Cập nhật lúc 19:19 - 11/12/2021

DIỄN BIẾN DỊCH NGÀY 9/12: Dấu hiệu quá tải điều trị COVID-19 ở TPHCM

 diễn biến
  • Diễn biến đã gỡ hoặc không tồn tại!
    Vui lòng xem tiếp các diễn biến mới nhất dưới đây hoặc quay về link bài gốc
  • 2021-12-08T23:12:00

    Thêm hơn trăm ca dương tính, Hải Phòng siết chặt biện pháp chống dịch

    Tối 8/12, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Hải Phòng thông tin, trong ngày địa phương ghi nhận thêm 157 ca dương tính SARS-CoV-2. Trong đó, huyện Thủy Nguyên (45 ca), huyện Tiên Lãng (30 ca), các quận Hồng Bàng (17 ca), Ngô Quyền (17 ca), Lê Chân (16 ca)…

    Trong số các bệnh nhân mới ghi nhận, có 41 trường hợp sàng lọc tại Công ty Regina KCN Vsip (huyện Thủy Nguyên) và 10 công nhân Công ty Ecoba, liên quan ổ dịch tại công trường xây dựng của Tập đoàn Hoàng Huy (quận Hồng Bàng).

    Từ ngày 23/11 đến nay, TP Hải Phòng đã ghi nhận 1.491 ca mắc COVID-19 trong cộng đồng. Trong đó, có các ổ dịch lớn tại quận Hồng Bàng, huyện Tiên Lãng và nhiều điểm có dịch ở các quận, huyện khác.

    Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng nhận định, thời gian gần đây dịch bệnh diễn biến phức tạp, đã xâm nhập nhanh, sâu rộng vào nhà máy, trường học, các cơ sở kinh doanh thương mại, đặt thành phố trước nguy cơ bùng phát dịch diện rộng.

    Trong khi đó, một số tổ chức, cá nhân còn chủ quan, lơ là trong công tác phòng chống dịch, một số hoạt động tập trung đông người vẫn tổ chức ở nhiều nơi.

    Do đó, ngày 8/12 Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng ban hành chỉ thị 09, yêu cầu các cấp ủy, chính quyền tập trung, quyết liệt, không chủ quan lơ là trong phòng chống dịch.

    Triển khai thực hiện mô hình “trạm y tế lưu động” tại tất cả các xã, phường, thị trấn. Chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện cách ly y tế, quản lý, theo dõi, khám và điều trị F0 tại nhà theo hướng dẫn. Đồng thời, thường xuyên kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các vi phạm, đặc biệt tại các cơ sở sản xuất kinh doanh, nhà hàng, quán ăn, nơi lưu trú, nơi tổ chức hoạt động sự kiện tập trung đông người…

    Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng cũng yêu cầu các cơ quan, địa phương, đơn vị quán triệt, yêu cầu cán bộ, công chức, người lao động gương mẫu, nâng cao ý thức trong phòng chống dịch. Hạn chế tối đa việc tổ chức, tham gia các hoạt động đông người như đám hỷ, liên hoan, hoạt động tín ngưỡng…

    UBND TP Hải Phòng chỉ đạo các sở ngành thực hiện đồng bộ các biện pháp kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, tích cực hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, đảm bảo an sinh xã hội, phục hồi kinh tế.

    Theo Tiền phong

    Chia sẻ lên Facebook Copy link dẫnĐã copy!
    Chia sẻ
  • 2021-12-08T23:12:00

    Ca mắc liên tục tăng cao, Hà Nội có 851 F0 điều trị tại trạm y tế lưu động

    Ngày 8/12, Sở Y tế Hà Nội cho biết, từ 18h ngày 7/12 đến 18h ngày 8/12, trên địa bàn Hà Nội ghi nhận 709 ca bệnh COVID-19, trong đó: cộng đồng (243), khu cách ly (329), khu phong tỏa (137). Đây là ngày thứ 2 liên tiếp, thành phố vượt 700 ca mắc/ngày.

    Theo Sở Y tế, trước tình hình ca mắc tăng cao, 30/30 quận, huyện, thị xã đã xây dựng phương án triển khai trạm y tế lưu động tại 508 xã, phường, thị trấn. Các địa phương thực hiện phương châm mỗi thôn, xóm, cụm dân cư có một địa điểm sẵn sàng đáp ứng công tác phòng, chống dịch COVID-19.

    Theo số liệu mới nhất của Sở Y tế, toàn thành phố đã có 22 quận, huyện tiếp nhận 851 F0 điều trị tại các trạm y tế lưu động.

    Trong 22 quận, huyện này, huyện Chương Mỹ tiếp nhận số lượng F0 điều trị tại trạm y tế lưu động nhiều nhất với 193 bệnh nhân, tiếp đến là huyện Hoài Đức tiếp nhận 110 bệnh nhân, huyện Sóc Sơn tiếp nhận 101 bệnh nhân, huyện Đan Phượng với 89 bệnh nhân; các quận, huyện còn lại tiếp nhận từ 2 đến 60 bệnh nhân.

    Hiện tại còn 8 quận, huyện: Cầu Giấy, Phúc Thọ, Sơn Tây, Ứng Hòa, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Hoàn Kiếm và Ba Đình chưa tiếp nhận điều trị F0 tại trạm y tế lưu động. 

    DIỄN BIẾN DỊCH NGÀY 9/12: F0 liên tục tăng cao, Hà Nội vượt 15.000 ca từ đợt dịch thứ 4 - Ảnh 1.

    Biểu đồ số ca mắc COVID-19 trên địa bàn Hà Nội. Ảnh: CDC Hà Nội

    Để phân luồng tiếp nhận, điều trị người bệnh COVID-19, Hà Nội phân thành 3 tầng điều trị dựa theo mức độ lâm sàng và yếu tố nguy cơ. Cụ thể:

    Tầng 1, dành cho trường hợp bệnh nhân không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ với mức nguy cơ trung bình, gồm: Tuổi từ 50-64, chưa phát hiện bệnh nền và đã tiêm đủ liều vaccine; tuổi từ 3 tháng đến dưới hoặc bằng 49 tuổi và chưa phát hiện bệnh nền, đã tiêm đủ liều vắc xin, không có triệu chứng cần can thiệp y tế.

    Những trường hợp ở tầng này được điều trị tại nhà, trạm y tế lưu động (cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 tại quận, huyện); hoặc cơ sở thu dung, điều trị COVID-19.

    Tầng 2, dành cho trường hợp không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ, mức độ trung bình với nguy cơ cao, gồm: Tuổi bằng hoặc trên 65 và đã tiêm đủ liều vaccine; mắc bệnh lý nền và đã tiêm đủ liều vaccine; từ 50-64 tuổi chưa phát hiện bệnh nền và chưa tiêm đủ liều vaccine; phụ nữ có thai và sinh con từ dưới hoặc bằng 42 ngày; trẻ em dưới hoặc bằng 3 tháng tuổi. Những trường hợp này điều trị tại bệnh viện thuộc tầng 2.

    Tầng 3, dành cho trường hợp nặng hoặc nguy kịch với nguy cơ rất cao, gồm: Tuổi từ trên hoặc bằng 65 và chưa tiêm đủ liều vaccine; mắc bệnh lý nền và chưa tiêm đủ liều vaccine; có tình trạng cấp cứu chuyên khoa. Những trường hợp này được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, Bệnh viện Thanh Nhàn, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, Bệnh viện Đa khoa Sơn Tây, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội và bệnh viện trung ương.

    Bên cạnh đó, Sở Y tế cũng phân tầng điều trị đối với những trường hợp đặc biệt. Cụ thể: Người bệnh chạy thận nhân tạo, lọc màng bụng, cơ sở tiếp nhận trường hợp này ở tầng 1 và tầng 2 là Bệnh viện Bắc Thăng Long; ở tầng 2 và tầng 3 là Bệnh viện Thanh Nhàn, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang và bệnh viện trung ương.

    Theo Lao động

    Chia sẻ lên Facebook Copy link dẫnĐã copy!
    Chia sẻ
  • 2021-12-09T00:12:00

    TP.HCM lên kế hoạch đón Tết theo cấp độ dịch

    Tại cuộc họp ngày 7/12, ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, đã chấp thuận đề xuất của Sở Văn hóa và Thể thao về các nội dung hoạt động đón chào năm mới 2022 tại TP.HCM, đồng thời thông qua kế hoạch tổ chức các hoạt động chào đón Tết Văn hóa - Nghĩa tình và chuỗi sự kiện mừng xuân Nhâm Dần - Mừng Đảng quang vinh, kỷ niệm 92 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2022).

    Trước tình hình dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp trên địa bàn thành phố, ông Hoan chỉ đạo các sở, ban, ngành, đơn vị chủ trì phối hợp xây dựng phương án triển khai, tổ chức các hoạt động căn cứ vào quy định về phòng, chống dịch Covid-19 và tình hình thực tế của TP.HCM đánh giá cấp độ dịch.


    Lực lượng y tế làm nhiệm vụ tại đường hoa năm 2021. Ảnh: Chí Hùng.

    Đối với đánh giá cấp độ 1, TP.HCM sẽ tổ chức các hoạt động bình thường, và đảm bảo các tiêu chí phòng, chống dịch Covid-19 theo quy định.

    Đối với đánh giá cấp độ 2, TP.HCM sẽ xây dựng phương án giảm quy mô chương trình, giảm số lượng đại biểu tham dự, khoanh vùng tổ chức, có biện pháp kiểm soát thành phần, số lượng người tham gia chương trình, phân luồng giao thông, di chuyển, đảm bảo nguyên tắc 5K…

    Trong trường hợp TP.HCM đánh giá cấp độ dịch là cấp độ 3, 4, Sở Văn hóa và Thể thao, cơ quan Thường trực Ban tổ chức kỷ niệm các ngày lễ lớn TP.HCM chịu trách nhiệm tham mưu UBND TP.HCM chỉ đạo tạm ngừng tổ chức các hoạt động cấp thành phố; hướng dẫn đa dạng phương thức và nội dung hoạt động, đẩy mạnh các chương trình, hoạt động trực tuyến nhằm đạt được mục tiêu đề ra và phù hợp với tình hình diễn biến của dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố.

    Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cũng yêu cầu các sở, ban, ngành, đơn vị TP Thủ Đức và các quận huyện căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao chủ động xây dựng kế hoạch cụ thể, chi tiết đối với từng nội dung hoạt động, phù hợp với tình hình thực tiễn phòng, chống dịch Covid-19 của địa phương, đơn vị, báo cáo UBND TP.HCM trước khi triển khai thực hiện.

    Theo Zingnews

    Chia sẻ lên Facebook Copy link dẫnĐã copy!
    Chia sẻ
  • 2021-12-09T00:12:00

    Người Việt Nam nhập cảnh tiêm đủ 2 mũi vắc xin sẽ được tự cách ly tại nhà

    Ngày 8-12, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã làm việc với Bộ Y tế và các bộ, ngành về rà soát công tác phòng, chống dịch COVID-19 liên quan đến người Việt Nam ở nước ngoài, người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam.

    Đại diện Bộ Giao thông vận tải cho biết hiện đang tích cực làm việc với các đối tác để xem xét sớm mở lại các đường bay thương mại quốc tế. Tuy nhiên đến nay chưa có chuyến bay thương mại quốc tế nào được mở lại do còn phụ thuộc vào nguyên tắc có đi có lại; quy định về những người được phép nhập cảnh vào Việt Nam trên các chuyến bay thương mại làm cơ sở để các hãng hàng không mở lại đường bay.

    Lãnh đạo Bộ Ngoại giao, Bộ LĐ-TB&XH cho rằng nhu cầu về nước đang rất lớn đối với những đối tượng là người lao động Việt Nam đã hết hạn hợp đồng, học sinh, sinh viên, người đi công tác bị mắc lại ở nước ngoài rất muốn được về nước, bà con Việt kiều lâu không được về quê.

    Bộ Ngoại giao đang nỗ lực giải quyết các thủ tục để đưa những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn về nước. Theo đó, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đã họp, chỉ đạo về nguyên tắc đối với việc đón người Việt Nam ở nước ngoài về, việc nhập cảnh của chuyên gia nước ngoài, khách quốc tế.

    DIỄN BIẾN DỊCH NGÀY 9/12: F0 liên tục tăng cao, Hà Nội vượt 15.000 ca từ đợt dịch thứ 4 - Ảnh 1.

    Tuy vậy, khó khăn là cân đối khả năng kiểm soát dịch bệnh trong nước, nhất là khi xuất hiện biến chủng Omicron, với nhu cầu nhập cảnh của người Việt Nam ở nước ngoài, chuyên gia nước ngoài, khách quốc tế. 

    Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, ngoài nhu cầu đón chuyên gia, kỹ sư, lao động kỹ thuật cao người nước ngoài, du khách quốc tế thì cần đặc biệt lưu ý nhu cầu của công dân Việt Nam đi lao động, học tập, công tác, thăm thân nhân bị mắc kẹt lại nước ngoài do dịch, cũng như bà con Việt Nam định cư ở nước ngoài cùng những người thân được hưởng chế độ như người Việt Nam theo quy định.

    "Đây là nhu cầu rất chính đáng và chúng ta phải có trách nhiệm giải quyết rất khẩn trương, nhất là trong điều kiện Tết Nguyên đán đang đến gần", Phó Thủ tướng nói.

    Tổ công tác 5 bộ (Ngoại giao, Y tế, Quốc phòng, Công an, Giao thông vận tải) phải khẩn trương báo cáo các lãnh đạo được Thủ tướng phân công phụ trách, giải quyết từng việc, khẩn trương nhất, đáp ứng nhu cầu chính đáng của bà con.

    Bộ Y tế phải ban hành hướng dẫn mới về việc cách ly, theo dõi sức khỏe đối với người nhập cảnh vào Việt Nam chậm nhất trước ngày 15-12, trên tinh thần tương tự như đối với người từ vùng dịch đến các địa phương khác ở trong nước.

    Cụ thể, đối với người nhập cảnh đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin, có kết quả xét nghiệm âm tính chỉ tự cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà với thời gian bảo đảm an toàn dịch bệnh. Đối với người chưa tiêm vắc xin phải có cơ sở cách ly trong nước với thời gian, điều kiện tốt nhất, thuận lợi cho bà con và tổ chức tiêm vắc xin.

    Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Giao thông vận tải, ngành hàng không và các bộ, ngành liên quan tích cực báo cáo các vị lãnh đạo, xúc tiến công tác chuẩn bị mở lại các đường bay thương mại quốc tế, có quy trình để người Việt Nam ở nước ngoài đặt chỗ.

    Người chưa tiêm vắc xin chỉ được mua vé máy bay sau khi có địa chỉ cách ly

    Lãnh đạo Cục Hàng không cho biết việc mở lại đường bay thương mại quốc tế là nhu cầu cấp thiết của các hãng hàng không. Cục Hàng không đã kết nối với hệ thống "hộ chiếu vắc xin" của các nước để bảo đảm tất cả những người đặt mua vé máy bay đều đã được tiêm đủ vắc xin. Những người chưa tiêm vắc xin chỉ được mua vé sau khi đã đăng ký và có địa chỉ cách ly cụ thể trong nước.

    Theo Tuổi trẻ

    Chia sẻ lên Facebook Copy link dẫnĐã copy!
    Chia sẻ
  • 2021-12-09T00:12:00

    Hà Nội khẩn tìm người đến hiệu thuốc, quán phở, nhà sách có liên quan F0

    Tối 8/12, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 quận Ba Đình thông báo: Tất cả những người từng đến các địa điểm sau nhanh chóng liên hệ với cơ quan y tế:

    - Ngày 1/12: Khoảng 14h tại Miếu Cô Bé Nữ Hoàng Mai Hoa - 18 Tam Trinh, Kim Ngưu.

    - Ngày 3/12 tại các điểm:

    + Buổi sáng tại hiệu thuốc số 8 Hàng Than.

    + Buổi trưa tại hiệu sách Ba Đình, 12 Quán Thánh, Nguyễn Trung Trực.

    - Ngày 4/12, tại các điểm:

    + 7h-9h tại quán phở - 58 phố Cửa Bắc.

    + 19h tại Haidilao tầng 6 Vincom Nguyễn Chí Thanh - L6, số 54A Nguyễn Chí Thanh.

    Tất cả những người từng đến các địa điểm trên tự cách ly tại nhà và liên hệ ngay với trạm y tế gần nhất hoặc gọi điện thoại đến CDC Hà Nội số 0969.082.115 hoặc số 0949.396.115.

    Cộng dồn số ca mắc Covid-19 trong đợt dịch thứ 4 (ngày 29/4) đến nay, Hà Nội có tổng 15.255 ca mắc Covid-19, trong đó 5.847 ca cộng đồng và 9.408 người đã được cách ly.

    Theo Dân trí

    Chia sẻ lên Facebook Copy link dẫnĐã copy!
    Chia sẻ
  • 2021-12-09T01:12:00

    Thủ tướng yêu cầu xây dựng kế hoạch tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em từ 5-11 tuổi

    Thần tốc thực hiện chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng COVID-19

    Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo số 327/TB-VPCP kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp về vaccine, thuốc điều trị COVID-19.

    Trước diễn biến mới, phức tạp của dịch bệnh trong nước và trên thế giới, cần có đánh giá kỹ lưỡng toàn diện, triển khai căn bản, khoa học, kịp thời, hiệu quả hơn nữa việc nhập khẩu, nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, sản xuất vaccine, thuốc điều trị COVID-19. 

    Chính phủ, Thủ tướng, Phó Thủ tướng Chính phủ phụ trách đã chỉ đạo quyết liệt, nhất quán, tích cực về vấn đề này, việc tổ chức thực hiện cần đồng bộ, thông suốt, tổng thể, liên thông, hiệu quả hơn nữa. 

    Bộ trưởng Bộ Y tế và Chủ tịch UBND các tỉnh phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đến ngày 15/12/2021, chậm nhất cuối tháng 12/2021 cơ bản phải tiêm xong 2 mũi cho số người từ 18 tuổi trở lên, nhất là những người 50 tuổi trở lên và người có bệnh nền.

    Xây dựng kế hoạch tiêm cho trẻ em từ 5 - 11 tuổi

    Thủ tướng giao Ban cán sự Đảng Bộ Y tế khẩn trương hoàn thiện Chương trình tổng thể phòng, chống dịch COVID-19 báo cáo xin ý kiến Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam trước khi báo cáo Thủ tướng Chính phủ. 

    Trong đó, kế hoạch bảo đảm vaccine phòng COVID-19 cần chi tiết về số lượng, chủng loại, độ tuổi tiêm, thời gian tiêm, phương án tiêm, việc tiêm trộn giữa các loại vaccine, tiêm tăng cường, bổ sung, nhắc lại, kế hoạch bảo quản, chú ý hạn sử dụng. Đồng thời tích cực tiêm mũi 3 và đề xuất lộ trình xã hội hóa việc tiêm vaccine phòng COVID-19, báo cáo, xin ý kiến Bộ Chính trị.

    Xây dựng kế hoạch để sớm báo cáo xin ý kiến Bộ Chính trị về phương án tiêm (mũi 1 và 2) cho trẻ em từ 5 đến 11 tuổi, trong đó thể hiện rõ cơ sở lý luận, cơ sở thực tiễn, giải pháp trên cơ sở khoa học, diễn biến dịch bệnh trong nước và thực tiễn các nước (trước ngày 10/12/2021), đồng thời chỉ đạo quyết liệt để rà soát kỹ lưỡng đề xuất cấp có thẩm quyền kế hoạch mua vaccine năm 2022 và đặc biệt là vaccine cho trẻ em cần phải ký được hợp đồng trong tháng 12/2021.

    Bộ Y tế xây dựng kế hoạch chi tiết, cụ thể về lộ trình, số lượng, chủng loại, lứa tuổi cần tiêm vaccine cho năm 2022 để báo cáo Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống COVID-19; chỉ đạo quyết liệt toàn ngành thần tốc hơn nữa trong thực hiện chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng COVID-19, đến ngày 15/12/2021 phải cơ bản hoàn thành 100% việc tiêm 2 mũi cho người từ 18 tuổi trở lên; địa phương nào không hoàn thành mục tiêu này đồng chí Chủ tịch UBND cấp tỉnh và Bộ trưởng Bộ Y tế phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; tích cực triển khai có lộ trình để hoàn thành sớm nhất việc tiêm cho người từ 12 đến 18 tuổi.

    Đồng thời, bám sát tiến độ giao nhận, tiêm vaccine để đảm bảo đủ vaccine tiêm mũi 3 cho toàn bộ người dân từ 18 tuổi trở lên (phấn đấu trước tháng 6/2022), đồng thời đẩy mạnh việc tiêm mũi 3, trong đó ưu tiên những người từ 50 tuổi trở lên và các đối tượng tuyến đầu phòng, chống dịch COVID-19; kiến nghị kịp thời việc tiêm mũi 3 cho trẻ em từ 12 đến 18 tuổi; chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng và các Bộ, cơ quan, địa phương liên quan chủ động chi viện lực lượng hỗ trợ các địa phương thực hiện chiến dịch thần tốc tiêm chủng để cả nước hoàn thiện theo mục tiêu đề ra.

    Theo Sức khỏe và Đời sống

    Chia sẻ lên Facebook Copy link dẫnĐã copy!
    Chia sẻ
  • 2021-12-09T01:12:00

    TPHCM kết thúc chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ 12-17 tuổi

    Kết thúc chiến dịch tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ 12-17 tuổi

    Theo ThS.BS Lê Hồng Nga - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM, thành phố bắt đầu chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em 12 - 17 tuổi vào ngày 27.10. Hiện thành phố đã kết thúc 2 đợt tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ thuộc nhóm tuổi này.

    Tuy nhiên, thành phố vẫn tiếp tục rà soát để tiêm cho những trẻ chưa tiêm trong chiến dịch. Việc tổ chức tiêm cho trẻ đủ 12 tuổi sau chiến dịch sẽ được diễn ra tại các phường xã.

    DIỄN BIẾN DỊCH NGÀY 9/12: F0 liên tục tăng cao, Hà Nội vượt 15.000 ca từ đợt dịch thứ 4 - Ảnh 1.

    Học sinh ngồi chờ, theo dõi sức khỏe sau tiêm vaccine COVID-19 mũi 2. Ảnh: Thanh Chân.

    Trong suốt chiến dịch, 709.645 trẻ trong độ tuổi 12 - 17 tuổi đã được tiêm chủng, tăng hơn 7.481 trẻ so với dự kiến ban đầu. Tỷ lệ tiêm chủng vaccine COVID-19 mũi 1 đạt 96,6%, mũi 2 đạt 85,5%. Toàn thành phố có 7 quận huyện đạt tỷ lệ cả 2 mũi tiêm trên 90% gồm Quận 5, 8, 10, 11, Bình Thạnh, huyện Củ Chi và Cần Giờ.

    Đợt 1 của chiến dịch khởi động vào ngày 27.10 tại 2 quận huyện đầu tiên gồm huyện Củ Chi và Quận 1, kết thúc vào ngày 4.11. Sau đó, vào ngày 22.11, toàn thành phố bắt đầu chiến dịch đợt 2.

    Tiêm vaccine COVID-19 liều bổ sung và nhắc lại

    HCDC thông tin thêm sau đợt tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cho trẻ 12 - 17 tuổi, thành phố sẽ tổ chức tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 liều bổ sung và nhắc lại, dự kiến bắt đầu từ ngày 10.12.

    Theo lộ trình, tháng 12.2021, thành phố tập trung tiêm cho người bệnh suy giảm miễn dịch đã tiêm đủ liều cơ bản ít nhất 28 ngày; người đã tiêm đủ liều cơ bản ít nhất 6 tháng.

    Tháng 1.2022 – 12.2022, thành phố sẽ tiêm cho người đã tiêm đủ liều cơ bản ít nhất 6 tháng theo thứ tự ưu tiên; tiếp tục tiêm cho người suy giảm miễn dịch đủ liều cơ bản ít nhất 28 ngày; tiêm nhắc cho toàn bộ người dân từ 18 tuổi trở lên vào cuối năm 2022.

    DIỄN BIẾN DỊCH NGÀY 9/12: F0 liên tục tăng cao, Hà Nội vượt 15.000 ca từ đợt dịch thứ 4 - Ảnh 2.

    Tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân TPHCM. Ảnh: Ngọc Lê

    ThS.BS Lê Hồng Nga cho biết liều bổ sung là liều vaccine tiếp theo được khuyến cáo cho những người bị suy giảm miễn dịch vừa hoặc nặng sau khi đã được nhận được 2 liều cơ bản. Khoảng cách ít nhất 28 ngày kể từ ngày tiêm mũi thứ 2.

    Liều tăng cường là liều vaccine tiếp theo được sử dụng để tăng cường hoặc khôi phục khả năng bảo vệ của 2 liều cơ bản mà có thể đã giảm dần theo thời gian. Khoảng cách ít nhất 6 tháng kể từ ngày tiêm mũi thứ 2 hoặc mũi bổ sung.

    Đối với liều bổ sung, thành phố dự kiến tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên, có tình trạng suy giảm miễn dịch (người cấy ghép tạng, ung thư, HIV, đang hoặc đã sử dụng thuốc ức chế miễn dịch trong 6 tháng...) đã tiêm mũi cuối cùng của liều cơ bản ít nhất 28 ngày. Người từ 50 tuổi trở lên được ưu tiên tiêm trước.

    Đối với liều nhắc lại, thành phố sẽ tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên đã tiêm mũi cuối cùng của liều cơ bản hoặc liều bổ sung ít nhất 6 tháng. Nhóm được ưu tiên là người bệnh nền, cần chăm sóc dài hạn tại các cơ sở y tế, người từ 50 tuổi trở lên, người trực tiếp xét nghiệm, chăm sóc, điều trị bệnh nhân COVID-19, nhân viên y tế, lực lượng tuyến đầu chống dịch.

    Loại vaccine để tiêm bổ sung hoặc nhắc lại cần tuân thủ hướng dẫn của Bộ Y tế theo nguyên tắc nếu trước đó tiêm cùng 1 loại vaccine thì tiêm mũi bổ sung, mũi nhắc lại cùng loại hoặc vaccine mRNA.

    Nếu trước đó đã tiêm các loại vaccine khác nhau thì tiêm mũi bổ sung, mũi nhắc lại bằng vaccine mRNA. Nếu tiêm liều cơ bản hoặc bổ sung là vaccine của hãng Sinopharm thì có thể tiêm mũi nhắc lại cùng loại hoặc vaccine mRNA hoặc vaccine vector virus (Astrazeneca).

    Theo Lao động

    Chia sẻ lên Facebook Copy link dẫnĐã copy!
    Chia sẻ
  • 2021-12-09T02:12:00

    Dấu hiệu quá tải điều trị COVID-19 ở TPHCM

    Bệnh nặng khó chuyển tuyến

    Quận 4 có số dân đông, trong khi điều kiện nhà ở chật hẹp nên nguy cơ tiếp xúc, lây nhiễm ở mức cao. Nhiều F0 không đủ điều kiện cách ly, điều trị tại nhà nên bệnh nhân được chuyển đến khu cách ly tập trung. Bệnh viện Quận 4 hiện có 50 giường điều trị COVID-19 nhưng đang quá tải nên phải xếp băng ca cho F0 nằm điều trị.

    Ngày 8/12, bà Đỗ Thị Trúc Mai - Phó Chủ tịch UBND Quận 4, TPHCM cho biết, số ca tử vong trong tuần đầu tiên của tháng 12 trên địa bàn đã tăng nhanh, gần bằng tổng số ca tử vong trong tháng 11.

    “Chúng tôi đã phân tích nguyên nhân tử vong và ghi nhận, đa số các trường hợp đang thở máy, bệnh nặng, tiên lượng tử vong xin chuyển lên tuyến trên nhưng không được. Đề nghị ngành y tế thành phố có giải pháp hỗ trợ tiếp nhận điều trị các ca bệnh nặng”, bà Mai nói.

    Tình trạng quá tải cũng đang diễn ra ở nhiều địa phương khác trong thành phố. Trong bối cảnh F0 gia tăng, Bệnh viện Quận 12 đã phải điều chỉnh tăng từ 60 giường điều trị lên 150 giường điều trị COVID-19. Trên địa bàn quận này chỉ có một bệnh viện vừa điều trị bệnh lý thông thường, vừa điều trị COVID-19 nên tình trạng quá tải cả 2 nhóm bệnh trên đang diễn ra.

    Mặt khác, bệnh viện cũng đang đối mặt với nhiều khó khăn khi thực hiện công tác chuyển viện cho những trường hợp bệnh nặng và nguy kịch. Bà Võ Thị Chính, Phó chủ tịch UBND quận 12 cho biết, theo phân tuyến điều trị thì người bệnh có diễn tiến nặng trên địa bàn quận được chuyển đến Bệnh viện Quân y 175 và Bệnh viện Dã chiến số 16. Tuy nhiên, bệnh viện tầng trên đang rơi vào quá tải mỗi ngày và chỉ tiếp nhận được 1 đến 2 ca nên nhiều ca vượt quá chuyên môn đã tử vong tại Bệnh viện Quận 12.

    Bắt đầu quá tải

    Sáng 8/12 tại cuộc họp trực tuyến với Trung tâm Y tế và UBND các quận huyện và thành phố Thủ Đức, BS Nguyễn Hữu Hưng - Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM cho biết, sau hơn 2 tháng nới lỏng giãn cách, số ca mắc mới liên tục tăng ở hầu hết các quận huyện; số ca nặng, tử vong cũng tăng. Giai đoạn thấp điểm, tử vong vì COVID-19 tại thành phố chỉ còn 26 ca nhưng đến nay có ngày hơn 90 ca tử vong.

    Số F0 đang quản lý trên địa bàn thành phố tính đến ngày 8/12 là khoảng 90.000 trường hợp. Ngưỡng chịu đựng trong chăm sóc, điều trị F0 của ngành y tế trên địa bàn TPHCM là 120.000 F0. Trong khi dịch đang có xu hướng gia tăng, nếu quá mức trên sẽ gây áp lực, khó khăn cho điều trị. Ngành y tế đang tập trung triển khai các biện pháp khống chế F0 thấp dưới ngưỡng chịu đựng và ở mức càng thấp càng tốt để kiểm soát được dịch bệnh.

    Close Playerngăn chặn bệnh diễn tiến nặng

    Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu xác nhận: “Hệ thống y tế điều trị COVID-19 của thành phố hiện nay bắt đầu bị quá tải. Sở Y tế đang khởi động lại các bệnh viện điều trị COVID-19 ở tầng 2 và 3 để có thể tiếp nhận kịp thời người bệnh. Sở Y tế đang triển khai các bước điều phối, hỗ trợ những bệnh viện có lượng bệnh nhân đông khi có bệnh nặng”.

    Những trường hợp bệnh nặng theo phân tích hồ sơ tử vong hầu hết trên 65 tuổi, có nhiều bệnh lý nền, khi đã phải hỗ trợ hô hấp thì khả năng cứu sống cũng ở mức thấp. Sở Y tế, sẽ tăng cường các biện pháp điều trị sớm cho những trường hợp trong nhóm nguy cơ với thuốc kháng virus để , giảm tối đa tình trạng tử vong. Vắc xin sẽ được chích bổ sung cho nhóm nguy cơ cao là giải pháp mang tính bền vững để bảo vệ cộng đồng đặc biệt là nhóm nguy cơ.

    Theo Tiền phong

    Chia sẻ lên Facebook Copy link dẫnĐã copy!
    Chia sẻ
  • 2021-12-09T04:12:00

    Hà Nội sẵn sàng cho kịch bản có 100.000 ca mắc Covid-19

    Sáng 9/12, HĐND Hà Nội bước sang ngày làm việc thứ 3. Đại biểu dành cả ngày để chất vấn lãnh đạo UBND Hà Nội và các sở, ngành về công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong năm qua, định hướng của thành phố trong giai đoạn tới.

    Sẵn sàng cho kịch bản có 100.000 ca mắc Covid-19

    Trả lời chất vấn, Giám đốc Sở Y tế Trần Thị Nhị Hà cho biết, trong giai đoạn vừa qua, tình hình dịch bệnh rất phức tạp và thời gian gần đây, số ca mắc trên địa bàn thành phố tăng cao (từ ngày 11/10 đến hiện tại).

    Sở Y tế thấy rằng, số ca mắc sẽ tiếp tục tăng cao có thể dự báo 1.000 ca mắc mỗi ngày trong thời gian sắp tới. Bên cạnh đó, nguy cơ bùng phát dịch rất cao ở 30/30 quận huyện và có thể xuất hiện biến chủng Omicron. Tuy nhiên, tỷ lệ tiêm vaccine 2 mũi của thành phố là trên 95% nên dù số ca mắc tăng cao nhưng tất cả đều chỉ có triệu chứng nhẹ.

    Lý giải về nguyên nhân ca mắc tăng cao, theo bà Hà là do đặc điểm địa lý của thành phố, sự di biến động phức tạp của người dân, tâm lý chủ quan của người dân khi đã tiêm đủ 2 mũi vaccine…

    "Tuy nhiên, nếu chúng ta quyết tâm, tập trung, có giải pháp đồng bộ của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận của người dân thì chúng ta vẫn kiểm soát được dịch bệnh" - bà Hà khẳng định.

    Trong phần trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Quang Thắng, bà Trần Thị Nhị Hà cũng cho biết Sở Y tế đã có phương án đáp ứng khi có 100.000 ca bệnh trên địa bàn, đảm bảo 1.000 giường hồi sức cấp cứu và huy động thêm của các bệnh viện, bộ ngành Trung ương thêm 1.000 giường nữa. Như vậy, thành phố có 2.000 giường hồi sức cấp cứu, đảm bảo đầy đủ phương tiện cấp cứu và oxy hỗ trợ bệnh nhân.

    Về năng lực vận chuyển xe cứu thương, bà Hà cho biết Sở Y tế đã giao cho Trung tâm 115 điều phối trên phần mềm để điều phối xe cứu thương trên địa bàn. Sở Y tế phối hợp với Sở GTVT tổ chức mô hình doanh nghiệp vận tải để vận chuyển F0, F1; chuẩn bị 1.200 xe hành khách để có thể hoán cải thành xe vận chuyển người bệnh.

    “Với việc phân luồng, phân tuyến thì việc điều trị tại nhà hay cơ sở cũng giảm tải cho hệ thống vận chuyển cấp cứu. Trên địa bàn có trung tâm y tế và bệnh viện đã có xe cứu thương nên có thể vận chuyển người bệnh ngay tại địa bàn. Hiện, 92% người bệnh được điều trị tại tuyến cơ sở hoặc tại nhà”, bà Hà cho biết.

    Đề cập đến năng lực xét nghiệm, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội thừa nhận vừa qua có tình trạng chậm trả mẫu. Vì thế, ngành y tế đã có giải pháp kịp thời như phối hợp test nhanh, kháng nguyên để rút ngắn thời gian trả kết quả; ứng dụng phần mềm lấy mẫu và trả kết quả trên nền tảng công nghệ; bố trí phương tiện vận chuyển mẫu tới các phòng xét nghiệm theo phân luồng để tránh tồn đọng…

    Bà Hà cũng cho biết thành phố bố trí thêm 12 máy xét nghiệm cho bệnh viện tuyến huyện để nâng cao năng suất và phân luồng xét nghiệm trên địa bàn. Trong trường hợp cần thiết, ngành y tế có thể huy động nhân lực, vật lực từ bệnh viện tư nhân, bệnh viện Trung ương hay bộ ngành đóng trên địa bàn. Sở cũng tham mưu với TP ban hành giá dịch vụ đặt hàng xét nghiệm nếu có thể huy động hệ thống xét nghiệm công lập hoặc ngoài công lập.

    Theo Zingnews

    Chia sẻ lên Facebook Copy link dẫnĐã copy!
    Chia sẻ