Bố mẹ cần làm gì khi trẻ bảo 'con ghét viết lách'
“Con ghét viết lách” là cụm từ mà không ít phụ huynh thường phải nghe. Song, thực tế, nhiều người vẫn chưa tìm ra cách hiệu quả để thay đổi...
Các chuyên gia đã đưa ra một số phương pháp để giúp phụ huynh giải quyết vấn đề này, đồng thời, có thể biến “nhà văn bất đắc dĩ” trở thành một tác giả nhí.
Tìm hiểu lý do
Một số trẻ có khả năng chống đối việc học nói chung, viết lách nói riêng. Tuy nhiên, trong vài trường hợp, có thể một sự kiện cụ thể nào đó gây ra những cảm giác tiêu cực này ở trẻ. Nó có thể đơn giản như một bài kiểm tra thất bại, không thể hoàn thành một bài tập viết nhất định hoặc không thể thực hiện hành động viết.
Tình trạng này cũng có thể xuất phát từ nguyên nhân sâu xa hơn, như chứng khó đọc, rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD) và các dạng khác. Tìm ra nguồn gốc của vấn đề có thể mang lại điều kỳ diệu cho sự tiến bộ trong việc viết lách của trẻ.
Cho dù phụ huynh dạy con tại nhà hay đang cố gắng hiểu nguyên nhân con mình không thích viết, thì giao tiếp trực tiếp với trẻ luôn là bước đầu tiên và hiệu quả nhất. Điều quan trọng là phụ huynh phải chứng minh cho con thấy rằng, cha mẹ coi trọng ý kiến và hiểu cảm xúc của trẻ.
Phụ huynh có thể hỏi trẻ về việc tại sao con không thích viết. Đồng thời, xem liệu trẻ muốn giải quyết trở ngại này như thế nào. Thực tế, đây có vẻ là một cuộc thảo luận khó khăn. Tuy nhiên, cha mẹ có thể sẽ thấy cách làm này cực kỳ hữu ích.
Sau khi đã hiểu rõ lý do tại sao con lại có cảm giác như vậy đối với việc viết, cha mẹ có thể bắt đầu suy nghĩ, tìm cách giải quyết trở ngại này và giúp đỡ trẻ. Có lẽ, trẻ cần tập trung vào các kỹ năng vận động tinh trước khi chuyển sang viết toàn bộ một đoạn văn. Hoặc có thể, trẻ chỉ cần sự hướng dẫn đơn giản, từng bước từ người mà con tin tưởng về cách viết một đoạn văn.
Mang lại niềm vui
Trẻ em thường lấy cha mẹ làm hình mẫu và cũng có khả năng bắt chước hành động của phụ huynh. Vì vậy, hãy tận dụng điều này để làm lợi thế khi các phụ huynh đang cố gắng khắc phục vấn đề này. Việc dạy viết cho trẻ có thể được thực hiện một cách thụ động, chỉ bằng cách chứng minh rằng nó thú vị như thế nào. Do đó, một gợi ý thú vị là cha mẹ có thể bắt đầu viết truyện cùng con. Hoặc, cha mẹ cùng con bắt đầu viết nhật ký. Điều này có thể đặc biệt hiệu quả ngoài thời gian học tập - có lẽ vào buổi tối, như một phần thói quen của gia đình.
Cha mẹ cũng nên cho con tiếp xúc với nhiều nội dung giáo dục khác nhau, từ bảng tính có thể in được, đến video trên YouTube và thậm chí cả podcast. Thực tế, trẻ em có xu hướng tích cực lắng nghe, ngay cả khi cha mẹ nghĩ là không.
Kết hợp vào công việc hàng ngày
Có nhiều cách để kết hợp việc viết vào các hoạt động hàng ngày. Ví dụ, phụ huynh có thể yêu cầu con viết ra danh sách mua sắm, trong khi cha mẹ nói to những món đồ cần thiết. Hoặc, cha mẹ hãy cho phép con thử viết danh sách này bằng cách sử dụng từ ngữ của chính mình. Điều đó sẽ khiến trẻ tập trung vào quá trình viết.
Bởi phụ huynh khuyến khích con hiểu rằng, chúng đang giúp đỡ cha mẹ và tạo ra mối liên hệ cảm xúc tích cực giữa trẻ và hành động viết điều gì đó. Đồng thời, mang lại cho trẻ cảm giác đạt được thành tích.
Tóm lại, phụ huynh nên chọn một công việc hoặc nhiệm vụ hàng ngày mà mình muốn con hoàn thành và tích hợp khả năng viết sáng tạo vào đó.
Tạo hệ thống khen thưởng
Máy theo dõi hoặc bảng viết có thể là một cách tuyệt vời để thúc đẩy “nhà văn nhí bất đắc dĩ” rèn luyện kỹ năng. Điều này không chỉ tạo ra mục tiêu rõ ràng để trẻ đạt được, mà còn đặt ra các tiêu chuẩn chi tiết cho bài viết, cũng như hướng dẫn chúng cách nhận phần thưởng.
Cho dù phụ huynh đang tìm cách thuyết phục “nhà văn nhí bất đắc dĩ” của mình cải thiện kỹ năng viết, sửa lỗi chính tả hay chỉ đơn giản là cố gắng khuyến khích trẻ sử dụng trí tưởng tượng của mình một cách tích cực hơn, thì việc tạo ra một hệ thống khen thưởng thường sẽ đẩy nhanh tiến độ. Đó là điều phụ huynh nên áp dụng để trẻ đạt được tiến bộ.
Viết có thể mang lại sự giải phóng
Viết có thể mang lại sự tự do vì nó cải thiện khả năng thể hiện bản thân, sự tự tin và tính độc lập. Viết không nhất thiết sẽ luôn nhàm chán hoặc chỉ được sử dụng trong môi trường giáo dục. Thay vào đó, phụ huynh cần cho trẻ biết rằng, con có thể viết về bất cứ điều gì - từ nhật ký, blog, thậm chí tham gia các cuộc thi viết sáng tạo.
Viết thực sự có thể trở thành người bạn tốt nhất của trẻ. Đôi khi, việc thể hiện bản thân bằng lời nói rất khó. Thậm chí, có những lúc chúng ta không muốn chia sẻ suy nghĩ và cảm xúc của mình với người khác. Vì vậy, viết có thể là một hoạt động cực kỳ tự do đối với tất cả chúng ta.
Phụ huynh hãy khuyến khích con sử dụng viết lách như một cách để bày tỏ cảm xúc cá nhân. Bởi, đó là một cách tuyệt vời để thúc đẩy trẻ tiếp tục xây dựng kỹ năng viết mà không cần tích cực tập trung vào hành động viết bằng tay.
Chia sẻ bài viết của trẻ
Một cách rất hiệu quả để khuyến khích trẻ viết là chia sẻ tác phẩm của con với gia đình, bạn bè hoặc lên mạng xã hội. Đó là một cách tuyệt vời khác để giúp trẻ phát triển sự tự tin khi các em tiếp tục xây dựng kỹ năng viết của mình.
Phụ huynh có thể chia sẻ các bản in bài viết của con với người khác, hoặc tạo ra những cuốn sách được cá nhân hóa có nhiều nét đặc sắc. Đó là một cách tuyệt vời khác để truyền cảm hứng cho trẻ tiếp tục viết chăm chỉ.
Các hoạt động khác như viết blog có nhiều lợi ích khi muốn khuyến khích trẻ viết. Đó có thể là một cách rất tích cực để thúc đẩy trẻ thay đổi quan điểm về viết lách. Bởi, khi đó, trẻ cũng có thể được tiếp xúc với những bạn cùng lứa khác – người yêu thích viết lách.
Trở thành niềm vui của trẻ
Một điều khác cha mẹ có thể làm để truyền cảm hứng cho con muốn viết là yêu cầu trẻ vẽ ra một bối cảnh hoặc nhân vật cụ thể. Sau khi vẽ xong, hãy khuyến khích trẻ viết về điều đó. Đây có thể là phần mô tả về những gì trẻ đã tạo hoặc một câu chuyện kết hợp nhân vật, hay bối cảnh trong bức vẽ. Điều này có thể giúp việc thuyết phục trẻ viết ít khó khăn hơn một chút. Bởi, một số công việc sáng tạo được viết thành văn bản đã được hoàn thành theo cách trực quan.
Có vô số cách để khuyến khích trẻ thích viết. Chúng bao gồm các cuộc thảo luận bằng lời nói, trò chơi, sách bài tập, tài liệu in, hoạt động ngoài trời và các chương trình viết trực tuyến. Đây là những công cụ thực sự có thể tạo ra sự khác biệt về cảm nhận của trẻ đối với việc viết.
Thay đổi thái độ của trẻ đối với việc viết có vẻ như là một nhiệm vụ khó khăn. Tuy nhiên, bằng cách làm theo những gợi ý này, phụ huynh sẽ tác động tích cực đến trải nghiệm viết của con mình. Susan Wise Bauer và Jessie Wise - đồng tác giả của “The
Well-trained Mind” đã đưa ra hướng dẫn từng bước về quy trình dạy trẻ tiểu học viết ở nhà. Trong đó, bao gồm thực hành sáng tác bằng miệng, bằng cách khuyến khích trẻ nói về việc bé sẽ viết gì. Trẻ em cũng có thể học cách kể chuyện hoặc thực hành đọc chính tả bằng cách sao chép các câu từ sách lên giấy. Điều này dạy trẻ về cấu trúc câu và đoạn văn.
Các phụ huynh không nên nản lòng nếu trẻ có khả năng viết chưa tốt. Bởi, mỗi đứa trẻ đều phát triển theo tốc độ riêng. Julie Bogart - nhà giáo dục và người sáng lập chương trình viết trực tuyến Brave Writer, chia sẻ: “Việc xem xét cách các nhà văn phát triển một cách tự nhiên sẽ hiệu quả hơn nhiều so với việc tập trung vào phạm vi và trình tự, cấp lớp, độ tuổi hoặc các loại văn bản phải được thực hiện theo một số trình tự đã được thiết lập”.
Các chuyên gia cho biết, trẻ sẽ phát triển kỹ năng viết tốt qua nhiều năm nếu được thực hành thường xuyên. Hãy làm cho quá trình này trở nên thú vị và trẻ sẽ nuôi dưỡng niềm yêu thích viết lách ngay từ khi còn nhỏ.
Theo Nightzookeeper