúp việc đảm nhận. Ảnh: PT

Do công việc bận bịu nên mỗi sáng, chị Hà chỉ kịp dậy sớm lo ăn sáng cho hai vợ chồng rồi đi làm luôn, đến tối về con đã ăn xong, thấy bé lúc nào cũng nô cười, ăn uống no nê nên chị cảm thấy yên tâm.

Tháng trước, bà Nhâm về quê mấy hôm, chị mới tự cho con ăn, cháo bón vào miệng thì cháu lại nhè ra không ăn. Ban đầu, chị Hà nghĩ là do con quen được bà Nhâm cho ăn nên không chịu ăn khi chị bón cháo.

Chị không hề biết, bà Nhâm mỗi khi nấu cháo cho “tiểu thiếu gia” vẫn có thói quen cho mắm tôm. Một lần, chị xem bà hâm nóng cháo cho con, tay không quên cầm lọ mắm tôm, ngửi qua bát cháo nồng nặc mùi mắm tôm và cháu ăn ngon lành. Khi đó thì con trai chị đã mắc chứng nghiện mắm tôm.

Chị gái của chị Hà ngồi đó cũng than thở, nghiện mắm tôm còn đỡ chứ ngày trước chị thuê một người giúp việc nghiện ăn trầu. Có lần con gái (5 tuổi) của chị bị phỏng môi vì thấy bà ấy ăn trầu vôi cũng lấy thìa xúc vôi ăn.

Còn nữa...

Theo Bee

Chia sẻ